Bên cạnh những tàn phá do chiến tranh, Ukraine đang phải vật lộn với một cuộc chiến “phi quân sự” – đó là cơ cấu lại các khoản nợ.
Hiện Ukraine đang tiến hành thảo luận về tái cấu trúc nợ công và các khoản nợ được nhà nước bảo lãnh nhằm bù đắp khoản thiếu hụt 15 tỷ USD trong ngân sách.
“Cuộc chiến” với các chủ nợ của nước này có nguy cơ phá hỏng kế hoạch giải cứu đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dày công xây dựng.
Ngày 19/5, Chính phủ Ukraine thông báo đã đề nghị quốc hội nước này ủng hộ dự luật cho phép áp dụng lệnh hoãn trả nợ đối với việc thanh toán các khoản nợ nước ngoài nhằm đối phó với những chủ nợ “vô đạo đức” nếu cần thiết.
Tuyên bố của Chính phủ Ukraine nêu rõ: “Trong trường hợp các chủ nợ vô nguyên tắc gây sức ép với Ukraine, lệnh hoãn nợ này sẽ giúp bảo vệ các tài sản nhà nước và khu vực nhà nước.”
Trong số chủ nợ lớn nhất của Ukraine có năm công ty đầu tư của Mỹ, đứng đầu là công ty Franklin Templeton có trụ sở tại California với khoản nợ lên tới 23 tỷ USD. Tiếp đến là khoản nợ trái phiếu trị giá 3 tỷ USD với Nga, sắp đến hạn thanh toán vào tháng 12/2015.
Chiến tranh đã tàn phá nền kinh tế Ukraine, nhưng theo Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalie Jaresko, dường như các chủ nợ có vẻ không hiểu được điều này.
Ngân hàng Quốc gia Ukraine dự báo rằng tổng số nợ của nước này tương đương 93% GDP trong năm nay. Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa chính quyền Ukraine với các chủ nợ quốc tế rất khó khăn, phức tạp và hiện vẫn còn một khoảng cách lớn giữa hai bên.
Ukraine không có sự lựa chọn khác ngoài việc tiến hành cải cách triệt để. Đến năm 2019, Ukraine cần phải thanh toán nợ nước ngoài với số tiền là 15 tỷ USD, đây là một trong những điều kiện để Ukraine tiếp tục nhận được hỗ trợ tài chính tiếp theo của IMF.
Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine kéo dài hơn một năm qua đã đẩy nền kinh tế nước này vào tình trạng suy sụp.
Trong quý 1/2015, nền kinh tế Ukraine sụt giảm tới 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Để ngăn chặn nguy cơ phá sản, chính quyền Kiev đã khởi động đàm phán với các chủ nợ trong khuôn khổ gói cứu trợ tài chính trị giá 40 tỷ USD kéo dài bốn năm.
Cho đến nay, IMF đã thông qua khoản cứu trợ 17,5 tỷ USD cho Ukraine. Để đổi lấy gói cứu trợ này, Kiev phải thực hiện những cải cách kinh tế, ngân sách và tiền tệ.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo kế hoạch cứu trợ này sẽ bị phá hỏng nếu để xảy ra rắc rối chính trị ở Ukraine, vi phạm lệnh ngừng bắn ký giữa chính quyền Kiev và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông, hay thất bại trong việc dàn xếp lại nợ với các chủ nợ tư nhân.
Lê Hiếu (Vietnam+)
- Jacob Rothschild cảnh báo nước Nga và Ukraina về “những khó khăn nghiêm trọng»
- Giá dầu lao dốc có thể khiến Nga đi vào vết xe đổ của Liên Xô?
- Vụ lộn xộn tiền tệ ở Trung Quốc là... tin vui?
- Úc có thể trở thành một Hy Lạp mới?
- Hy Lạp thoát hiểm nhưng đối mặt với nhiều khó khăn
- Người khổng lồ Gazprom lí bí, đã từ lâu không trả nợ Turkmeni
Trả lời