Vợ mất khi con gái đầu mới bước vào lớp 12, một mình ông Khôi lầm lũi nuôi 6 người con. Với bí quyết dạy con “không giống ai”, đến nay 5 người con ông Khôi vào đại học, ba trong số đó đã ra trường, có việc làm ổn định.
Ngày cuối năm, trong ngôi nhà nhỏ nhưng ngăn nắp ở xã Điện Minh (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), ông Lê Kế Khôi (58 tuổi) hì hục dọn dẹp để đón những đứa con về ăn Tết. Hơn 10 năm nay, người đàn ông với khuôn mặt khắc khổ phải thay cả vai trò người mẹ tần tảo để dạy dỗ con cái thành đạt.
Tạm gác công việc, ông Khôi kể, cách đây 30 năm ông lấy vợ rồi lần lượt có 6 người con, 4 gái 2 trai. Lam lũ làm ăn, dù không giàu có nhưng với trang trại 150 con lợn, vợ chồng ông đủ sức nuôi các con ăn học. Tuy nhiên, hơn 10 năm trước, cuộc sống đang đầm ấm thì tai họa ập đến, vợ ông qua đời vì tai nạn giao thông.
Ngôi nhà chật kín giấy khen của con ông Khôi. Ảnh: Tiến Hùng. |
“Lúc đó, con gái đầu mới học lớp 12, còn đứa út vẫn đang bồng trên tay. Bà ấy mất, nhiều người khuyên nên cho mấy đứa lớn nghỉ học để kiếm tiền nuôi em, nhưng tôi nhất quyết gạt đi”, ông Khôi nhớ lại. Vợ mất, ông Khôi trở thành điểm tựa vững chắc cho những người con. Lúc đám tang vợ cũng là lúc kỳ thi học sinh giỏi tỉnh của con gái đầu cận kề. Ông Khôi buộc con phải vượt qua mất mát, tìm góc yên tĩnh ôn bài khi quan tài mẹ đang còn đặt trong nhà.
“Ở cái đất chó ăn đá gà ăn sỏi này nếu không học thì chẳng có đất sống, suốt đời không ngóc đầu lên nổi. Đời chúng tôi khổ rồi giờ phải để con cái thoát nghèo”, ông Khôi nói.
Để có tiền tiếp tục cho 6 người con đang tuổi ăn học, ông Khôi vay ngân hàng nuôi lợn, dù khó nhọc đến mấy cũng không để con phải làm việc vì sợ ảnh hưởng đến học tập. Lấy công việc xua đi nỗi buồn, ông kể hàng ngày thức dậy từ 4h sáng, vừa nấu cơm cho các con vừa nấu thức ăn cho lợn. Khi các con thức dậy, ông lo việc ăn sáng, đưa đến trường học rồi mới ra đồng. Trưa đến, ông lại về nhà nấu cơm cho các con rồi quần quật ngoài đồng trồng lúa, trồng rau.
“Sau cái chết của vợ, sợ các con buồn ảnh hưởng đến việc học, tôi phải thường xuyên trò chuyện để chúng quên đi nỗi mất mát. Không chỉ làm thay vai trò người mẹ mà tôi phải như một người bạn thân, vì thế chuyện gì chúng cũng tâm sự với bố”, ông Khôi kể. Mỗi ngày chỉ chợp mắt được vài giờ, cứ thế ông tần tảo làm việc chỉ một ý nghĩ làm sao kiếm được tiền lo cho con ăn học.
Ông Khôi không những làm thay vai trò người mẹ mà luôn xem con như người bạn. Ảnh: Tiến Hùng. |
“Lúc đó, hình như tôi không có thời gian để đau buồn hay nghĩ đến việc khác. Tôi chỉ biết cố gắng và luôn nghĩ làm sao trở thành ngọn đuốc để các con đi theo, con thấy cha khó khăn để mà vươn lên”, người đàn ông được hàng xóm gọi với cái tên “Gà trống” nói.
Không phụ lòng mong mỏi, những người con của ông Khôi đều cố gắng học tập và rèn luyện không ngừng để đạt kết quả cao. Sáu người con thì bốn đỗ vào các trường đại học thuộc loại danh giá ở TP HCM. Năm vừa rồi, người con thứ năm là Lê Kế Hậu (19 tuổi) đậu vào ngành Y đa khoa, Đại học Y Dược Huế với 27,25 điểm. Người con thứ sáu Lê Kế Hiền (17 tuổi) hiện học lớp 11 Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu với bảng thành tích học sinh giỏi 10 năm liền. Đến nay, 4 người con đầu đã tốt nghiệp đại học và có công việc tốt.
Trong căn nhà vắng vẻ, ông Khôi dành một góc trang trọng để treo giấy khen của 6 người con lên tường, số còn lại ông bọc trong túi nylon cất giữ cẩn thận vì quá nhiều không có chỗ treo. Mỗi lần nhớ con, ông lại đem những tấm giấy khen ra nâng niu, ngắm nghía. Ông Khôi nói rằng, từng tấm giấy khen không chỉ là từng kỷ niệm mà còn in dấu những giai đoạn gian khổ của cha con ông.
Dân làng vẫn thường gọi ông Khôi với cái tên “Gà trống”. Ảnh: Tiến Hùng. |
“Thiệt thòi khi không có bàn tay người mẹ chăm sóc, bản thân các cháu đã rất nỗ lực học tập để đạt kết quả cao. Dù tôi luôn yêu cầu phải chăm lo học hành nhưng biết cha khó khăn, trong quá trình học đại học các cháu tranh thủ thời gian đi làm thêm để kiếm thu nhập trang trải chi phí”, ông Khôi nói.
Kể về sự vất vả của bố, cậu con trai út không giấu được nước mắt. “Hồi nhỏ, sáng nào ba cũng dậy sớm để nấu một nồi cơm to, làm mắm khử thêm dầu và hành cho mấy chị em ăn no. Sau đó ba dắt xe đạp ra sân bơm lốp, kiểm tra xích, bàn đạp cẩn thận rồi mới để em đến trường”, Hậu nói. Lớn lên, có lúc đi học thêm xa ở Hội An hay đi thi ở Tam Kỳ, ông Khôi lại lấy xe máy chở con đi. Ông không bao giờ yên tâm giao con cho người khác, các con cũng không phải làm việc đồng áng, chỉ cần học tốt.
Ông Trần Bường, Chủ tịch UBND xã Điện Minh, cho hay ở địa phương không ai không biết hành trình vượt khó nuôi dạy con của ông Khôi. “Mọi người đều nể phục vì thành tích học tập xuất sắc của sáu người con. Chính vì vậy, nhiều năm qua, gia đình ông Khôi luôn được chọn để báo cáo gương điển hình và được thị xã Điện Bàn công nhận là gia đình hiếu học”, ông Bường nói.
Tiến Hùng (vnexpress.net)
Trả lời