Pháp: Đơn thuần oanh kích Daech vẫn chưa đủ
Báo chí Pháp ngày 24/11/2015 tiếp tục dành nhiều bài viết cho cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Daech, từ 12 trang đến 16 trang. Tờ Le Figaro đăng trên trang nhất bức ảnh chụp các chiến đấu cơ chuẩn bị cất cánh từ hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle, và như vậy hải quân Pháp tăng gấp ba lần hỏa lực không kích nhắm vào Daech.

Báo Le Monde thì chạy hàng tựa đậm: Pháp vận động đồng minh tham gia cuộc chiến chống Daech. Hôm nay, Tổng thống Pháp François Hollande gặp Tổng thống Mỹ Obama. Trước đó, ông Hollande đã tiếp đón Thủ tướng Anh Cameron sau khi tham khảo ý kiến của hai lãnh đạo Đức và Ý.

Trong hai ngày nữa, Tổng thống Pháp sẽ gặp đồng nhiệm Nga Putin, để rồi cuối tuần này, bên lề Hội nghị quốc tế về khí hậu COP 21, ông lại gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Điều đó có nghĩa là trong vòng chưa đầy một tuần lễ, Pháp sẽ vấn ý toàn bộ các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Tờ Le Monde so sánh nỗ lực ráo riết vận động ngoại giao của Tổng thống Pháp như một cuộc chạy đua việt dã. Mà quả thật đây là một cuộc chạy đua, nhưng với khá nhiều chướng ngại vật theo như nhận xét của báo Libération.

Theo tờ báo, để có được một liên minh rộng lớn trong cuộc chiến chống Daech, Pháp có sẵn sàng chấp nhận một số nhượng bộ hay chăng ? Nếu muốn thuyết phục ông Putin, trước hết Pháp phải bàn với các đồng minh Âu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga, sau cuộc khủng hoảng Ukraina. Nói thì dễ, làm mới khó. Theo Libération, chừng nào Mỹ, Pháp và Nga chưa thống nhất lập trường về Syria, thì trục liên minh giữa ba nước này còn mong manh, nếu không nói là xa vời.

Đánh Daech: Cuộc chiến phải toàn diện

Bàn về cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech, báo Le Figaro đăng bài xã luận đề tựa ‘‘Đa mặt trận’’. Tờ báo hàm ý nếu tuyên chiến với Daech, nước Pháp không còn cách nào khác là phải dốc sức đánh triệt để, và nhất là cuộc chiến phải được tiến hành cùng lúc trên nhiều mặt trận, chứ nếu chỉ dùng biện pháp oanh kích không thôi, thì e rằng vẫn chưa đủ. Trước mắt, kế hoạch gửi quân sang Syria tham chiến trên bộ còn là chuyện xa vời.

Le Figaro nhận xét song song với việc triển khai hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle, tăng cường các đợt tấn công từ trên không, Pháp đã mở mặt trận ngoại giao ở quy mô lớn để tranh thủ sự hậu thuẫn của các đồng minh cũng như các đối tác, càng rộng càng tốt.

Tuy nhiên, để triệt hạ Daech, nước Pháp phải có đủ tầm nhìn xa, và phải xông xáo trên nhiều ‘‘mặt trận khác’’. Bởi vì theo Le Figaro, đánh Daech cũng có nghĩa là Pháp phải có quyết tâm truy lùng tất cả các phần tử hồi giáo cực đoan trà trộn ẩn nấp trong xã hội Pháp.

Triệt hạ Daech cũng có nghĩa là phải đánh triệt để vào các nguồn tài trợ tổ chức này, hầu làm cạn kiệt nguồn vốn dồi dào của Daech. Các phần tử sinh trưởng trên đất Pháp trở nên cực đoan do bị nhồi sọ, tâm trí của họ bị đầu độc bởi bộ máy tuyên truyền của Daech. Tước bỏ quốc tịch hay đơn thuần bắt giam họ cũng chưa đủ.

Một mặt, nước Pháp phải trục xuất những giáo sĩ rao giảng đạo Hồi chỉ để xúi giục hận thù, mặt khác Pháp phải tuyên chiến với tổ chức Daech trên mạng, đánh sập các trang web tuyên truyền. Xa hơn nữa, Pháp phải tham gia vào một giải pháp chính trị để chuẩn bị một quá trình chuyển tiếp trên lãnh thổ Syria.

Theo Le Figaro, có ít nhất là 6 mặt trận mà nước Pháp phải phối hợp tấn công: quân sự, tình báo, ngoại giao, tài chính, an ninh nội vụ, công nghệ trên mạng. Khi tuyên chiến với tổ chức Daech, nước Pháp không thể nào đánh túi bụi, mà phải biết linh hoạt phản công. Dục tốc bất đạt: Chẳng thà nước Pháp mất một chút thời gian suy nghĩ để đánh cho trúng, còn hơn là phí sức hoài công: đánh hụt vì đánh tứ tung.

Hàng không dân dụng: Tham vọng mới của Bắc Kinh

Về mặt kinh tế, báo Libération nói về sự kiện Trung Quốc lao vào ngành chế tạo máy bay dân dụng hầu cạnh tranh về lâu về dài với hai tập đoàn Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ. Sau hội chợ Triển lãm Hàng không tổ chức tại Dubai, trong tháng này tại Thượng Hải, Trung Quốc vừa làm lễ ra mắt chiếc phi cơ dân dụng đầu tiên do tập đoàn Comac sản xuất.

Loại phi cơ dân dụng Trung Quốc vừa được cho ra mắt là kiểu C919 với khoảng 140 chỗ ngồi, tương đương với kiểu Airbus A320 hay là Boeing 737. Tập đoàn Comac đã chế tạo phi cơ C919 với sự hợp tác của hai hãng Pháp (Safran) và Mỹ (Honeywell) chuyên sản xuất phụ tùng máy bay.

Theo lời một chuyên gia châu Âu tại Bắc Kinh, ngành hàng không dân dụng giờ đây có tầm vóc chiến lược trong mắt của Bắc Kinh trên ba điểm. Trước hết đây là một ngành công nghệ tiên tiến, có liên kết chặt chẽ với nhiều ngành kỹ nghệ khác.

Kế đến, Trung Quốc có một thị trường nội địa rộng lớn, sản xuất máy bay trước hết là để đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong nước. Cuối cùng, máy bay dân sự có thể được sử dụng như một công cụ kinh tế ngoại giao: sau khi Trung Quốc xuất khẩu sang Nam Mỹ loại tàu cao tốc gọi là ‘‘Cao Thiết’’, Bắc Kinh giờ đây nuôi tham vọng bán máy bay dân dụng cho châu Phi và châu Mỹ La Tinh.

Trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ về nhu cầu hàng không dân dụng. Theo một bản báo cáo của tập đoàn Mỹ Boeing, Trung Quốc sẽ cần đến hơn 6.000 ngàn chiếc máy bay mới, tức cao gấp đôi số máy bay đang hoạt động. Vì thế cho nên, Bắc Kinh muốn tự chế tạo máy bay để bớt lệ thuộc vào châu Âu và Hoa Kỳ.

Máy bay của Trung Quốc cũng là hàng “Made in China” ?

Khi cho ra đời kiểu phi cơ C919, Trung Quốc muốn gia nhập các cường quốc nắm vững công nghệ hàng không, bên cạnh Hoa Kỳ, châu Âu, Nga và Nhật Bản. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ vướng mắc hai trở ngại lớn. Thứ nhất, các tập đoàn Âu Mỹ ý thức rằng chuyển giao công nghệ sẽ tạo thêm thế mạnh cho. Bắc Kinh. Châu Âu và Hoa Kỳ muốn giữ khoảng cách với Trung Quốc về mặt công nghệ tiên tiến, cho nên đã tung ra các kiểu phi cơ hiện đại như chiếc A320 Neo và 737 MAX 8.

Trở ngại thứ nhì vẫn là Trung Quốc ít có uy tín trên thương trường quốc tế, và các đối tác vânbx có tâm lý ngừo vực đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Bắc Kinh hy vọng thu hút thêm khách hàng bằng cách bán máy bay dân dụng với giá mềm hơn so với các đối thủ.

Tính trung bình, mỗi chiếc C919 được bán với giá 50 triệu đô la, trong khi máy bay cùng cỡ, cùng hạng của Airbus và Boeing trị giá khoảng 75 triệu đô la một chiếc. Thế nhưng, giá mềm vẫn chưa đủ, vì ngành hàng không Trung Quốc còn cần phát triển các dịch vụ hậu mãi như sửa chửa, bảo trì, bán hàng phụ tùng ….

Hiện giờ, tập đoàn Trung Quốc Comac chỉ nhận được hai đơn đặt hàng cho khoảng 500 chiếc, trong khi phía Airbus đã ký hợp đồng bán hơn 4.300 chiếc A320 Neo. Phi cơ C919 còn phải thực hiện xong một loạt chuyến bay thử nghiệm trước khi được đem ra khai thác.

Từ đây tới đó, Trung Quốc sẽ phải nỗ lực đánh bóng thương hiệu Comac cũng như của kiểu máy bay C919, để tránh bị mang tiếng là máy bay sản xuất tại Trung Quốc “made in China” là đồ dỏm. Tuy phi cơ kiểu C919 được Trung Quốc bán với giá mềm, nhưng cũng nên coi chừng vì ‘‘tiền nào của nấy’’.

RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề