Suy ngẫm từ một vụ việc ồn ào trên mạng xã hội

Trên mạng xã hội nếu chúng ta thiếu kiểm chứng rồi vội vã vào hùa bình luận, vội vã phán xét và phỉ báng vô lối thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại.

Khi bão mạng nổi lên

Vừa tuần trước, một trận “bão mạng” của cư dân Facebook đã vô cớ trút cơn thịnh nộ xuống GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Tin tức vô căn cứ lan truyền ầm ĩ trên mạng khiến nhiều người không khỏi bất bình, lo lắng thay cho ông. Họ không thể hiểu nổi tại sao một người nghiêm túc và đam mê, nhiệt huyết với khoa học lịch sử, dùng khoa học cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa bỗng dưng trở thành “bia” ném đá vô lý như vậy.

Nguyên do là trên mạng có kẻ xấu dựng đứng những phát biểu của ông từ 3 năm trước rồi miệt thị ông nặng nề. Đáng buồn là khi nhiều người đọc được, chẳng cần kiểm chứng đã vội vàng lên án ông.

Sóng gió không đâu đổ ập vào ông, một người vốn nổi tiếng mạnh mẽ trong giới học thuật nhiều chục năm qua trong công cuộc đấu tranh cho chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa đầy gian khó. Bằng lập luận khoa học kèm tư liệu, chứng cứ lịch sử xác đáng, ông đã thuyết phục để người dân trong nước cũng như thế giới hiểu đúng, hiểu rõ bản chất sự thật lịch sử về lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của chúng ta.

Tôi biết ông rất rõ, trong nhiều chuyến đi công tác nước ngoài, ông đã phải chắt chiu từng đồng lương nhà giáo, nhuận bút, công tác phí ít ỏi để mua về những cuốn sách, bản đồ cổ, quý giá ở những hiệu sách cũ hữu ích cho cuộc đấu tranh chủ quyền. Có những tư liệu quý giá, rất khó tính ra tiền được ông mua về. Ông không muốn làm của riêng mình nên đã nộp cho các cơ quan có trách nhiệm lưu trữ.

Vậy mà chỉ một đoạn trích vu vơ không xuất xứ trên Facebook của ai đó, ông đã bị hiểu lầm tai hại. Tất nhiên, đến giờ thì mọi người đều biết đây là tin hoàn toàn bịa đặt với ý đồ độc ác và nguy hiểm, nhiều người đã xin lỗi ông trên trang cá nhân hoặc tìm gặp trực tiếp.

Rất mừng là trong sóng gió, chính những nhà khoa học đồng nghiệp, bạn bè, học trò của ông khi biết chuyện đã sớm thẳng thắn, mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ ông. Tiếp theo, VietNamNet, một tờ báo điện tử chính thống nhanh chóng phỏng vấn trực tiếp GS. Nguyễn Quang Ngọc để làm rõ trắng đen.

Khi tôi chia sẻ cùng GS. Ngọc chuyện này, ông nở nụ cười hồn hậu và hào sảng, tâm sự: chính từ chuyện trên, ông lại có thêm nhiều bạn mới, chân tình, thẳng thắn, rất thú vị. Tôi động viên ông: “Thôi, chuyện cũng đã qua. Biết đâu, nhờ thế mới có dịp để NGỌC càng mài càng SÁNG mà anh!”.

Có trách nhiệm và văn minh trên mạng

Trên mạng xã hội, nếu chúng ta thiếu kiểm chứng rồi vội vã vào hùa bình luận như câu chuyện tôi dẫn chứng, vội vã phán xét và phỉ báng vô lối thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại. Từ câu chuyện của GS. Ngọc, đủ thấy mặt trái cũng như “sức mạnh” của nó đáng sợ nhường nào. “Lời nói đọi máu “, như cổ nhân răn dạy, chính là chỗ đó chứ còn đâu!

Chỉ khi sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, cẩn trọng, chúng ta mới phát huy được sức mạnh tích cực của nó, chẳng hạn như để tạo áp lực để mỗi người sống lành mạnh, văn hoá, văn minh hơn.

Còn nhớ tháng 12 năm ngoái, “cơn bão” trên mạng đã lên án dữ dội hiện tượng người dân cướp bia do xe bị lật ở Biên Hoà (Đồng Nai) khiến lái xe chỉ biết nhìn và ôm mặt khóc. Kết quả, có người phải vào tù, có người phải chịu nộp phạt để được pháp luật nương tay vì tội cướp bia vô tư của họ.

Phải chăng chính vì sự cố đáng xấu hổ kia bị xã hội lên án gay gắt trên mạng xã hội mà tháng 4 vừa rồi, câu chuyện tương tự nhưng xảy ra ở thị xã Dĩ An (Bình Dương) đã có kết cục hoàn toàn khác. Do xe nổ lốp, cả trăm thùng bia đổ lăn lóc ra đường, vậy mà người dân dừng xe, thu gom lại giúp, không hề mất một lon nào. Phải chăng, mạng xã hội đã khiến mỗi người chúng ta có sự thức tỉnh, thấy được sự tai hại của những việc làm tự phát, bất nhẫn, vô ý thức hồi nào khiến mỗi chúng ta không thể không nhìn lại ứng xử của mình.

Theo số liệu do Công ty We Are Social (trụ sở ở Anh quốc) công bố vào tháng 1/2015, Việt Nam hiện có dân số khoảng 90,7 triệu người, trong đó có 39,8 triệu người sử dụng Internet, (chiếm gần 44% dân số cả nước); có 28 triệu người thiết lập tài khoản mạng xã hội. Được biết, trung bình người Việt Nam tiêu tốn 3 giờ 4 phút mỗi ngày trên mạng xã hội. Còn theo công bố của Facebook, hiện có 19,6 triệu tài khoản Facebook ở Việt Nam.

Những số liệu trên đủ cho thấy sự phát triển của mạng xã hội nói chung, Facebook nói riêng “vũ bão” đến đâu. Tất nhiên, để làm chủ sức mạnh đó, chúng ta phải nhận thức rõ được tính hai mặt của nó, để ứng xử sao cho lành mạnh, công minh, cẩn trọng tránh suy xét, bình phẩm dễ dãi trên “mảnh đất” ngày càng đông đúc này.

Vũ Văn (Theo VietNamnet)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề