Sáu tỉ đường đến hạnh phúc

Nếu bạn là một người đánh giá cao hạnh phúc và đang vật vã đi tìm nó, cuốn sách này là dành cho bạn. Nếu bạn đang rất hạnh phúc rồi, hãy vẫn cứ đọc nó – vì cuốn sách này sẽ khẳng định lại rất nhiều lựa chọn trong cuộc đời bạn.

Stenfan Klein là một trong những nhà báo khoa học có ảnh hưởng nhất ở châu Âu. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “The Science of Happiness” (Sáu tỉ đường đến hạnh phúc) được dịch ra hàng chục ngôn ngữ trên thế giới.

“Sáu tỉ đường đến hạnh phúc” là một cuốn thuộc dạng khoa học thường thức – loại sách khá phổ biến ở phương Tây. Trong những cuốn sách này, các vấn đề khoa học được diễn đạt lại một cách gần gũi và dễ hiểu để ai cũng có thể tiếp cận. Ở Việt Nam, gần đây nhất, chàng Tây nói tiếng Việt siêu hơn ta Joe đã giới thiệu một ebook dạng này – “Tình yêu cũng chỉ là một hooc-môn”.

Điểm khác biệt rõ rệt giữa cuốn sách này và các cuốn self-help hay súp gà cho tâm hồn khác là tất cả các kết luận ở đây đều dựa trên các bằng chứng, các nghiên cứu… nói chung là rất khách quan, khoa học nhưng vẫn không mất đi sự lãng mạn và nhạy cảm.

Cuốn sách sẽ mang tới cho độc giả rất nhiều hiểu biết về cách bộ não chúng ta hoạt động, vì sao những cảm xúc tích cực lại quan trọng đến thế trong đời sống của mỗi người. Không chỉ thế, Stephan Klein còn đề cập và “giải phẫu” mọi vấn đề cơ bản nhất của đời sống con người: ham muốn, khoái cảm, tình yêu, tình bạn, đam mê, bất hạnh, thăng hoa… đồng thời giới thiệu một chiến lược khoa học để đi tới hạnh phúc.

Nếu bạn là một người đánh giá cao hạnh phúc và đang vật vã đi tìm nó, cuốn sách này là dành cho bạn. Nếu bạn đang rất hạnh phúc rồi, hãy vẫn cứ đọc nó – vì cuốn sách này sẽ khẳng định lại rất nhiều lựa chọn trong cuộc đời bạn, xoá đi các băn khoăn về việc tại sao chúng ta phản ứng với mọi sự như vậy, và làm thế nào để đời sống của mình tích cực, hạnh phúc và khoẻ mạnh hơn nữa.

Và điều quan trọng nhất, dựa trên những gợi ý dày đặc trong cuốn sách, mỗi độc giả sẽ có thể tìm được cách xây dựng một con đường mới để đến hạnh phúc của chính mình.

Cuốn sách được xuất bản vào năm 2002, lúc đó, dân số thế giới chỉ có khoảng 6 tỉ người, và đây là một số khám phá và một số lời khuyên có thể khiến những độc giả tương lai của cuốn sách chú ý:

– “Chúng ta cố tình lờ đi sự thật rằng, mặc dù có rất nhiều khác biệt giữa người với người, con người ta vẫn có nhiều điểm chung với nhau hơn là những khác biệt, ở cả khía cạnh sinh học lẫn trong tâm tính. Chúng ta thường có xu hướng coi hạnh phúc như là một niềm thích thú mà không cần có lịch sử, không phải trả giá, không phải một quá trình. Và điều này là phi thực tế”.

– “Chúng ta có thể kiểm soát cảm xúc một cách gián tiếp bằng cách đối xử tốt với chính mình – thông qua việc thay đổi môi trường sống hoặc suy nghĩ, hay bằng cách nhớ lại những hoàn cảnh dễ chịu”.

– “Con vật phải hành động theo mệnh lệnh của cảm xúc, còn chúng ta thì không. Chúng ta có thể quyết định không tuân theo cảm giác, điều này cho phép ta có nhiều lựa chọn hơn để phản ứng hợp lý”

– “Chỉ khi ý thức được cảm xúc của mình thì ta mới có thể tự do quyết định xem có theo nó hay không: hiểu được cái cảm giác của mình cho chúng ta sự linh hoạt.

– “Chỉ khi ý thức được cơn thịnh nộ của mình thì ta mới có thể triệt được cơn rung trong cổ họng và quyết định nói năng một cách bình tĩnh – việc này thường đem lại hiệu quả hơn là để cho cơn thịnh nộ bùng nổ. Không muốn để cho hai đầu gối run lẩy bẩy tước đoạt mất của ta một trải nghiệm mới, ta có thể kiềm chế những cảm giác rụt rè và sợ hãi. Lũ chó sẽ không dám nhảy bungee ngay cả nếu chúng có thể nhảy; cảm xúc sợ hãi vô thức đã ngăn chúng lại – chúng là nô lệ của cảm xúc đó”.

– “Khi tập luyện việc tự kiểm soát, ta sẽ có một tác động kép lên não bộ. Thứ nhất, chúng ta ít có khả năng phản ứng tiêu cực lúc ban đầu, bởi vì kết nối giữa kích thích và phản ứng cảm xúc tương ứng bị yếu đi. Thứ hai, chúng ta tăng cường được khả năng (đặc biệt là của thuỳ trước trán) kiềm chế những cảm xúc đó, nếu sau cùng chúng vẫn bùng lên. Cũng giống như những thành tựu khác, việc kiểm soát cảm xúc một cách có ý thức cần được luyện tập. Và luyện tập, đến lượt nó, lại làm thay đổi cấu trúc não bộ – với kết quả rằng, theo thời gian, chúng ta học được cách xử lý những cảm giác của mình dễ dàng hơn”.

– “Hạnh phúc có được là do hành động đúng. Aristotle viết: ‘Hạnh phúc là kết quả của một hành động’. Hạnh phúc không phải là một món quà ngẫu nhiên hay thần thánh; nó được trao cho người biết cách sử dụng tối ưu các khả năng sẵn có để đạt được”.

– “Bí quyết thực sự của đường đến hạnh phúc là quyết tâm, nỗ lực và thời gian, Đạt Lai Lạt Ma đã giảng giải như vậy.”

Theo Đẹp Online.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề