Luật chống khủng bố được thảo luận lâu của Trung Quốc, được thông qua vào tuần trước, định hình cho cách nước này sẽ đáp trả mối đe dọa khủng bố ở trong và ngoài nước. Nhưng liệu luật này có khả năng giải quyết vấn đề tận gốc?
Trung Quốc phải đối mặt với một vấn đề kép từ khủng bố; từ bên ngoài, thực trạng khá tương tự như hầu hết các nước phương Tây phải đối mặt, tức là khi công dân và lợi ích ngày càng bị đe dọa bởi các nhóm liên kết với nhóm dân quân Nhà nước Hồi giáo hay al-Qaeda; ở trong nước, Trung Quốc có vấn đề với các cá nhân phẫn nộ với nhà nước, những người đôi khi dùng đến bạo lực chống lại công dân và bộ máy nhà nước để bày tỏ sự tức giận của họ.
Một số hoạt động khủng bố trong nước dường như được thúc đẩy bởi việc làm của cá nhân, trong khi một số bắt nguồn do bị xã hội ruồng bỏ.
Người ta có thể thấy vấn đề bị xã hội ruồng bỏ này đặc biệt xảy ra ở khu vực cận tây của tỉnh Tân Cương của Trung Quốc, nơi mà dân thuộc sắc tộc thiểu số Uighur phẫn nộ trước việc họ xem là văn hóa và bản sắc của họ bị Bắc Kinh đồng hóa.
Cũng có một số bằng chứng cho thấy một số công dân Trung Quốc đã ra nước ngoài để cầm súng tham chiến cùng với các cơ sở của IS hay al-Qaeda trên các chiến trường ở Syria, Iraq và Afghanistan, trong khi những người khác tham gia vào các trại huấn luyện ở Đông Nam Á.
Phẫn nộ chính
Các luật mới cố gắng đối phó với những vấn đề kép nhưng dường như không hình thành khuôn khổ rõ ràng làm thế nào để ngăn chặn những người bị lôi kéo vào mạng lưới khủng bố cũng như ngăn họ bị cuốn vào ý thức hệ của khủng bố ngay từ khi trứng nước. Các luật này có tạo ra một khuôn khổ chính thức nhằm chống khủng bố ở nước ngoài, thông qua việc gửi lực lượng an ninh Trung Quốc ra nước ngoài để đối phó với các mối đe dọa.
Điều đó tự nó là một sự thay đổi đáng kể – tạo điều kiện cho Bắc Kinh có sự lựa chọn để điều lực lượng của mìnhra nước ngoài, đi ngược lại với nguyên tắc có từ lâu của Trung Quốc là không can thiệp vào việc bên ngoài.
Nhưng lực lượng an ninh Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện trên thế giới trong khuôn khổ như gìn giữ hòa bình và luật mới này đơn giản là để tăng cường thêm phạm vi hoạt động này.
Vấn đề của Trung Quốc trở nên thực sự phức tạp khi xảy vụ đánh bom ở Bangkok, Thái Lan, hồi tháng Tám năm nay, khi một nhóm liên kết với một mạng lưới Uighur- Thổ Nhĩ Kỳ để một thiết bị nổ bên ngoài một ngôi đền nổi tiếng nơi có nhiều du khách Trung Quốc tới lễ. Hai mươi đã thiệt mạng, đa số người sắc tộc Trung Quốc.
Lý do chính xác cho vụ tấn công này vẫn chưa được rõ ràng, mặc dù dường như là một phần của một làn sóng phẫn nộ lớn phản đối Trung Quốc và Thái Lan trục xuất cưỡng bức một số lượng lớn người Uighur đã trốn từ Trung Quốc sang Đông Nam Á.
Nhìn chung, vụ tấn công là một phần mở rộng của vấn đề khủng bố trong nước của Trung Quốc. Sự phẫn nộ của người Uighur lúc đầu chủ yếu châm ngòi cho các cuộc tấn công chống lại nhà nước ở Tân Cương dần dần đã lan ra khắp Trung Quốc (bao gồm cả các vụ lớn ở Bắc Kinh và Côn Minh) và nay lan ra cả ở nước ngoài.
Vấn đề là, trong khi người ta thấy rõ ràng rằng luật mới cố gắng để đối phó với hành vi của những vấn đề này – bằng cách thiết lập các khuôn khổ qua đó có thể bị giam giữ và truy nã người ở nước ngoài – thì điều chưa rõ là luật mới này sẽ giải quyết sự phẫn nộ tiềm ẩn đằng sau hoạt động khủng bố này thế nào.
Bài học từ Vương quốc Anh
Nhiều việc đã được thực hiện ở Anh để giải quyết thực trạng cực đoan với chương trình nhằm ngăn ngừa hoặc bắt các đối tượng trước khi họ trở nên cực đoan.
Chương trình phòng ngừa này tập trung vào việc phát triển mối quan hệ mạnh mẽ với các cộng đồng thiểu số và cố gắng kết nối với các cá nhân vốn cảm thấy bị nhà nước xa lánh.
Điểm gây tranh cãi là nhiều khu vực của bộ máy nhà nước từ y tế đến giáo dục đã được thiết lập trong chương trình nghị sự của chính phủ nhằm tìm cách để lái người ta ra khỏi con đường bạo lực trước khi họ bị cuốn vào con đường này.
Đây là yếu tố quan trọng không có trong cách tiếp cận mới của Trung Quốc. Trong khi có một số cuộc thảo luận ở Trung Quốc liên quan đến các bộ phận khác nhau của nhà nước tham gia ngoài giới an ninh, có vẻ như không có cuộc thảo luận về cách giải quyết các nguyên nhân cơ bản của thực trạng cực đoan.
Có một số bằng chứng cho thấy ít nhất là nhà nước Trung Quốc suy nghĩ về vấn đề này. Lãnh đạo Tập Cận Bình đã thảo luận cách tiếp cận không dùng tới an ninh để chống khủng bố, và Bộ trưởng Công an Mạnh Kiến Trụ đã nói về những nỗ lực mở rộng hoạt động chống cực đoan, nhưng tư duy này dường như không được phản ánh trong luật mới được thông qua.
Thay vào đó, luật mới dường như rất tập trung vào các mặt thực tế của nỗ lực chống khủng bố – việc sử dụng vũ lực để đơn giản là ngưng các mạng lưới và sự lây lan tư tưởng; một số biện pháp về tiềm năng mạnh tới mức trên thực tế có thể gây hại cho cả đôi bên.
Trung Quốc không phải là trường hợp duy nhất- cách tiếp cận của Anh đã phải đối mặt với cáo buộc cho rằng nó có nguy cơ làm người Hồi giáo trẻ tại Anh bị xa lánh – nhưng tại Vương quốc Anh thì ít nhất tranh luận công khai và thảo luận về các vấn đề này là thành tố quan trọng trong việc hoạch định chính sách công và chương trình hành động là một trong số các biện pháp liên tục ứng phó với các mối đe dọa và đón nhận phản hồi của công chúng với chủ nghĩa cực đoan.
Nếu Trung Quốc muốn có thể giải quyết đúng và có hiệu quả vấn đề khủng bố ở trong nước và ở nước ngoài, Bắc Kinh cũng cần phải bắt đầu suy nghĩ theo cách này. Họ cần phải tìm một cách để không chỉ làm gián đoạn mạng lưới khủng bố mà còn để hiểu được tại sao người ta bị cuốn vào hoạt động khủng bố ngay từ đầu và làm thế nào có thể giải quyết vấn đề này.
Raffaello Pantucci là Giám đốc Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Royal United Services Institute.
Theo BBC
Trả lời