Surkov: Ông trùm tuyên truyền của Điện Kremlin

Tại nước Nga Xô-viết, mọi người đều biết rằng mình đang bị theo dõi. Bất kỳ sự khác biệt nào so với hành vi được chính quyền cho phép sẽ bị nghi kỵ và rất có thể sẽ phải chịu sự trừng phạt. Liên bang Xô Viết coi mọi thứ – từ gián điệp nước ngoài, kẻ thù giai cấp, những người mặc quần jean hoặc chơi nhạc jazz – đều là kẻ thù của nó. Hệ tư tưởng thống trị của chế độ này không phải là chủ nghĩa Mác-Lênin, mà là sự nghi kỵ và thù oán.

Kể từ những năm đầu của thập niên 1980, trước khi những tia sáng đầu tiên của chính sách công khai hóa (glasnost) xuất hiện tại Nga cho đến nay, chưa khi nào những giai đoạn đen tối như vậy lại cận kề như lúc này. Bảo vệ xã hội khỏi những kẻ thù ở cả trong và ngoài nước lại một lần nữa là vấn đề trọng tâm của chế độ. Thực tế, đặc tính cảnh giác cố hữu của dân tộc này là yếu tố chính giúp duy trì tỉ lệ ủng hộ cao của quần chúng dành cho Tổng thống Vladimir Putin. Và không ai đóng vai trò quan trọng hơn Vladislav Surkov trong việc tạo ra bầu không khí xã hội cần thiết đó.

Từng một thời là chánh văn phòng Tổng thống của Putin, Surkov tiếp tục giữ chức Phó thủ tướng từ năm 2011 đến 2013. Hiện giờ ông ta trên danh nghĩa là cố vấn về các vấn đề đối ngoại cho Putin, nhưng thực chất chính là trưởng ban tuyên truyền của chế độ này. Ông được biết đến với tư cách là người giới thiệu khái niệm “dân chủ có sự quản lý” (managed democracy) tại Nga, và đóng vai trò hàng đầu trong việc kích động sự ly khai của Abkhazia và Nam Ossetia khỏi Gruzia. Gần đây nhất, ông ta là một trong những người điểu khiển cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và vụ sát nhập Crimea bằng cách truyền cảm hứng cho những chiến dịch truyền thông cuồng nhiệt, kêu gọi được sự ủng hộ gần như của toàn dân đối với những động thái kể trên.

Surkov là người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi dưỡng tâm lý ủng hộ Putin, điều đang ngày càng giống với tệ sùng bái cá nhân kiểu Stalin. Là một người gốc Chechnya, Surkov thấm nhuần tư tưởng hiếu chiến của vùng Cáp-ca-dơ như Stalin. Dưới sự kiểm soát của Surkov, trọng tâm của chiến lược truyền thông của điện Kremlin là duy trì quan niệm rằng phương Tây muốn phá hủy nước Nga. Vì thế, mâu thuẫn tại Ukraine được tuyên truyền như một cuộc đấu tranh mới với chủ nghĩa phát xít và nhằm bảo vệ bản sắc chân chính và trái ngược phương Tây của nước Nga. Những điều được cho là sự đe dọa đối với nước Nga ngày nay này đã được nhấn mạnh trong dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế Chiến II, với những bảng hiệu mọc lên khắp Moskva để gợi người dân Nga nhớ về những hy sinh cần thiết để có được chiến thắng.

Giống như bộ trưởng tuyên truyền của đảng Quốc xã, Joseph Goebbels, Surkov không quá quan tâm đến thực tế. Cảm xúc là cốt lõi trong thông điệp của điện Kremlin; thực tế, chúng là mối dây ràng buộc Putin với những người dân của ông ta. Đây là lý do tại sao Surkov khắc họa Putin – người mà gần đây vừa ly dị người vợ đã gắn bó 30 năm với ông và nghe đồn là có vài người con riêng với một cựu vận động viên Olympic môn thể dục dụng cụ – như một hiện thân của các giá trị thủ cựu, với Giáo trưởng Giáo hội chính thống luôn sát cánh bên mình. Chiến dịch của điện Kremlin nhằm chống lại quyền của người đồng tính đã nhận được sự ủng hộ của nhà thờ, đồng thời nhắc nhở dân thường nước Nga rằng nhà nước luôn cẩn thận theo dõi đời sống của họ.

Công tác tuyên truyền của nước Nga ngày nay kết hợp cả sự độc đoán đặc thù kiểu Xô-viết và những kỹ thuật tiên tiến nhất. Cho tới nay vẫn chưa có cuộc thanh trừng tập thể nào và rất ít các cuộc tuần hành quy mô lớn. Các giá trị phương Tây có thể bị công kích, nhưng hàng hóa phương Tây thì lại được chào đón. Cảnh tượng thường thấy ở Nga là một chiếc xe hơi bóng loáng sản xuất tại Đức với nhãn dán ở đuôi xe gợi nhớ lại ánh hào quang của Thế Chiến II như “Tiến về Berlin” hay “Cảm ơn ông vì chiến thắng và cám ơn bà vì những viên đạn giết thù!”

Trong suốt hai thập niên qua, người Nga có thể đi lại ở nước ngoài mà không bị hạn chế. Tuy vậy, giờ đây rất nhiều người dường như sẵn sàng từ bỏ quyền lợi này. Tháng trước, điện Kremlin đã cảnh báo công dân nước này rằng Hoa Kỳ đang “săn lùng” người Nga ở nước ngoài. Một vài người Nga trên thực tế đã bị truy nã và dẫn độ về Hoa Kỳ, ví dụ như nhà môi giới vũ khí Viktor Bout, người bị buộc tội trợ cấp cho những kẻ khủng bố, hay hacker Vladimir Drinkman, người bị cáo buộc đánh cắp hàng triệu số thẻ tín dụng. Không có một mối đe dọa khả tín nào đối với dân thường Nga, nhưng chiến dịch của Surkov vẫn đang có một tác động sâu sắc.

Thay vì liều lĩnh đưa ra những tuyên bố kỳ quặc để bị cười nhạo – điều thường thấy ở những nhà tuyên truyền Xô-viết – rằng nước Nga một ngày nào đó sẽ vượt qua phương Tây về mặt kinh tế, Surkov đã lợi dụng một cảm xúc sâu sắc và an toàn hơn: nỗi sợ. Cho dù người Nga nghĩ gì về tình trạng bất ổn kinh tế ở nước này – trong bối cảnh GDP kỳ vọng sẽ giảm khoảng 3,8% trong năm nay, đồng thời lạm phát có thể chạm ngưỡng 15% – thì họ vẫn tin rằng họ sẽ còn trở nên khổ sở hơn nếu không có Putin.

Và vậy là người Nga đã quy phục. Một vài năm trước đây, có vẻ như cứ 10 người thì 1 người đeo một dải ruy băng trắng, biểu tượng của sự phản đối Putin. Ngày nay, người ta có ấn tượng rằng cứ 3 người Nga thì lại có 1 người đeo ruy băng của thánh George, một biểu tượng màu đen và da cam thể hiện lòng yêu nước và trung thành với điện Kremlin. Những người không đeo ruy băng có thể sẽ bị hỏi lý do theo một cách không lịch sự lắm.

Đây là một chiến thuật xảo quyệt và có hiệu quả, một chiến thuật gạt ra lề những kẻ chống đối và tạo ra ấn tượng về sự ủng hộ gần như tuyệt đối với chế độ này. Trong chuyến thăm gần đây nhất của tôi tới Moskva, tôi để ý thấy một người bạn, một ca sỹ opera của Nhà hát Lớn (Bolshoi Theater), đã buộc một dải ruy băng thánh George nhỏ vào chiếc xe Mercedes trắng của cô. Mặc dù không phải là người hâm mộ Putin, cô không muốn bị nổi bật một cách không cần thiết.

Chính từ những sự đầu hàng nho nhỏ như của cô mà những kẻ như Surkov cuối cùng cũng chiến thắng. Các công dân giả vờ tỏ ra trung thành đang xây dựng nên một văn hóa tuân thủ. Khi mà bất đồng quan điểm đã bị đàn áp thì việc lòng trung thành của các công dân có phải là thật hay không trở nên vô nghĩa. Trên thực tế, giống như Goebbels, Surkov hiểu rằng khi đời sống cộng đồng và sự thể hiện của mỗi cá nhân có thể bị biến thành một sân khấu, sẽ không còn sự khác biệt nào giữa diễn xuất và hiện thực.


Nina L. Khrushcheva là trưởng khoa thuộc trường Đại học The New School tại New York, và là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Chính sách thế giới, nơi bà quản lý Dự án nghiên cứu nước Nga (the Russia Project). Trước đây bà từng dạy học tại Trường Chính sách công và Ngoại giao thuộc Đại học Columbia và là tác giả của các cuốn sách “Hình dung Nabokov: Nước Nga giữa Nghệ thuật và Chính trị” (Imagining Nabokov: Russia Between Art and Politics) và cuốn “Người họ Khrushchev chưa được biết đến: Hành trình tới trại Gulag trong Tâm thức Nga” (The Lost Khrushchev: A Journey into the Gulag of the Russian Mind).

 

Trí Lê (Theo Nghiên cứu Quốc tế)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề