Các nước đang phát triển sẽ rơi vào khó khăn và tỷ giá đồng EUR sẽ giảm sâu hơn nữa. Trong trường hợp xấu nhất, nhà đầu tư có thể mất lòng tin vào sự bền vững của Eurozone và đi ngược lại với những gì Ngân hàng Trung ương Châu Âu đang hướng đến.
Nếu mất giá 15%, đồng EUR sẽ có giá trị ngang bằng với đồng USD – đó là ngưỡng giá trị khiến những nhược điểm của một đồng EUR yếu trở nên đáng sợ.
Những yếu tố nguy hiểm
Khi đó, tất cả mọi thứ đang được giao dịch bằng USD chắc chắn sẽ đắt đỏ hơn, đặc biệt các loại hàng hóa. Nếu giá dầu không giảm với tốc độ đáng kể trong những tháng gần đây, chi phí cho mỗi lít dầu diesel hiện nay phải là 1,5EUR do đồng tiền châu Âu yếu hơn. Nhưng vào lúc này, bình quân chỉ ở mức 1,1EUR/lít. Đầu tư của các công ty châu Âu tại những khu vực dùng USD cũng trở nên tốn kém hơn khi giá trị của EUR trượt xuống.
Đại gia ngành hóa chất Đức BASF hiện đang có kế hoạch để dành 5 tỷ EUR để mở rộng kinh doanh ở Bắc Mỹ cho tới năm 2018. Hiện công ty này vẫn gắn bó với kế hoạch của mình. “Biến động tiền tệ ngắn hạn không ảnh hưởng quyết định đầu tư của chúng tôi” – lãnh đạo BASF cho biết. Tuy nhiên, vấn đề là không thể biết trước EUR yếu trong ngắn hạn hay dài hạn.
Một yếu tố khả năng nguy hiểm hơn, đó là hiệu ứng tâm lý việc EUR mất giá mang lại. Đồng EUR yếu có thể cung cấp cho các công ty một cảm giác an toàn giả tạo. “Điều này chỉ cung cấp một cú huých tạm thời. Bạn không thể tạo ra bất kỳ sự thịnh vượng nào từ đồng tiền trượt giá” – Chủ tịch BGA Borner cảnh báo.
Thomas Mayer, cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Deutsche Bank, cũng đồng quan điểm: “Ngoài việc giảm áp lực cải cách ở các nước, một áp lực nhân tạo lên tỷ giá đồng EUR cũng có thể kiềm chế sự đổi mới trong các ngành công nghiệp”.
Với một đồng EUR mất giá, các công ty có xu hướng tiếp tục sản xuất các sản phẩm cũ cũng như duy trì những dây chuyền sản xuất không hiệu quả. Nhưng vẫn còn một mối nguy hiểm lớn hơn, mang tính quyết định hơn.
Đó là nếu xu hướng giảm của EUR tăng tốc, trong trường hợp xấu nhất, các nhà đầu tư có thể mất lòng tin vào sự bền vững của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tức mọi thứ xảy ra sẽ hoàn toàn trái ngược với những gì Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang cố gắng hướng đến.
Sẽ lây lan?
Quyết định không tiếp tục neo giá vào đồng EUR của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) hồi cuối tháng 1 là minh họa cho thấy thị trường có thể trở nên nguy hiểm cho các ngân hàng và nhà đầu tư. Giá cổ phiếu của Thụy Sĩ giảm mạnh và các ngân hàng, quỹ, nhà giao dịch tiền tệ trên toàn thế giới, những ai đã đầu tư vào franc Thụy Sĩ, đều bị thiệt hại lớn. Diễn biến này thậm chí còn khiến một quỹ đầu cơ lớn của Hoa Kỳ phải từ bỏ kinh doanh.
Tuy nhiên, Axel Weber, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) và hiện nay là Chủ tịch Ngân hàng Thụy Sĩ UBS, đã ca ngợi quyết định của ECB: “Ai cũng hiểu rõ việc neo giá đồng franc với EUR là một điều tạm thời. SNB thực hiện bước đi đúng đắn. Tốt hơn là chấp nhận đau đớn để rút ra khỏi sự đau khổ”.
Các quan chức trong Bộ Tài chính Đức lo ngại sự bất ổn tiền tệ có thể dễ lây và sẽ làm tổn hại các nước láng giềng trong Eurozone. Như Thụy Sĩ, một số quốc gia khác cũng neo đồng nội tệ của họ với EUR, đến nay cũng cảm thấy áp lực quá lớn. Điều này đặc biệt đúng với Đan Mạch và Ba Lan, có thể trở thành tâm điểm tiếp theo của các nhà đầu cơ. Đồng krone của Đan Mạch và zloty của Ba Lan ít nhiều đều bị cố định với tỷ giá EUR.
Các quan chức ngân hàng trung ương 2 nước gần như nhắm mắt làm theo từng động thái của ECB để bảo đảm giá trị đồng tiền của họ vẫn ổn định. Nhưng điều đó sẽ dẫn đến tình trạng nguy hiểm khi ECB đã bắt đầu mua số lượng lớn trái phiếu chính phủ. Để ngăn chặn đầu cơ chống lại đồng krone, Ngân hàng Trung ương Đan Mạch đã hạ lãi suất cơ bản 0,15% xuống 0,5%/năm.
Vòng xoáy đi xuống
Tuy nhiên, những biến động tiếp theo sẽ không thể tránh khỏi. Có thể cả 2 nước sẽ phải thiết lập một tỷ giá hối đoái mới trong mối quan hệ với đồng EUR hoặc sẽ phải bỏ neo hoàn toàn khỏi đồng tiền chung. Bộ Tài chính Đức cũng lo ngại vai trò ngoại hối dự trữ của EUR sẽ bị tổn hại do các quyết định chính sách tiền tệ của ECB.
Hiện nay ước tính khoảng 1/5 dự trữ ngoại hối toàn cầu bằng đồng EUR, trước đây còn lớn hơn rất nhiều. Nghĩa là vai trò làm đồng tiền dự trữ của EUR đang sụt giảm nhanh chóng.
Nếu ECB mở hơn nữa chính sách tiền tệ, xu hướng giảm này sẽ nhanh hơn. Các ngân hàng trung ương thường bán dự trữ bằng một đồng tiền yếu để hạn chế thiệt hại. Nhưng nếu họ đẩy EUR dự trữ của nước mình ra thị trường, họ sẽ càng làm suy yếu thêm đồng tiền này và sẽ tạo ra một vòng xoáy đi xuống.
Trong một thời gian, Hoa Kỳ và IMF đã kêu gọi châu Âu thực hiện chính xác chính sách tiền tệ hiện đang làm đồng EUR yếu hơn. Nay họ sẽ phải chấp nhận việc gia tăng tình trạng mất cân bằng thương mại như hệ quả logic của động thái này. “Bạn không thể có cả 2 – chính sách tiền tệ nới lỏng và giảm sự mất cân bằng” – một chuyên gia chính phủ ở Berlin cho biết.
Châu Âu hiện nay đang theo đuổi các chính sách tiền tệ Washington đã yêu cầu trong nhiều năm. Và cũng vì lý do này, Hoa Kỳ không thể phàn nàn nếu hàng xuất khẩu của họ kém cạnh tranh hơn so với Eurozone.
Cùng sập bẫy?
Những nỗ lực của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) để trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên đảo ngược chương trình nới lỏng định lượng đã cho thấy sự rủi ro của dòng tiền. 1 năm rưỡi trước đây, FED bắt đầu thông báo sẽ kết thúc gói nới lỏng của mình từng chút một.
Thông báo này đã dẫn tới một sự đảo ngược dòng vốn nước ngoài ở khắp thế giới, khi các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi các quốc gia đang phát triển và đầu tư vào Hoa Kỳ. Ở các nước như Ấn Độ, thị trường giảm mạnh và đồng nội tệ bị căng thẳng. Sau đó mọi việc có vẻ êm ả hơn, nhưng cho đến nay FED vẫn chưa dám tăng lãi suất trở lại.
Lo lắng về khả năng bất ổn mới thậm chí có thể ngăn chặn động thái đó của FED trong năm nay. Các điều kiện để nâng lãi suất dường như đã hội tụ đủ. Nhưng lãi suất cao hơn cũng sẽ thu hút thêm vốn vào Hoa Kỳ, khiến đồng USD tiếp tục đi lên.
Các nước đang phát triển sẽ rơi vào khó khăn và tỷ giá đồng EUR sẽ giảm sâu hơn nữa. Đó là lý do tại sao việc quay lại các chính sách tiền tệ thông thường vẫn chưa thể diễn ra. Các ngân hàng trung ương trên cả 2 bờ Đại Tây Dương dường như đang bị mắc kẹt. Nếu giá trị đồng USD so với EUR tiếp tục tăng, FED có thể buộc phải có biện pháp đối phó. Và khi đó, ít ai có thể đoán trước điều gì sẽ diễn ra.
Doanh Nhân Sài Gòn
Trả lời