Những gì diễn ra sau khi hội nghị bàn về đóng băng sản lượng dầu tại Doha, Qatar giữa các nước OPEC và ngoài OPEC đang khiến cả thế giới đi từ bất ngờ đến lo lắng.
Sau một loạt sự kiện hi hữu diễn ra đồng loạt một cách trùng hợp tại một số nước thành viên OPEC khiến giá dầu vụt tăng, từ vụ đình công của công nhân trong ngành dầu Kuwait đến sự cố cháy đường ống dẫn dầu ở Nigeria và mất điện trên diện rộng ở Venezuela, thì một xu hướng mới bắt đầu xuất hiện: các nước tham gia hội nghị Doha đang chuyển từ hợp tác sang đối đầu. Mà Nga và Ả Rập Saudi là một ví dụ điển hình. Sự đối đầu giữa hai cường quốc xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, có thể đẩy giá dầu trên thị trường xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.
Sự xoay chuyển từ hợp tác sang đối đầu giữa các nước tham dự hội nghị Doha đã diễn ra ngay sau khi hội nghị bàn về đóng băng sản lượng này kết thúc trong thất bại, khi phó vương Ả Rập Saudi là hoàng từ Mohammed bin Salman đã đưa ra tuyên bố đầy tính đe dọa, rằng nước này sẽ gia tăng sản lượng thêm 2 triệu tấn trong thời gian tới.
Thông điệp của Saudi rất rõ ràng: nếu như các nước tham dự hội nghị Doha đã không thể hợp tác với nhau để vực dậy giá dầu, thì Saudi sẽ làm mọi cách có thể để đoạt lấy nhiều thị phần nhất có thể, bất chấp nước này cũng đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng do giá dầu sụt giảm trong hơn một năm qua; theo ước tính thâm hụt ngân sách của Saudi trong hơn một năm qua do giá dầu chạm đáy đã lên tới khoảng 100 tỷ USD.
Quyết định tăng sản lượng của Ả Rập Saudi sau khi hội nghị Doha thất bại là điều có lý, vì dẫu sao với giá dầu thấp như hiện nay thì đằng nào Saudi cũng bị thiệt hại, nên thà chọn cách tiếp tục chịu thiệt hại và tăng thêm sản lượng để chiếm thêm thị phần nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại xuống vẫn hơn là ngồi im không làm gì.
Ngoài vấn đề tính toán lợi ích kinh tế, thì việc tăng sản lượng thêm 2 triệu tấn này cũng mang ý nghĩa là một hình phạt của Saudi với các nước xuất khẩu dầu khác đã tham dự hội nghị Doha. Thông điệp của Mohammed bin Salman rất rõ ràng: nếu đã không chấp nhận hợp tác để vực dậy giá dầu, Ả Rập Saudi sẽ khiến cho các nước chịu thiệt hại nhiều hơn nữa. Nói cách khác là, nhẹ không ưa lại ưa nặng.
Và điều này đang làm thổi bùng lên một sự đối đầu giữa các nước tham dự hội nghị Doha khác với Saudi, mà điển hình là Nga. Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày thứ Tư 20.4, Nga tuyên bố sẽ đẩy sản lượng khai thác dầu của mình lên mức mới và cao nhất từ trước đến nay.
Trả lời