Nhật, Mỹ, Pháp mua bún gạo, bánh phở Việt Nam làm không xuể

Xuất khẩu gạo ngày càng khó khăn, giá thấp thì các sản phẩm chế biến từ bột gạo như hủ tiếu, bánh phở…đang được các thị trường Nhật, Mỹ, Pháp.. ưa chuộng.

Nhiều doanh nghiệp đang lo sản xuất không kịp các đơn hàng đã ký.

Đưa chúng tôi đi xem các phân xưởng sản xuất, ông Phạm Thanh Bình – tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Bích Chi ở TP Sa Đéc, Đồng Tháp – nói năm 2014 lợi nhuận trước thuế của công ty hơn 50 tỉ đồng, cao hơn cả vốn điều lệ.

Thấy chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên, ông Bình cười: “Nhiều người cũng không tin, nhưng đó là sự thật. Chúng tôi công khai hết thông tin và đã chia cổ tức. Phần lớn là nhờ xuất khẩu các sản phẩm từ bột gạo”.

Giá trị xuất khẩu cao

Hiện nay Công ty Bích Chi sản xuất hơn 160 mặt hàng thuộc bốn dòng sản phẩm: bánh phở, hủ tiếu, bún gạo, miến, bánh hỏi khô; bánh tráng; bột dinh dưỡng, bột thực phẩm và bánh phồng tôm.

Năm 2014 công ty sản xuất hơn 20.000 tấn thành phẩm, trong đó hơn 60% được xuất khẩu. Số còn lại sản xuất theo đơn đặt hàng của các hệ thống siêu thị lớn trong nước.

Các sản phẩm từ bột gạo của công ty đã có mặt ở thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các nước ASEAN.

“Mặc dù sản phẩm bánh phở Bích Chi đã xuất sang Nhật được 12 năm nhưng khi sang Nhật, vào các quán phở Việt ở Tokyo tôi vẫn cảm thấy sướng khi thấy bánh phở thương hiệu công ty mình được sử dụng để chế biến bán cho khách. Người Nhật rất thích món phở VN. Còn tại Paris (Pháp) có tới hơn 120 quán phở sử dụng bánh phở nhập từ VN. Bánh phở, bún gạo của VN sản xuất được người tiêu dùng ở đó rất thích” – ông Bình cho hay.

Còn tại Công ty CP xuất nhập khẩu Sa Giang cũng ở TP Sa Đéc, liên tục hai tuần đầu tháng 3-2015 hai chuyên gia người Nhật được cử đến nhà máy để kiểm tra, giám sát tất cả quy trình sản xuất bánh phở, bún gạo và lấy mẫu kiểm nghiệm tại chỗ trước khi đặt bút ký một hợp đồng lớn đưa hàng vào chuỗi siêu thị AEON tại Nhật và trên khắp thế giới.

Phần lớn công đoạn sản xuất của công ty đều được tự động hóa, từ khâu đầu tiên nghiền gạo thành bột đến khâu cuối cùng là sản phẩm. Công nhân chỉ cắt bánh tráng rồi đóng gói theo định lượng mà khách hàng yêu cầu.

Bà Mật Bích Khuầy, phó tổng giám đốc công ty, phấn khởi cho biết chuyên gia Nhật vừa hoàn tất đợt kiểm tra và đánh giá đạt các tiêu chuẩn khắt khe của họ. “Chúng tôi đang lo sản xuất không kịp để giao hàng. Nhu cầu tiêu thụ của hệ thống siêu thị AEON lớn nhưng yêu cầu rất cao. Họ không đóng trọng lượng 200-400

gram/gói như các thị trường khác mà yêu cầu đóng 10-50 gram/gói để chế biến các món Nhật. Bù lại là giá xuất khẩu rất tốt” – bà Khuầy cho biết. Từ giữa tháng 3-2015, Công ty Sa Giang đã bắt đầu xuất những lô hàng đầu tiên sang Nhật.

Giá trị cao gấp 4 lần xuất khẩu gạo

Vẫn theo ông Phạm Thanh Bình, sản phẩm được sản xuất từ bột gạo xuất khẩu mang lại giá trị cao gấp bốn lần so với gạo. Ông Bình dẫn chứng: “Gạo xuất khẩu trung bình chỉ khoảng 10.000 đồng/kg. Còn bánh phở chúng tôi xuất được 2 USD, tương đương 44.000 đồng/kg.

Để có 1kg bánh phở, chúng tôi cần 1,1kg gạo. Giá trị gia tăng đó được chia cho người lao động của công ty, người lao động của cơ sở sản xuất bột, doanh nghiệp sản xuất bao bì, vận tải, cổ đông của doanh nghiệp, nộp thuế… Rõ ràng hiệu quả kinh tế của việc xuất khẩu sản phẩm từ bột gạo hiện nay rất lớn”.

Nếu như gạo xuất khẩu phải đạt các tiêu chuẩn tỉ lệ tấm là 25%, 15% hoặc 5% thì nguyên liệu làm bột gạo chỉ là tấm – một loại phụ phẩm trong quá trình xay xát, chế biến gạo không thể xuất khẩu được. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, các doanh nghiệp có thể sử dụng tấm gạo IR50404 hoặc tấm gạo thơm.

Cho dù loại nào đi nữa thì giá nguyên liệu đầu vào cũng thấp hơn nhiều so với gạo trắng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Còn sản phẩm sau khi được chế biến, xuất khẩu thì có giá rất cao. Do người tiêu dùng ở các thị trường khó tính đã ưa chuộng bánh phở, hủ tiếu, bún gạo, bánh tráng… của VN nên Công ty Bích Chi và Sa Giang rất tự tin đầu tư nghiên cứu các sản phẩm mới và mua sắm hệ thống máy móc hiện đại để mở rộng sản xuất.

Theo UBND TP Sa Đéc, sở dĩ các sản phẩm từ gạo xuất khẩu ở địa phương này nhanh chóng nổi tiếng trên thế giới là nhờ hiệu ứng từ làng nghề bột Sa Đéc có hơn 100 năm tuổi. Tay nghề, kinh nghiệm của người dân rất cao nên chất lượng bột sản xuất ra rất ngon và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, được các doanh nghiệp tiêu thụ sản lượng lớn.

Ông Nguyễn Quốc Chánh, phó Phòng kinh tế TP Sa Đéc, cho biết trung bình mỗi ngày làng nghề bột Sa Đéc, chủ yếu ở xã Tân Phú Đông, tiêu thụ 100 tấn gạo và tấm để sản xuất. Tính ra làng bột đã góp phần tiêu thụ hơn 36.000 tấn gạo của nông dân mỗi năm.

“Xuất khẩu các sản phẩm từ bột gạo tăng mạnh cũng là cơ hội lớn cho người dân làng nghề bột Sa Đéc. Thành phố cũng đã tổ chức hội thảo xây dựng thương hiệu và đầu tư phát triển nghề sản xuất bột theo hướng tự động hóa để tăng năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu” – ông Chánh nói.

Bánh tráng dừa sẽ có ở thị trường Mỹ

Bà Mật Bích Khuầy, phó tổng giám đốc Công ty Sa Giang, cho biết hiện công ty đang tích cực đàm phán với đầu bếp danh tiếng Robert Danhi để sản xuất bánh tráng dừa xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo yêu cầu của ông Robert Danhi, loại bánh tráng này phải được sản xuất từ bột gạo của ĐBSCL và dừa của Bến Tre, công thức cụ thể từng loại thành phẩm do ông đưa ra.

Đây là loại bánh tráng dùng để nướng ăn chứ không phải bánh tráng dùng cuốn gỏi mà các doanh nghiệp VN đang xuất khẩu rất nhiều. Trong chuyến du lịch xuyên Việt làm ký sự truyền hình ẩm thực, đầu bếp Robert Danhi rất “kết” món bánh tráng dừa nướng ăn chung với một số món thuần Việt khác nên tiến hành đàm phán với Công ty Sa Giang suốt từ tháng 12-2014 đến nay để đưa sản phẩm này về bán ở Mỹ.

Xã Luận


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề