Mạng xã hội và ranh giới mong manh giữa cái thiện với cái ác

Có một lằn ranh vô cùng mỏng manh giữa những hành vi tử tế và ác ý trong thế giới mạng. Không chỉ cơ quan nhà nước, bệnh viện, trường học mà cá nhân cũng mệt mỏi bởi những câu chuyện được tung tin nhảm ác ý có chủ đích gây nhiều bất ổn cuộc sống ngày nay.

Mạng xã hội sơ khai mang tên Yahoo 360 sụp đổ trước sự lấn lướt của gã khổng lồ Facebook bởi những tính năng tiện dụng, kết nối cao và quan trọng hơn cả là tính rộng mở vươn tới mọi ngõ ngách trên địa cầu. Facebook có các trình ứng dụng “chạy” trên hầu hết các thiết bị cầm tay thông minh, kết nối “xuyên táo” giữa những người sử dụng bằng thuật toán tin học tinh vi đã hình thành nên một cộng đồng hàng tỉ người sử dụng, riêng Việt Nam theo một thống kê không chính thống cũng xấp xỉ 20 triệu cư dân trú ngụ trên Facebook.
Mạng xã hội hấp dẫn bởi thông tin đa dạng phong phú, nhiều chiều, nhưng là con dao bao nhiêu lưỡi? Tôi không rõ số lượng nhưng biết chắc chắn có những lưỡi dao rất sắc và luôn sẵn sàng làm “chảy máu” người sử dụng nó.

Facebook được coi như một bước đại nhảy vọt của công nghệ “buôn chuyện”, lan tỏa thông tin sống động với đầy đủ hình ảnh, đoạn phim ngắn, tâm tư cá nhân, cái chợ khổng lồ buôn bán quảng bá online, tung tin đồn nhảm và thật may mắn vẫn có cả những việc thiện tâm…

Trong cuộc sống đời thực khi con người làm việc ác giữa một đám đông, họ sẽ có nhiều bản năng e dè dò xét nhưng điều đó hoàn toàn không tồn tại trên mạng. Có thể chúng ta khó có thể xin được một người xa lạ nào đó 10.000 đồng nhưng đa số lại đều có thể dễ dàng tin tưởng tuyệt đối và lan tỏa một nội dung chưa kiểm chứng ất ơ nào đó trên Facebook.

Có một lằn ranh vô cùng mỏng manh phân cực giữa những hành vi tử tế và ác ý trong nhộm nhoạm thế giới mạng. Không chỉ cơ quan nhà nước, bệnh viện, trường học mà ngay cả những cá nhân cũng mệt mỏi bởi những câu chuyện được tung tin nhảm ác ý có chủ đích trên mạng gây nhiều bất ổn cuộc sống thực bấy lâu nay.

Tin đồn trên đó luôn đầy tin cậy với mô-típ dạng “theo ông chú em đang làm bác sĩ ở bệnh viện thì bệnh dịch A đang tràn lan…”, “tôi vừa nhận một đứa trẻ bị bỏ rơi là con người tử tù…” hay lừa đảo thẻ nạp điện thoại di động “theo ông chú làm ở mạng di động V. thì nạp thẻ theo mã sau đây sẽ được nhân tài khoản 10 lần…”.

Tin nhảm là thứ bệnh dịch mạng hoành hành, sự lan tỏa lải nhải được nhắc đi nhắc lại, được đám đông bình luận sôi nổi và chia sẻ rộng rãi bằng tính năng hữu dụng mạng xã hội. Nó có thể khiến ngay cả những người đa nghi nhất cũng phải đặt dấu chấm hỏi hoài nghi thật giả về một sự việc nào đó.

Cách đây vài tuần, “thời sự” mạng nhan nhản những lời bỉ bai cay đắng tới một cô ca sĩ nổi tiếng cho con “tè” vào chiếc túi nôn trên máy bay. Tôi tin rằng bất kể ai khi đã làm cha làm mẹ, chúng ta đều rất tinh ý chuyện “tâm tư” của con nhỏ.

Đám đông cư dân mạng sôi nổi bàn luận, phán xét, chửi bới và lan man sang cả văn hóa, đạo đức người mẹ trong câu chuyện này có lẽ hơi thái quá. Chúng ta đang nghe câu chuyện này qua một lăng kính đầy kỳ thị trong từng câu chữ tường thuật lại sự việc qua mạng xã hội của một vị hành khách nam khả kính.

“Khi chiếc máy bay A350 xinh đẹp mới cáu còn thơm mùi mới gần đáp (cao độ 9.000m – vẫn có thể toilet được), một vị khách nữ xinh đẹp số ghế 11B, 10 ngón tay sơn 10 màu, ăn bận rất mode, xé cái túi nôn cho thằng con trai đái thẳng vào, văng tứ tung…”.

Tất nhiên khi cô ca sĩ nọ kịp thanh minh để dư luận có thêm một góc nhìn khác ở sự việc nêu trên thì đã quá muộn, cô ta đã dính đủ phiền hà trong cuộc sống. Tôi không biết cô ta nổi tiếng ra sao nhưng tôi biết chắc cô ta là một người mẹ.

Đúng là phán xét đã là việc cực dễ, nó còn dễ hơn cả là làm điều đó ở trên mạng.

Một ví dụ khác là trường hợp thanh niên Hào Anh, đã có một tuổi thơ sống trong “địa ngục trần gian” bởi những bạo hành, tra tấn của ông bà chủ. Nếu ai đó xem lại những hình ảnh Hào Anh ngày được xã hội nhân ái móc ra khỏi “địa ngục”, cả cơ thể kín mít sẹo ngắn và sẹo dài thật khó có thể không xót xa. Nhân cách con người cơ bản được hình thành dưới 3 ngôi nhà: nhà (gia đình), nhà trường (giáo dục) và nhà chùa (tôn giáo nói chung). Hào Anh hình như đã chưa từng có cả 3 thứ ấy ở tuổi nhỏ và rồi lại sa chân vào ngôi nhà cuối cùng là nhà tù bởi tội hình sự trộm cắp mấy chục ngày trước. Đám đông mạng lại nhao nhao chửi rủa, miệt thị và hình như họ lại đang giết Hào Anh thêm lần nữa bằng bàn phím.

Đối với Hào Anh bây giờ chỉ nên cầu chúc cậu ta cải tạo tốt và nhận ra con đường đúng đắn. Chúng ta, đám đông mạng đều không nằm trong lộ trình xây phần gốc rễ nhân cách của cậu ta thì cũng không nên cảm thấy thất vọng vì phần ngọn chưa được xanh tươi như mong muốn.

Nối tiếp đó là những “thông tin bên lề” vụ thảm sát cả gia đình tại Bình Phước cũng là một ví dụ về sự cùng cực của sự độc ác trên mạng. Đám đông thêu dệt, bịa đặt đủ thứ chuyện của những người bị nạn, về mặt nào đó cũng nên coi đó là hành động ác ý.

Mạng xã hội sẽ đơn sắc u ám nếu cứ tiếp cận với nhan nhản những điều độc ác trên đó.

Người sử dụng mạng xã hội nếu mãi giữ khư khư kết nối với những người bạn nhảm nhí, thông tin lố lăng thì cuộc sống “ảo” cũng rỗng đặc tư duy xám ngắt. Mảng tối trên mạng là có thật, không thể phủ nhận. Sự giãn nở của nó phụ thuộc vào hành vi người dùng mạng.

Thời đại số, nguy cơ “tai nạn” trên mạng có lẽ cao hơn với giao thông đường bộ. Chỉ cần vài tháng có thể điều khiển thuần thục một chiếc xe hơi nhưng để có kỹ năng “chơi-sống” an toàn trên mạng thì chưa bao giờ có câu trả lời về thời gian.

Nếu lấy scandal truyền thông của chàng ca sĩ điển trai Tuấn Hưng thì còn nhận thấy rằng có rất nhiều cách để hạ hỏa hay kiềm tỏa sự phấn khích. Nếu là một người sử dụng mạng xã hội và đang trong tình trạng ấy, nên tránh xa máy tính và chiếc điện thoại thông minh.

Sử dụng những thứ công nghệ càng cao thì đời tư càng dễ bị phơi bày.

Tất nhiên tôi không có ý định nói xấu quá nhiều về mạng xã hội. Bản thân người viết bài cũng là một “con nghiện” Facebook. Điều cư dân mạng lờ mờ nhận thấy rằng giai đoạn phát triển mang tính tự phát và “hoang dã” văn hóa mạng xã hội đang dần hình thành. Xã hội thu nhỏ người dùng mạng đã bắt đầu biết tẩy chay điều xấu cái ác, cổ vũ chia sẻ và chung tay làm cho sự tử tế lan tỏa.

Bởi sự thật rằng cuộc đời chưa bao giờ cạn người tử tế. Đông đảo những nhóm người “vác tù và hàng tổng” đang í ới gọi nhau góp tiền cho đồng bào gặp thiên tai ở Quảng Ninh, quyên tiền thêm cho những em bé xa lạ có hoàn cảnh khó khăn nào đó mổ tim, bị bỏng trong viện, mua thêm gạo thịt để nấu những bữa ăn cho người nghèo…

Xã hội mạng là một tấm gương phản chiếu cuộc sống và nó được văn bản hóa thành chữ nghĩa rõ nét các “tâm tư”, quan điểm sống. Có người “kích hoạt” cuộc sống bằng cách mỗi ngày “vãi” ra đấy đủ thứ hằn học, miệt thị chửi rủa, dằn bàn phím dọa đánh, dọa giết đủ hạng người…

Và cũng có không ít người khởi động cuộc sống mạng bằng bày tỏ yêu thương và hành động thiện tâm. Chỉ có sự yêu thương mới làm cuộc đời này hạnh phúc hơn, nó luôn đúng.

Pháp luật lặng lẽ đứng đó để điều chỉnh hành vi trên mạng nhưng chỉ có ý thức, tư duy, sự lịch lãm đằng sau bàn phím, chân thành tình người thì mới có thể tạo ra được “vùng trời bình yên” trên mạng xã hội.

Đừng để mạng Facebook vô tình trở thành một thứ “tòa án” cảm tính, bất nhân và hung hăng với đám đông luôn ít nhu cầu lắng nghe và chỉ thích thú với việc “tuyên án”.

“Sự độc ác giống như ta tự uống thuốc độc và ngồi chờ đợi người ta chết”.

Vũ Văn (Theo CAND)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề