Sau Kobani là gì?

Cuộc đối đầu giữa Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với lực lượng người Kurd được phương Tây hậu thuẫn tại Kobani, Syria, trong hơn một tháng qua vẫn chưa ngã ngũ nhưng người ta đã nhắc tới khả năng tiến quân tiếp theo của nhóm khủng bố này. Đâu sẽ là điểm ngắm tiếp theo của IS?

Hơn 800 người đã bị thiệt mạng trong những cuộc giao tranh trên bộ ở Kobani trong trận đánh 6 tuần nay giữa phiến quân Nhà nước Hồi giáo và các chiến binh người Kurd để giành quyền kiểm soát thị trấn nằm ngay phía nam biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà phân tích nhận định rằng, IS đang sở hữu nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính rất lớn. Theo những ước tính khác nhau, vào tháng 6/2014, IS đã có 4.000 chiến binh, nhưng đến nay con số này đã lên đến gần 50 nghìn. Doanh thu hàng ngày của IS từ việc bán dầu mỏ lên tới hàng triệu đôla. Tổ chức này sở hữu các loại vũ khí, bao gồm cả xe bọc thép và thậm chí cả máy bay.

Nhưng, nguồn lực quan trọng nhất của IS, mà người ta hầu như không nói tới, là bộ máy tuyên truyền. Các nhà lãnh đạo của tổ chức này đã tạo ra bộ máy tuyên truyền mạnh mẽ làm việc trên tất cả các mặt trận: phát thanh và truyền hình ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, các cơ sở xuất bản sách và đĩa video, và tất nhiên cả mạng Internet. Có lẽ, IS là tổ chức khủng bố đầu tiên trong lịch sử sở hữu các nguồn nhân lực, tài chính, quân sự và tuyên truyền lớn như vậy.

Có bao nhiêu chi nhánh của tổ chức này trên thế giới? Vụ tấn công tòa nhà quốc hội gần đây ở Canada buộc người ta phải suy nghĩ. Song, có lẽ IS chưa có ý định tiến vào Bắc Mỹ mà sẽ hướng tới những khu vực gần hơn. Nhiều nhà phân tích cho rằng, IS là mối nguy cơ đe dọa nghiêm trọng không chỉ vùng Trung Đông, mà còn khu vực Trung Á. Hiện nay, lực lượng vũ trang của Tajikistan, Uzbekistan hoặc Turkmenistan không đủ sức chống lại phiến quân IS. Tổ chức này hiện có bộ binh tốt nhất trên thế giới. IS có thể tiếp tục chiến đấu ngay cả trong điều kiện bị liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích, bộ binh IS tích lũy những kinh nghiệm thực tế trong chiến đấu. Giới quan sát cho rằng khu vực Trung Á vẫn còn quá xa. Nhưng, hướng này là một mối đe dọa tiềm năng. Có lẽ, IS đã có kế hoạch tiến vào Baghdad. Nhưng, sau sự can thiệp của các công ty dầu mỏ của phương Tây, kế hoạch đã thay đổi. IS đang chuyển động theo hướng khác, tạo ra mối nguy cơ đe dọa Nga và các nước SNG khác.

Hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng, Afghanistan là trung tâm bất ổn ở châu Á. Sau sự thất bại của Mỹ tại nước này, Taliban cố tiến lên phía Bắc. Trong tình huống này, Taliban có thể thành lập liên minh với các phần tử Hồi giáo cực đoan ở vùng Trung Đông. Nếu điều đó xảy ra, chiến tranh sẽ bùng nổ trong toàn bộ khu vực. Các chuyên gia cho rằng không nên nghĩ chỉ có người dân Tajikistan và Uzbekistan sẽ có vấn đề. Những người Hồi giáo cực đoan sẽ tìm được hỗ trợ ở trên địa bàn vùng Trung Á. Có xác suất rất cao rằng, Taliban sẽ tìm được tiếng nói chung với Nhà nước Hồi giáo. Hai tổ chức này đang đàm phán về nội dung đó. Đây là mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với một số nước Trung Á.

Trong khi đó, những vụ không kích của phương Tây vào một số cứ điểm của IS chưa mang lại kết quả mong muốn và không gây ra thiệt hại lớn cho tổ chức này. Cũng có thể là các vụ không kích sẽ đẩy IS khỏi các khu vực dầu mỏ ở Trung Đông để Nhà nước Hồi giáo tiến quân theo hướng khác.

Nguồn bài viết: Báo Petrotimes


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề