TÔI THỜI ÁO LÍNH

Những năm giữa 80 thế kỷ trước, khi cuộc chiến ở Campuchia vẫn còn nóng bỏng, những chiến dịch mùa khô như cái phễu khổng lồ hút hết quân số của Việt Nam vào tham chiến. Sau mỗi đợt chiến dịch là những hàng dài mộ phần của những người lính Việt Nam tăng lên một cách đáng sợ. Họ nằm xuống hầu hết chỉ mới mười tám đôi mươi, mùi đời hầu như chưa trải, bao đứa vẫn chưa biết vị ngọt đôi môi, mùi hương con gái. Chính thời điểm này thì mình có giấy gọi nhập ngũ, đối với mình một thằng vừa tốt nghiệp cấp 3, ngu ngơ như con ngựa non, chẳng biết gì, đi thì đi chứ làm gì có bầu nhiệt huyết “lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc” như báo chí ngợi ca. Vậy là cuộc đời mình mở ra một trang mới, đầy gian nan, thử thách, thế nhưng cho đến nay mình vẫn thấy tự hào và luôn thầm cảm ơn đời lính.

Đời lính gian khổ nhất là thời huấn luyện ở quân trường, với bất cứ thằng lính nào, nếu hỏi thì chấc chắn đều trả lời như vậy. Nơi đây mọi tự do ngoài đời hầu như là không thể, từ sáng đến tối chúng tôi cứ như con robot, chỉ biết nghe và phục tùng mệnh lệnh của chỉ huy, bắt đầu từ anh A trưởng. cả ngày lăn lê ngoài thao trường, tối đến là sinh hoạt, xen lẫn những đêm trong tuần là báo động hành quân, nhiều thằng mắt nhắm mắt mở chạy ra nơi tập trung với ba lô, giày tất nghiêm chỉnh nhưng mặc chỉ mỗi cái quần đùi, cứ lồng ngà lồng ngồng, tha hồ mà lúc lắc theo nhịp hành quân, trời tối đen nên cũng chả cán bộ nào thấy.

Cơm lính thời ấy thì khỏi phải bàn, cái câu “canh toàn quốc, nước chấm đại dương” cũng từ bữa ăn của lính mà ra. Cứ kẻng cơm là lính ta quần áo chỉnh tề, “trung đội hàng ngang, tiểu đội hàng dọc” cứ nhà ăn thẳng tiến. Sáu thằng một mâm, tiêu chuẩn thằng ba bát, nhoáng một cái là sạch bay, dù bữa cơm chỉ là một chút đồ xào, thau canh, và nước muối pha cùng với cháy cơm cho có màu của nước mắm. Chuyện cơm lính thì cũng nhiều chuyện vui cười đến nôn ọe. Mình nhớ hồi ôn thi ở trường văn hóa Biên Phòng đóng ở Sóc Sơn, nhà trường có cái ao nuôi cá khá to, dưới ao trồng thêm rau cần để cải thiện đời sống bộ đội. Bên bờ ao là hai cái nhà xí để lính ta trút bầu tâm sự. mỗi lần như thế dưới ao cá cứ tha hồ quẫy đớp theo nhịp thả bom của lính. Thức ăn dồi dào nên cá và rau cũng lớn nhanh và béo tốt đến lạ thường, rau thì nhà ăn cứ cắt và phục vụ bữa ăn của lính. Trong một bữa ăn bình thường như mọi ngày, cả nhà ăn đang rì rào tiếng nhai của lính thì chợt một giọng thất thanh vang lên “Ơ… tờ báo này tớ mới đọc hôm kia, xong thì đi…rồi thả xuống ao mà sao lại có trong rau?”. Vài giây im lặng, không một tiếng nhai, tiếp sau là tiếng nôn ọe, tiếng bát cơm đặt xuống bàn, tiếng chân chạy khỏi nhà ăn. Kể từ đó mình sợ luôn món rau cần, không bao giờ dám đụng vào dù được xào với thịt bò thơm nức mũi.

Thời gian trong quân trường lính ta hầu như là cấm trại 100% vì thế lính ta rất bức bách, nhớ nhà, thèm một ly café, một buổi đi chơi với bạn bè và đặc biệt thèm được nghe, được nhìn một dáng hình, một tiếng cười con gái. Cứ chủ nhật đến là anh nào cũng ngóng ra nhà khách xem người nhà, bạn bè, người yêu có đến thăm không. Thằng không có người thăm thì nhào vô cùng thằng bạn đang vui cùng gia đình, bạn bè …và cứ thế mà cùng vui cứ như gia đình là của chung. Những anh chàng có người yêu thì cũng chỉ ngồi góc khuất, cố nắm lấy tay người yêu mà mân mê cho thỏa nỗi nhớ, thi thoảng là vài ba câu chọc ghẹo của mấy anh lính láu cá, thế là cô cậu cứ mặt mày đỏ lựng. Hết giờ thăm về lại doanh trại nhiều thằng ôm gối khóc, lính mới có khác, hơi chút là mềm lòng.

Ba tháng trôi vèo, từ một chàng thư sinh hay anh thanh niên mặt búng còn ra sữa, giờ đây tất cả đều đen nhẻm, rắn giỏi và phong trần. Tất cả đều lo lắng cho số phận sẽ đi về đâu, chiến trường K hay ở lại? Hầu như khóa huấn luyện đó đều được dành quân cho chiến trường, bịn rịn chia tay nhau bằng những cái ôm, cái bắt tay, hẹn ngày tái ngộ, mắt thàng nào cũng rưng rưng mà nào dám khóc.

Ba năm lăn lộn xuống biển, lên rừng biên giới, rồi ôn thi …cuối cùng thì cũng đến ngày cởi bộ đồ lính. Có lẽ mình không phù hợp với con đường binh nghiệp vì thế mà ngày thi vào đại học Biên Phòng thì lại bị ốm, khi ấy cứ thi là đậu vì là lính nên ưu tiên số một, có lẽ mình không có duyên với màu áo lính. Hôm rồi gặp thằng bạn thượng tá Biên phòng trông oách thật, mình chỉ thích thú với thời lính tráng chứ thật lòng không ham muốn thành sĩ quan như thằng bạn cũ.

Hơn ba mươi năm đã trôi qua, giờ đây cứ đến ngày 22-12 là mấy thằng bạn nhập ngũ cùng đơn vị lại tụ họp với nhau, cà kê chuyện lính bên những ly bia đầy, vậy mà khối chuyện tuôn trào theo tỷ lệ thuận của những ly bia được uống . Nhìn quanh quẩn thì cũng mấy đứa gửi thân nơi chiến trường, cuộc đời trong trắng mãi cho đến lúc ra đi, nhắm mắt mà chưa được hưởng vị ngọt nụ hôn của người con gái.

Lê Thắng


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề