Anh Quốc, dù đứng ngoài không gian tự do đi lại Châu Âu trực tiếp quy trách nhiệm cho khối Shengen không kiểm soát chặt chẽ biên giới nên đã để xảy ra cuộc khủng hoảng về nhập cư hiện nay. Hungary đang hoàn tất việc xây dựng một bức tường ngăn cách biên giới với Serbia để ngăn cản các làn sóng người tìm đường sang Anh, Đức hay Thụy Điển định cư.
Athens từ năm 2012 đã xây dựng lá chắn sát với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đề phòng các lớp người tỵ nạn Syria vượt biên sang Hy Lạp. Pháp, từ tháng 6/2015 đã đóng cửa đường biên giới với Ý do thành phố Ventimilia là cửa ngõ cho các thuyền nhân từ Địa Trung Hải tràn sang để tìm đường đến Paris, rồi thành phố Calais với điểm đến sau cùng là nước Anh. Hungary, Ý hay Hy Lạp là những cửa ngõ vào Châu Âu của người nhập cư. Napoli, Roma ở Ý, hay Paris, Calais của Pháp đau đầu với các trại nhập cư mọc lên một cách vô tổ chức.
Paris và Luân Đôn hợp tác chặt chẽ để trục xuất người nhập cư bất hợp pháp lao xuống đường hầm xuyên lòng biển Manche với hy vọng đến định cư được trên nước Anh.
Thế nhưng đầu tuần, Berlin tuyên bố ngưng trục xuất người nhập cư Syria về những quốc gia được coi là cửa ngõ khi họ đặt chân đến Châu Âu. Cùng lúc thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng kêu gọi Lục địa Già nhanh chóng tìm lấy một ngõ thoát trước vấn đề nhập cư, tránh để« không gian Shengen bị sụp đổ ». Đó là điều mà 22 trong số 28 nước trong Liên Hiệp Châu Âu và 4 quốc gia ngoài Liên hiệp như Thụy Sĩ, Anh, Na Uy, Iceland, và Liechtenstein cùng muốn tránh để xảy tới.
Nhìn từ Berlin, quyền tự do đi lại trong khu vực Shengen là một trong những nguyên tắc cơ bản của ý tưởng xây dựng Liên Hiệp Châu Âu. Ngoại trưởng Ý, Paolo Gentiloni cũng nhấn mạnh: « quyền tự do đi lại, một trong những nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu, đang bị đe dọa ». Roma kêu gọi các thành viên khối Shengen tiếp tay với các quốc gia có biên giới với khu vực ngoài không gian Shengen.
Năm 1985, 5 nước trong khối Châu Âu là Pháp, Đức Bỉ, Hà Lan và Luxembourg đã họp tại Shengen và cho ra đời « không gian tự do đi lại » mang tên thị trấn nhỏ bé này của Luxembourg. Mục tiêu đề ra nhằm xóa bỏ biên giới giữa 26 nước thành viên để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế. Trên nguyên tắc đó, các quốc gia thành viên có đường biên giới với khu vực ngoài không gian Shengen được tăng cường phương tiện kiểm soát biên phòng.
Tới nay, thỏa thuận Dublin quy định, khi người nhập cư ngoài khối Shengen đặt chân lên một quốc gia nào trong khối tự do đi lại Châu Âu, thì quốc gia đó phải chịu trách nhiệm. Có điều, các nước ở sát biên giới đó không còn làm chủ tình hình khi mỗi ngày có hàng ngàn người nhập cư đổ vào Hungary, Ý hay Áo với hy vọng được định cư ở một quốc gia thứ ba.
Trước tình huống đó, từ tháng 5/2015 Liên Hiệp Châu Âu đã đề nghị một chính sách đón nhận người tỵ nạn chung kho khối Shengen dựa trên nguyên tắc bắt buộc. Mỗi thành viên phải đón nhận một số người nhập cư nhất định, căn cứ vào nhiều tiêu chuẩn – như là dân số, hay tình trạng kinh tế … Sáng kiến của Bruxelles đã bị nhiều thành viên trong gia đình Châu Âu phản đối mạnh mẽ, đứng đầu là Pháp, Tây Ban Nha và nhất là các nước Đông Âu. Đề nghị của Ủy ban châu Âu đã bị tạm gác qua một bên.
Nhưng trước tình trạng cấp bách trong những ngày vừa qua, và nhất là trong bối cảnh công luận quốc tế đang bị chấn động vì hình ảnh xác một đứa bé 3 tuổi người Syria trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, quyền tự do đi lại trong khu vực Châu Âu đang thực sự bị đe dọa: ngày càng có nhiều tiếng nói đòi rút lui khỏi không gian Shengen, tăng cường trở lại các biện pháp kiểm soát ở biên giới để giới hạn các làn sóng di dân.
Theo phân tích của chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Carnegie Europe Marc Pierini, nhìn từ góc độ chính trị, rút lui khỏi không gian Shengen là một giải pháp dễ thực hiện, nhưng không cho phép Châu Âu giải quyết vấn đề người nhập cư tận gốc rễ. Đồng thời điều nguy hiểm là chính sách nhập cư của mỗi một quốc gia sẽ chịu sức ép của các đảng phái chính trị có tinh thần bài ngoài. Trong khi đó thì như chính chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Jean- Claude Juncker đã nhấn mạnh trong bài tham luận được đăng trên báo Irish Times, ngày 02/09/201 « Shengen là một trong những thành công rõ rệt nhất của Liên Hiệp Châu Âu ». Mathieu Tadis, chuyên gia về vấn đề người nhập cư thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, IRIS cho rằng, đã đến lúc các nhà chính trị Châu Âu cầu chứng minh rằng, quyền tự do đi lại là một tiến trình không thể đảo ngược.
Nguồn RFI tiếng Việt
Trả lời