Trung Quốc và Nga đang tính toán gì với Hy Lạp?

Hy Lạp đang bị châu Âu “ruồng bỏ” vì nước này “cứng đầu” không chấp nhận các điều kiện khắc khổ của họ. Liệu Trung Quốc và Nga có tận dụng cơ hội này giành lấy Athens về phía mình để từ đó dạy cho châu Âu một bài học?

Một ngày sau khi 61% cử tri Hy Lạp nói “Không” với các đề nghị của chủ nợ, Thủ tướng Alexis Tsipras đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nguyên thủ Nga đã bày tỏ “sự ủng hộ đối với nhân dân Hy Lạp” và đã “thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến sự phát triển quan hệ hợp tác Nga-Hy Lạp”.

Alexandre Baounov, nguyên là nhân viên ngoại giao Nga làm việc tại Athens, hiện là chuyên gia thuộc Trung tâm Carnegie, có trụ sở tại Matxcơva, nhận định: “Ông Tsipras cần từ 2 đến 3 tỷ euro để mở cửa sớm nhất các ngân hàng Hy Lạp. Chính vì thế mà ông ta đã gọi điện tới ông Putin”.

Thế nhưng, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, khẳng định là Hy Lạp, thành viên Liên minh châu Âu và Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã không đề nghị Matxcơva giúp đỡ.

Kể từ khi lên cầm quyền, hồi tháng 1/2015, ông Tsipras không ngừng có những động thái xích lại gần Nga. Trong vòng ba tháng, Thủ tướng Hy Lạp đã tới Nga hai lần. Ngày 19/6 vừa qua, hai bên đã ký một thỏa thuận nguyên tắc trị giá khoảng 2 tỷ euro, liên quan đến việc kéo dài hệ thống ống dẫn khi đốt của Nga tại Hy Lạp.

Giới chuyên gia thường xuyên nhấn mạnh, Chính thống giáo, tôn giáo chính ở hai nước, tạo thuận lợi cho sự xích lại gần nhau giữa Nga và Hy Lạp.

Theo ông Baounov, các trừng phạt của phương Tây đang làm cho kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn, rơi vào suy thoái, trong lúc giá dầu lửa giảm mạnh trên thế giới. Đây là hai trong số những nguyên nhân chính giải thích thái độ chờ đợi của Tổng thống Putin, chưa thể ra tay can thiệp.

Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp không phải là một tin kinh tế tốt đẹp gì đối với Nga. Hôm 8/7, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Oulioukaiev cho biết: Lo ngại của thị trường về nguy cơ Athens ra khỏi đồng euro đã làm cho đồng rúp bị sụt giá mạnh vào thời điểm trước khi có cuộc trưng cầu ý tại Hy Lạp. Quan chức này cũng thông báo là vấn đề tài trợ cho Hy Lạp sẽ không được thảo luận nhân thượng đỉnh nhóm các nước đang trỗi dậy – BRICS (bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi), được tổ chức ở Oufa, Nga.

Chuyên gia Baounov nhắc lại: “Lợi ích gì khi đưa tiền cho Hy Lạp trong lúc bản thân chúng ta đang bị khủng hoảng kinh tế? Hơn nữa, Hy Lạp không có nhiều ảnh hưởng đối với chính trị châu Âu”. Vả lại, Matxcơva cũng bị một vố đau khi Hy Lạp đã bỏ phiếu ủng hộ việc kéo dài trừng phạt của châu Âu nhắm vào Nga, chỉ vài ngày sau khi ông Tsipras, về từ Saint-Petersbourg, kêu gọi chấm dứt vòng luẩn quẩn của trừng phạt.

Chuyên gia Baounov khẳng định: Tổng thống Nga “là một người thực dụng, chứ không phải là một người lý tưởng hóa. Trước khi đưa tiền cho Hy Lạp, ông tự hỏi điều này sẽ giúp gì cho nước Nga. Và hiện nay, ông còn đang tính toán hơn thiệt”.

Theo một số nhà phân tích, ngoại giao Nga có thể trục lợi được do việc cử tri Hy Lạp nói “không” trong cuộc trưng cầu dân ý. Ông Baounov nêu ví dụ: “Các nhà ngoại giao Nga sẽ nói với châu Âu rằng các vị không giải quyết nổi cuộc khủng hoảng Hy Lạp, vậy thì làm cách nào các vị có thể hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina, hơn nữa đây là một nước đang có xung đột vũ trang?”. Đây cũng chính là bằng chứng cho thấy Liên minh châu Âu là một tập hợp mong manh, như nhìn nhận của Matxcơva. Hy Lạp là một đường đứt gãy mà Điện Kremlin sẽ khai thác.

Đối với ông James Nixey, chuyên gia về Nga tại trung tâm tư vấn Chatham House, ở Matxcơva, thì Nga không có chiến lược dài hạn đối với Hy Lạp mà hành động theo từng tình huống cụ thể. Về phần mình, chuyên gia khoa học chính trị Nga Serguei Karaganov lưu ý là Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sử dụng Matxcơva để hù dọa các chủ nợ châu Âu trong các cuộc đàm phán. Nhật báo tài chính Nga Vedomosti coi đây là một trò “dọa dẫm tống tiền”.

Về phần Trung Quốc, kết quả “Không” của người dân Hy Lạp càng làm tăng mối lo của Bắc Kinh với Athens. Trong chuyến công du châu Âu mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố không chỉ có châu Âu mà cả Trung Quốc cũng đang theo dõi sát tình tình Hy Lạp, nhưng không cho biết có ý định giúp đỡ Athens để trụ lại trong khu vực Eurozone hay không. Đối với Trung Quốc, Hy Lạp là một đối tác chiến lược để mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại châu Âu.

Hy Lạp là một lá chủ bài để Bắc Kinh thực hiện giấc mơ đã ấp ủ từ lâu: đó là tái lập con đường tơ lụa nối liền Trung Quốc với châu Âu. Đây sẽ là trực giao thương để đưa hàng của Trung Quốc sang Hy Lạp, chính xác hơn là từ bến cảng Thượng Hải đến Athens.

Trung Quốc đã đầu từ hơn 4 tỷ euro để khai thác hai khu vực tại hải cảng Piraeus. Khi lên cầm quyền, chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố đình chỉ chương trình tư hữu hóa cảng Piraeus. Báo chí Bắc Kinh mạnh mẽ chống đối quyết định trên và thậm chí coi đó là một sự bội ước của Hy Lạp.

Về phần mình Thủ tướng Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh: “Hy Lạp là cửa ngõ để Trung Quốc tiến vào châu Âu, là một đối tác chiến lược, do vậy Bắc Kinh mong muốn đóng một vai trò tích cực, tránh để Hy Lạp phải từ bỏ khu vực đồng euro”.

Nhật báo China Daily chạy tựa lớn: “Trung Quốc chống đối kịch bản Grexit do việc Hy Lạp phải từ bỏ đồng euro đe dọa trực tiếp đến các quyền lợi kinh tế của Trung Quốc. Năm 2014 tổng trao đổi mâu dịch hai chiều đạt 4,5 tỷ euro, tăng 24% so với một năm trước đó”.

Trí Lê (Theo PetroTimes)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề