Các công ty hàng hiệu khốn đốn vì nước Nga

Nga chìm vào suy thoái kéo theo nhiều công ty lữ hành và hàng xa xỉ gặp khó. Họ buộc phải hạ giá và giảm chi phí để bù đắp phần nào thiệt hại, Thời báo Moscow đưa tin.

Đồng ruble mất giá gần một nửa so với USD trong năm 2014, giá dầu giảm sâu bào mòn nguồn thu ngân sách của Nga cùng các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Những yếu tố này đã ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của người dân, buộc họ phải thắt lưng buộc bụng và trì hoãn các kế hoạch du lịch tốn kém.

Hoạt động chi tiêu vào du lịch nước ngoài của người Nga giảm 6% trong năm 2014, trái ngược so với tăng trưởng tới 20% trong năm 2013, theo số liệu của Tổ chức du lịch quốc tế liên hợp quốc.

Khách du lịch Nga là lượng khách hàng áp đảo của nhiều công ty hàng xa xỉ, nhất là tại các kinh đô mua sắm như Milan, nơi đóng đô của nhiều thương hiệu như Ferragamo, Moncler và Kering.

Nhân viên cửa hàng Rinascente trong trung tâm thương mại Milan cho biết khách Nga hầu như đã “biến mất hoàn toàn”.

Theo số liệu của công ty thuế Global Blue, khách du lịch Nga giảm chi tiêu 17% trong năm 2014, tiếp tục giảm thêm 51% trong tháng Một đầu năm.

Mặc dù doanh số tăng đột ngột vào tháng 12 khi người Nga ồ ạt đẩy đi đồng ruble đang mất giá, nhiều thương hiệu đã chuẩn bị đối đầu với một năm 2015 sóng gió.

Thương hiệu thời trang Ý Roberto Cavalli dự đoán doanh số tại Nga sẽ giảm 20% trong năm nay.

Nhãn hiệu đồng hồ Hublot của LVMH đã ghi nhận doanh số tụt 20% tại Nga kể từ tháng Một.

Trong các nỗ lực chèo kéo khách, một số thương hiệu đã giảm giá kịch liệt.

Nhà xuất khẩu đồng hồ Thụy Sỹ – LPI – phân phối nhiều thương hiệu cao cấp như Burberry, Michael Kors, Armani và Raymond Weil tại Nga. Công ty này chịu thiệt hại nặng nề khi đồng franc Thụy Sỹ đột ngột tăng giá sau khi được thả nổi. Tuy nhiên, Jerome Biard chưa có kế hoạch tăng giá sản phẩm.

“Chiến lược của chúng tôi là bảo vệ các nhà phân phối và giúp họ giải quyết hàng tồn kho vào cuối, đầu năm. Chúng tôi thống nhất sẽ hy sinh lợi nhuận”, ông Jerome Biard, lãnh đạo LPI cho biết.

Hãng đồ lót tầm trung của Pháp – Maison LeJaby – phải cắt giảm 27% lượng nhân viên trong tháng Ba. Nga là thị trường đem lại 30% doanh thu cho công ty.

Hãng đồng hồ cao cấp Ulysse Nardin cũng vừa sa thải tạm thời một số nhân viên trong tháng Hai, với lí do chi nhánh tại Nga làm ăn thất bát.

Các hãng hàng không, công ty lữ hành và khách sạn dễ bị ảnh hưởng từ Nga cũng chịu chung số phận.

Một số khách sạn tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đại hạ giá để hút khách. Lượng khách Nga đặt phòng tại khách sạn giảm 21% trong năm 2014, tiếp tục tuột 22% trong tháng Một.

Ai Cập đón lượng khách Nga giảm tới một nửa trong tháng 12/2014, tiếp tục sa sút thêm 20% trong tháng Một so với cùng kỳ năm trước. Khách Nga chiếm 30% tổng lượt du lịch tới Ai Cập.

Từ giờ đến hết tháng Tư, nước này đã tung gói khuyến mại hỗ trợ 25USD chi phí thị thực cho khách Nga, đồng thời khởi động chiến dịch quảng cáo khổng lồ để lôi kéo khách hàng.

Nhiều hãng hàng không như Emirates đã giảm chuyến bay và số ghế trên các tuyến tới Nga vì nhu cầu đi lại sụt giảm.

Khu trượt tuyết nghỉ dưỡng cao cấp Courchevel ước tính lượng khách Nga sẽ co bóp 20 – 30% trong năm nay. Số còn lại cũng không bạo tay chi tiền như trước.

“Trước đây, khách Nga mua những chai rượu vang 6.000 euro là chuyện bình thường. Giờ họ chỉ gọi những chai vài trăm euro”, ông Adeline Roux, giám đốc Courchevel chỉ ra.

BizLive


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề