Đỉnh điểm của chiến lược xoay trục mà Tổng thống Barack Obama mong muốn, thỏa thuận về hiệp định TPP tại Atlanta, theo ví von của Les Echos, là một hòn đá ném vào sân sau của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bị sa lầy trong tiến trình cải cách và xác định lại mô hình kinh tế, Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ qua mặt.
Không chỉ có việc không phải là thành viên của khối 12 quốc gia chiếm 40% nền kinh tế thế giới, mà Washington còn kiến tạo những trao đổi tương lai tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Lên tiếng hoan nghênh hiệp định, ông Obama nhấn mạnh đến tính chất đối trọng với Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ nói: « Khi mà trên 95% khách hàng tiềm năng sống ở bên ngoài biên giới, chúng ta không thể để cho những nước như Trung Quốc áp đặt những quy định cho kinh tế thế giới. TPP tăng cường mối quan hệ chiến lược với các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ tại một khu vực mang tính sống còn trong thế kỷ 21 ».
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lại còn dấn sâu hơn khi khẳng định Nhật Bản, đại địch của Bắc Kinh ở châu Á sẽ « xúc tiến tăng trưởng khu vực, thịnh vượng và ổn định thông qua việc đào sâu quan hệ với các nước cùng chia sẻ những giá trị như tự do dân chủ, nhân quyền và Nhà nước pháp quyền ».
Các lời bình này càng làm Bắc Kinh thêm tin tưởng TPP là công cụ để kìm hãm ảnh hưởng Trung Quốc, cường quốc kinh tế hàng đầu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cố vớt vát sự thiếu vắng phản ứng của Bắc Kinh trong kỳ nghỉ, Tân Hoa Xã cho rằng « hiệp định thiếu minh bạch ». Cuối cùng Bộ trưởng Thương mại cũng lên tiếng cho biết « mở cửa cho mọi cơ chế có thể củng cố sự hội nhập kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương ».
Ngay cả Việt Nam cuối cùng cũng mở cửa
Ngoài Nhật Bản, TTP gồm cả một số đối tác khác của Trung Quốc như Việt Nam, Singapore, Malaysia, Úc, Brunei. Với hiệp định này, nước Việt Nam cộng sản sẽ mở cửa không gian mạng và xuất khẩu vào khu vực tự do mậu dịch này với thuế suất ưu đãi, còn giá lao động hiện chỉ bằng 60% so với các tỉnh miền đông Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình, vốn đã dành ưu tiên cho việc vẽ ra bức tranh của thương mại thế giới trong tương lai, chủ yếu qua sự thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) và một khối mậu dịch tự do có tầm vóc khiêm tốn hơn, như vậy đã phải lãnh một cú rờ-ve.
Trung Quốc không nằm trong số các quốc gia sáng lập TPP, do phải cải cách rất nhiều nếu muốn gia nhập, đặc biệt là phải tự do hóa lãnh vực tài chính. Vấn đề là cuối cùng Bắc Kinh có gia nhập khối TPP hay không. Chỉ có một điều chắc chắn, đó là phải khẩn cấp thực hiện những cải cách đang bị hoãn lại do kinh tế sa sút, và sự chống đối của các tập đoàn quốc doanh độc quyền cũng như phe bảo thủ trong đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Le Figaro, đó là cái giá phải trả nếu Bắc Kinh muốn chuyển đổi từ mô hình công xưởng thế giới thành một trung tâm sáng tạo, một nền kinh tế dịch vụ và tiêu dùng. Trong khi chờ đợi, Tập Cận Bình phải chịu đựng một sự hạ nhục: nghe địch thủ Shinzo Abe « lên lớp ». Thủ tướng Nhật bày tỏ mong muốn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đạt được việc cải tiến các quy định để có thể gia nhập TPP.
Điều an ủi duy nhất cho Bắc Kinh, là Tổng thống Mỹ còn phải tập hợp được những người ủng hộ thuộc cả hai đảng để hiệp định được Quốc hội thông qua. Một sự đánh cược vào đúng thời điểm chiến dịch tranh cử tổng thống.
TPP và Obama: Thành công của chủ trương « xoay trục »
Cũng về TPP, phụ trang kinh tế của Le Monde trong bài « Thương mại: Mỹ và châu Á ký kết một hiệp định lịch sử » sau khi kể ra những thử thách cuối cùng phải vượt qua về bảo vệ bằng sáng chế dược phẩm sinh học, sản phẩm sữa và phụ tùng xe hơi; đã nhấn mạnh đến chiến lược xoay trục của ông Obama.
Ván bài TPP hết sức rộng lớn. Trước hết, khi hài hòa các chuẩn mực và hạ mức thuế quan, TPP nhằm đẩy mạnh thương mại giữa 12 nước. Các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ được đẩy lên theo quan điểm phương Tây, bên cạnh đó là chấp nhận mở rộng internet kể cả tại Việt Nam, nơi mà chính quyền cộng sản từ trước đến nay vẫn phản đối. TPP cũng dành hẳn một chương cho việc cấm buôn bán động vật hoang dã, khai thác quá mức môi trường.
Với TPP, 18.000 sắc thuế do 11 đối tác đánh vào hàng xuất khẩu Mỹ trong các lãnh vực máy công cụ, công nghệ thông tin, hóa học, nông sản sẽ được dỡ bỏ. Một chương được dành cho việc nâng các tiêu chuẩn về quyền của người lao động tại những nước như Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Về mặt ngoại giao, đối với Hoa Kỳ TPP là kết quả chiến lược xoay trục, qua việc siết chặt quan hệ thương mại với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, nhằm đối phó trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Đây là một thành công cho ông Barack Obama. Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh: « TPP gồm các cam kết mạnh mẽ nhất về lao động và môi trường chưa bao giờ đạt được trong một hiệp định tự do mậu dịch, và những cam kết này là bắt buộc thực hiện, khác với những hiệp ước trước đây ».
Tuy nhiên Le Monde nhắc lại những cản ngại chưa phải là chấm dứt cho TPP, vì còn phải được Quốc hội của mỗi nước thông qua, trước hết là Quốc hội Mỹ. Đã có những tiếng nói quan ngại: dân biểu Mitch McConnell, lãnh tụ phe đa số Cộng hòa tại Hạ viện tỏ ra thận trọng; còn cánh cực tả của phe Dân chủ như Bernie Sanders thì cực lực tố cáo TPP chỉ mang lợi lộc cho Wall Street và các tập đoàn lớn.
Tờ báo nói thêm, một số đại biểu Dân chủ vẫn còn bực tức về hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ (Alena), thương lượng năm 1994 dưới thời Bill Clinton, cho rằng đã đẩy một số ngành kỹ nghệ của Hoa Kỳ chạy sang Mêhicô, làm mất đi 700.000 việc làm. Tập đoàn xe hơi Ford « khuyến cáo Quốc hội không thông qua TPP dưới hình thức hiện nay, để bảo đảm tính cạnh tranh tương lai của công nghiệp xe hơi ». Các tổ chức phi chính phủ, các nghiệp đoàn cũng sẽ tham gia phản đối trong những tuần lễ sắp tới.
Bắc Kinh tuyên truyền chống Nhật, dân Hoa lục vẫn đổ xô du lịch Nhật Bản
Cũng liên quan đến châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến hiện tượng « Du khách Trung Quốc đổ xô đến Nhật Bản ». Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc, số khách du lịch từ Hoa lục đến tham quan đất nước hoa anh đào năm nay đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Tờ báo cho rằng đây là cả một sự nhạo báng đối với bộ máy tuyên truyền của chính quyền Bắc Kinh vốn luôn lặp đi lặp lại những tội ác trong quá khứ của quân phiệt Nhật: ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc sang thăm nước láng giềng Nhật Bản. Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài từ ngày 1 đến 7 tháng Mười càng khẳng định thêm xu hướng này, chủ yếu là do chênh lệch tỉ giá giữa đồng yen và nhân dân tệ.
Theo con số đặt chỗ của Ctrip, công ty du lịch trên mạng hàng đầu Trung Quốc được báo chí chính thức dẫn ra, Nhật Bản là hướng đến đứng trên cả Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Macao và Hoa Kỳ, những lựa chọn truyền thống của du khách Hoa lục trong kỳ nghỉ quan trọng thứ nhì chỉ sau Tết âm lịch. Tổng cục Du lịch Trung Quốc ước tính khách trong nước sang Nhật Bản du lịch tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nỗ lực không ngơi nghỉ của Bắc Kinh nhằm kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa đã vấp phải một thực tế phũ phàng: lợi dụng đồng yen sụt giá, dân Hoa lục sang Nhật chủ yếu để shopping hơn là thưởng thức vẻ đẹp của xứ sở hoa anh đào. Tờ China Daily chọn đăng tấm ảnh kết quả mua sắm trên mạng của một cô gái Trung Quốc ở khu phố Akihabara, Tokyo.
Các món hàng hiệu tại Nhật nay đã rẻ hơn tại Hồng Kông hay Macao, và tất nhiên mang lại niềm vui cho chủ các khách sạn ở Nhật, đầy kín khách. Hồng Kông bỗng nhiên thiệt thòi, trong khi Hàn Quốc dần hồi phục sau nạn dịch SARS. Hoa Kỳ thì vẫn thu hút một lượng khách du lịch Trung Quốc đáng kể nhờ thủ tục cấp visa dễ dàng hơn.
Ngược lại những ai chọn lựa ở lại Bắc Kinh trong kỳ nghỉ này, có thể sẽ phải hối hận. Từ tối Chủ nhật cho đến nay, thủ đô Trung Quốc bị chìm trong màn sương mù ô nhiễm dày đặc, khiến tầm nhìn bị hạn chế trong vòng vài mét. Chỉ số chất lượng không khí do đại sứ quán Mỹ công bố đã vượt qua ngưỡng 400 trong khu vực nguy hiểm.
Air France có trụ được qua khủng hoảng ?
Sau vụ bạo động tại trụ sở Air France, mà cảnh tượng hai nhà lãnh đạo công ty hàng không này – áo sơ mi bị xé rách, phải mình trần vượt hàng rào thoát thân trước đám đông biểu tình giận dữ -được truyền đi khắp thế giới, gây tổn hại cho hình ảnh nước Pháp. Le Monde cho rằng « một sự sụp đổ là khó thể tránh khỏi ».
Hoặc là hội nhập, hoặc phải biến mất. Thời gian càng trôi qua thì sự tồn tại của Air France càng bị đe dọa. Sau hãng PanAm rồi đến TWA trong thập niên 90 và những năm 2000, hay mới đây là Swissair, Malev hay Sabena, công ty hàng không uy tín của Pháp có thể nối dài danh sách các công ty bị đóng cửa hay bị một đối thủ cạnh tranh nuốt chửng. Mối đe dọa mà cách đây vài tháng được ban giám đốc nêu ra để thúc đẩy nhân viên nỗ lực hơn trong thương lượng, nay có thể thành hiện thực: ngay cả những tên tuổi lớn cũng có thể bị chìm đắm.
Một lãnh đạo Air France ngậm ngùi: « Nếu trong vòng hai mươi năm qua, ban giám đốc không ‘‘mua’’ lấy sự yên tĩnh đối với nhân viên, thì đã không có ngày hôm nay ». Trong thời kỳ đó Air France rất năng động, đến năm 2004 còn mua lại hãng KLM của Hà Lan, được xếp hàng đầu thế giới.
Nhưng rồi trên bầu trời xuất hiện các đối thủ cạnh tranh: các công ty hàng không giá rẻ trên các tuyến đường ngắn và trung bình, các hãng vùng Vịnh trên tuyến đường dài. Air France bị tấn công tại cả hai thị trường chính, và chi phí hiện nay cao hơn các đối thủ ở châu Âu từ 20 đến 25%. Vụ đình công kéo dài hai tuần lễ của các phi công tháng 9/2014 để chống lại việc thành lập chi nhánh giá rẻ Transavia Europe đã gây thiệt hại nặng cho hãng.
Tuy chỉ trích hành động này của giới phi công, nhưng Nhà nước Pháp đang nắm 17% vốn, theo Le Monde cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Trong nhiều năm trời, dù thuộc cánh tả hay cánh hữu, chính quyền luôn muốn dàn xếp cho qua để tránh các cuộc đình công thay vì tính đến tầm vóc và nguy cơ của khủng hoảng. Và như thế, một khi Air France lọt vào tay nước ngoài, sẽ là một thất bại cay đắng cho Nhà nước Pháp.
RFI tiếng Việt
Trả lời