Suy nghĩ về Luật Tiếp cận thông tin ở Việt Nam

Trong thời đại bùng nổ của Internet và mạng xã hội, dòng chảy của thông tin là vô cùng lớn. Vì thế, thay vì ngăn chặn dòng chảy của thông tin – một việc bất khả thi và phản tác dụng, sẽ tốt hơn nếu người dân có thể tiếp cận thông tin chính thống và chính xác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây thảo luận về dự án Luật Tiếp cận thông tin. Còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc ban hành luật này. Nhưng tôi cho rằng việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin là điều cần làm.

Trong thời đại bùng nổ của Internet và mạng xã hội, dòng chảy của thông tin là vô cùng lớn. Vì thế, thay vì ngăn chặn dòng chảy của thông tin – một việc bất khả thi và phản tác dụng, sẽ tốt hơn nếu người dân có thể tiếp cận thông tin chính thống và chính xác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn từng lấy ví dụ việc không công khai thông tin ông Nguyễn Bá Thanh đi chữa bệnh đã khiến những lời đồn thổi và thuyết âm mưu bùng lên, gây hoang mang trong xã hội.

Tuy nhiên, việc tránh được thông tin xuyên tạc mới chỉ là cái lợi đầu tiên của Luật Tiếp cận thông tin. Mối lợi lớn hơn nhiều chính là sự minh bạch và phát triển xã hội. Nhà nước Việt Nam đề cao chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Vì thế, việc luật hóa thành tố “dân biết” là rất cần thiết. Bởi “biết” chính là bước đầu tiên bắt buộc phải có, để đi đến những bước tiếp theo có ý nghĩa hơn như “bàn”, “làm” và “kiểm tra”. Việc trao cho người dân quyền tiếp cận thông tin có thể biến mỗi cá nhân trong xã hội thành một thanh tra viên, một kiểm toán viên hay một chiến sĩ trong mặt trận chống tham nhũng, lãng phí.

Mấy tuần gần đây, Australia xôn xao vì vụ việc liên quan đến bà Bronwyn Bishop. Bà là một tên tuổi trên chính trường, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghiệp và Tổ chức Quốc phòng; Bộ trưởng Bộ Chăm sóc sức khỏe người già, rồi sau đó là Chủ tịch hạ viện đồng thời là người điều hành nghị trường của Australia (speaker).

Ngày 2/8 vừa qua, bà Bishop phải từ chức do vụ bê bối lạm chi ngân sách của cá nhân. Ban đầu bà Bishop bị phát hiện đã dùng tiền công để thuê trực thăng đi dự một ngày hội gây quỹ cho đảng Liberal của bà hồi tháng 11/2014. Chi phí cho chuyến đi này là 5.227,27 dollar Australia (khoảng 95 triệu đồng), trong khi nếu di chuyển bằng ôtô bà Bishop cũng chỉ cần khoảng một giờ để đến nơi. Bà Bishop khi ấy đã từ chối từ chức cũng như đưa ra lời xin lỗi, dù đã chấp nhận hoàn trả số kinh phí thuê máy bay, đồng thời nộp phạt thêm 1.307 AUD.

Vụ việc không dừng lại ở đây, bởi những người đòi bà từ chức chuyển hướng tìm hiểu các vụ việc sử dụng ngân sách liên quan đến bà Bishop trong quá khứ. Họ phát hiện ra cũng trong năm 2014, bà và 4 nghị sĩ đã chi tới 88.084 AUD cho một chuyến đi hai tuần ở châu Âu phục vụ mục đích ứng cử vị trí Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới của bà Bishop. Trong đó bao gồm mục chi 1.000 AUD/ngày cho việc thuê một chiếc limousine riêng. Ngoài ra, trong giai đoạn 2010-2013, bà Bishop còn chi 3.300 AUD tiền thuê xe để tham dự các buổi trình diễn nghệ thuật; chi 800 AUD tiền vé máy bay để tham dự đám cưới một nhân viên.

Khi những thông tin này được phanh phui, bà Bishop không còn có thể đứng vững trước sức ép dư luận và buộc phải rời nhiệm sở. Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên tại sao người ta lại có thể tìm hiểu đến từng đồng dollar lẻ mà bà Bishop đã chi từ ngân sách?

Năm 1982, Australia đã ban hành một bộ luật có tên là Tự do thông tin. Luật này được xây dựng trên nguyên tắc “thông tin do Chính phủ Australia nắm giữ là nguồn tài nguyên quốc gia, và được quản lý cho các mục đích công cộng”. Do đó, luật Tự do thông tin “cung ứng quyền hạn được luật pháp ủng hộ trong việc truy cập các tài liệu của chính quyền”. Ngoài một số cơ quan đặc biệt như tình báo được miễn trừ, hay một số tòa án và tòa chuyên biệt thì được miễn áp dụng đối với một số tài liệu, luật Tự do thông tin chi phối hầu hết các cơ quan của Chính phủ Australia. Và các cơ quan của Australia sẽ bắt buộc phải cung cấp thông tin, tài liệu nếu bất kỳ ai yêu cầu điều đó dựa trên luật này.

Thế nên, sự hoang phí, lạm chi ngân sách của bà Bishop dễ dàng bị phơi bày tường tận.

Ở nước ta, trình trạng lạm chi công quỹ, lãng phí ngân sách vẫn tồn tại khắp nơi. Trong khi việc thanh tra giám sát của các cơ quan công quyền còn hạn chế, thì việc ban hành một Luật Tiếp cận thông tin tương tự như Luật Tự do thông tin của Australia sẽ là biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền “kiểm tra” của nhân dân, đảm bảo đẩy mạnh sự minh bạch xã hội, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Mỗi mùa lễ hội, chúng ta lại thấy các xe công đi làm việc tư. Rõ ràng, câu chuyện nhỏ nhặt ấy không đáng để mỗi năm Chính phủ lại phải ban hành một chỉ thị cấm đoán. Rất đơn giản, chỉ cần triển khai cách tiếp cận tương tự như Luật Tự do thông tin của Australia. Khi mà mọi chi phí, hoạt động sẽ không còn là chuyện nội bộ của riêng cơ quan nhà nước, ngược lại có thể bị cả xã hội giám sát bất cứ lúc nào, thì vấn nạn lạm dụng của công sẽ được thanh trừ.

Khi Ủy ban Thượng viện Australia đề nghị thông qua Luật tự do Thông tin, lý do chính được đưa ra là “giúp tăng tiến sự minh bạch của việc lập quyết định chính sách, lập quyết định hành chính và việc cung ứng dịch vụ chính quyền” và “một cộng đồng hiểu biết thông tin tường tận hơn thì có thể tham gia hữu hiệu hơn trong các tiến trình dân chủ của quốc gia”. Đấy cũng chính là những thứ chúng ta đang muốn hướng tới; đang cần vào lúc này, khi Việt Nam đứng ở mức thấp trong các bảng xếp hạng về minh bạch, liêm chính toàn cầu.

Luật Tiếp cận thông tin xứng đáng được thông qua, cho dù nó khó tránh những nghi ngại và rào cản nhất định.

Trí Lê (Theo VNEXPRESS)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Suy nghĩ về Luật Tiếp cận thông tin ở Việt Nam”:

  1. Nguyễn Hữu Thạnh viết:

    Nếu luật tiếp cận thông tin được ban hành, tôi tin tình trạng lạm dụng của công sẽ giảm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề