Nga chuyển sang thế đối đầu với Ả Rập Saudi sau hội nghị Doha

Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak cho biết: “Ả Rập Saudi có khả năng tăng sản lượng một cách đáng kể, nhưng chúng ta cũng vậy. Novak cho biết ở thời điểm hiện tại, Nga có thể tăng sản lượng lên 12 hoặc thậm chí là 13 triệu thùng/ngày ở mức gần 11 triệu thùng/ngày ở thời điểm hiện tại. Dựa vào những gì đã diễn ra trước đó, Nga hoàn toàn đẩy sản lượng khai thác của mình lên mức kỷ lục như đã tuyên bố.

Trên thực tế sản lượng khai thác dầu của Nga đã không ngừng tăng lên trong những năm qua, vào giai đoạn cuối năm 1999 đầu năm 2.000 sản lượng dầu của Nga đã lên tới 6 triệu thùng, và dù đã có rất nhiều dự đoán rằng sẽ sụt giảm thì trên thực tế điều này vẫn chưa xảy ra. Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng của Nga là khoảng gần 11 triệu thùng/ngày và là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Sở dĩ Nga nhanh chóng đáp trả tuyên bố mang tính đe dọa là sẽ nâng sản lượng của Saudi, là vì dù không ai nói ra, nhưng trên thực tế lời tuyên bố tăng sản lượng của Saudi là hướng đến Nga chứ không phải nước nào khác. Sản lượng của Saudi hiện nay khoảng 10 triệu thùng/ngày, và với 2 triệu thùng/ngày mà phó vương Saudi là Mohammed bin Salman tuyên bố sẽ tăng thêm, thì tổng sản lượng của Saudi sẽ chính thức vượt qua Nga đang ở mức gần 11 triệu thùng/ngày để trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Đó là lý do vì sao Nga xem tuyên bố đó như một lời thách thức, rằng Saudi sẽ không chỉ vượt qua Nga về mặt sản lượng, mà Saudi sẽ còn tìm cách đánh chiếm thị phần của Nga với mức sản lượng vừa khai thác thêm đó.

Những dấu hiệu mới nhất đang cho thấy, Nga sẵn sàng tập trung nguồn lực cho một cuộc đọ sức với Ả Rập Saudi trên thị trường dầu. Bộ Tài chính Nga vừa công bố rằng Bộ này đang chuẩn bị những sửa đổi cho đạo luật về ngân sách 2016, trong đó bao gồm kế hoạch cắt giảm chi phí đến 10% và những biện pháp thuộc kế hoạch chống khủng hoảng kinh tế.

Dù theo bộ trưởng tài chính Anton Siluanov thì bản kế hoạch này vẫn phải được Chính phủ thông qua trước khi đi vào thực hiện, thì việc Nga đang lên kế hoạch tăng sản lượng dầu hiện nay nhiều khả năng sẽ khiến kế hoạch mang tính thắt lưng buộc bụng do Bộ Tài chính đề xuất sẽ được tổng thống Putin thông qua một cách nhanh chóng.

Việc cả hai cường quốc xuất khẩu dầu số một và số hai thế giới đều tuyên bố sẽ gia tăng sản lượng khai thác, khoảng 2 triệu thùng/ngày ở mỗi nước, có thể sẽ là động thái quyết định để nhấn chìm giá dầu trên thị trường. Tình trạng dư cung có thể sẽ nghiêm trọng hơn mức dư thừa 2 triệu thùng/ngày hiện nay, và thậm chí có thể đẩy giá dầu xuống mức đáy thấp nhất trong nhiều năm nay là 20 USD/thùng.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, đây có thể chỉ là một màn kịch do Ả Rập Saudi và Nga bày ra để hù dọa Iran, nước đã không chịu tham dự hội nghị Doha và dứt khoát không chấp nhận đề xuất đóng băng sản lượng mà Nga và Saudi đã đề ra. Lý do được Iran đưa ra là nước này vừa mới thoát khỏi tình trạng cấm vận kinh tế đã kéo dài vài năm qua, và đang rất cần tiền để khôi phục nền kinh tế, và vì thế cần tăng sản lượng khai thác dầu đem đi xuất khẩu.

Nếu như giá dầu sụt giảm quá mạnh do sự tăng sản lượng của Nga và Saudi, thì kế hoạch của Iran sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Thậm chí, nếu thiệt hại vượt quá mức chịu đựng, nhiều khả năng Iran sẽ chấp nhận tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng. Nếu quả thực là như thế, thì Nga và Ả Rập Saudi quả là những kịch sĩ đại tài.

Nhàn Đàm (theo Reuters/CafeF)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề