Syria: Nga áp lực buộc Tổng thống Assad tổ chức bầu cử sớm

Nga tiếp tục chiến dịch ngoại giao nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho Syria, qua sáng kiến tổ chức bầu cử sớm, với sự tham gia của đối lập vũ trang ôn hòa nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài từ gần 5 năm nay. Một phái đoàn Nga tới Damas để thuyết phục Tổng thống Assad. Trong khi đó, đối lập Syria bác bỏ sáng kiến bầu cử và tố cáo lập trường « không rõ ràng »của Matxcơva, nhằm tìm cách duy trì quyền lực của Bachar al-Assad.

Gần một tuần sau chuyến đi bất ngờ của Tổng thống Syria Bachar al-Assad tới Matxcơva, thứ bảy 24/10/2015, Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định rõ trên truyền hình Nga: Matxcơva muốn bầu cử Quốc hội và Tổng thống tại Syria được tổ chức sớm. Chủ đề này đã được một phái đoàn đại biểu cao cấp Nga đề cập với Tổng thống Assad tại Damas hôm qua, 25/10. Sau cuộc nói chuyện kéo dài một giờ rưỡi, nghị sĩ Nga Alexandre Yuchtchenko cho biết: Tổng thống Syria « sẵn sàng tổ chức bầu cử với sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị ».

Trong khi đó, báo chính thức Syria lại nhấn mạnh đến các điều kiện của Damas. Nghị sĩ Serguei Gavrilov, một thành viên khác của phái đoàn, tóm lại quan điểm của Tổng thống Assad: « Mục tiêu đầu tiên là chiến thắng khủng bố, tiếp theo đó là bầu cử ». Mà, trên nguyên tắc, chính quyền Damas coi là khủng bố tất cả các tổ chức chống lại chế độ.

Một nghị sĩ Nga, tham gia vào chuyến đi Damas, cho biết thêm: ông Assad khẳng định sẵn sàng tham gia bầu cử, nếu « nhân dân Syria cho việc này là cần » (theo hãng thông tấn Nga RIA). Đối lập Syria và Phương Tây lên án cuộc bầu cử « dân chủ giả hiệu », được tổ chức tháng 7/2014, trong bối cảnh đất nước chiến tranh, và hàng triệu người phải chạy ra nước ngoài tị nạn, với kết quả 88,7% phiếu bầu dành cho Tổng thống Assad.

Đối lập Syria nghi ngờ ý định của Nga

Cùng lúc với động thái ngoại giao với Damas, hôm 24/10, Matxcơva tuyên bố Nga sẵn sàng hỗ trợ không quân cho lực lượng nổi dậy ôn hòa, được Phương Tây hậu thuẫn. Cũng như đề nghị tổ chức bầu cử, ý tưởng nói trên bị nhiều lãnh đạo Quân đội Syria Tự do bác bỏ. Theo đối lập Syria, Matxcơva cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý của nhân dân Syria đối với vấn đề trọng tâm: việc Tổng thống Assad phải từ chức.

Theo nhiều nhà phân tích, Matxcơva tiếp tục muốn dành cho Tổng thống Syria một vị trí trung tâm trong quá trình chuyển tiếp chính trị, cho dù vị thế của ông Assad đã bị suy yếu rất nhiều, trước cuộc can thiệp không quân của Nga ngày 30/09.

Tướng Ahmad Rahal nhận xét: « Nỗ lực sáp lại với Quân đội Syria Tự do của Nga xảy ra quá muộn mằn. Đáng nhẽ đề nghị này phải được đưa ra trước khi Nga bắt đầu cuộc ‘‘thực dân hóa’’ nhắm vào Syria, và các cuộc không kích chống lại người dân Syria, và Quân đội Syria Tự do ôn hòa ». Tướng Ahmad Rahal là một chỉ huy của Quân đội Syria Tự do, một tướng lĩnh của chế độ Damas, đi theo phe nổi dậy ngay từ thời kỳ đầu. Nhiều đại diện của phe nổi dậy ôn hòa Syria lên án không kích của Nga chủ yếu nhắm vào các vị trí của Quân đội Syria Tự do, kể từ đầu chiến dịch đến nay.

Tướng Ahmad Rahal dự đoán: « Trong quân đội chúng tôi, mọi người tin rằng kế hoạch của Nga tại Syria sẽ thất bại. (…) Chúng tôi sẽ không gặp Nga, chừng nào Matxcơva còn tiếp tục thừa nhận Bachar là lãnh đạo của người Syria. Nhân dân Syria không chấp nhận kẻ tội phạm này đại diện cho chúng tôi trên trường quốc tế ».

Hội nghị quốc tế mở rộng về Syria

Cho dù số phận của Tổng thống Assad gây chia rẽ, vận động ngoại giao vẫn tiếp tục. Sau cuộc hội đàm giữa Nga với Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Sáu tại Vienna, Ngoại trưởng Mỹ đề nghị một hội nghị quốc tế về Syria, với thành phần rộng rãi hơn, ngay từ ngày 30/10 tới, với sự tham gia của các quốc gia chủ chốt trong khu vực, cũng như các đối tác Châu Âu.

Hoa Kỳ kiên trì nhắc lại: Tổng thống Assad phải ra đi. Lập trường này cũng được Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út Adel al-Joubeir tái khẳng định hôm qua: « Bachar al-Assad không có vai trò tại Syria trong tương lai ». Trong một cuộc điện đàm hôm qua, theo Bộ Ngoại giao Nga, Ngoại trưởng Serguei Lavrov và đồng nhiệm Hoa Kỳ John Kerry đã thảo luận về « các triển vọng cho một giải pháp chính trị » cho cuộc khủng hoảng, với sự tham gia của « chính quyền Syria và đối lập ».

Đây cũng chính là tinh thần của kế hoạch Genève tháng 6/2012 trước đây, còn gọi là « Genève 1 », được các cường quốc thỏa thuận, nhằm mang lại hòa bình cho Syria. Kế hoạch này có nội dung chính là một chính phủ chuyển tiếp, với sự tham gia của đối lập, nhằm chuẩn bị cho bầu cử dân chủ.

RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề