Vụ lộn xộn tiền tệ ở Trung Quốc là… tin vui?

Quả là một công việc khó khăn khi phải thuyết phục các nhà sản xuất nước ngoài đặt chi nhánh tại Mexico, nơi đầy sự hỗn loạn và mất ổn định. Vậy thì hãy hỏi David McQueen, giám đốc tư vấn của OffShore Group, người đã dành toàn bộ tâm huyết vào công việc đó. Ông nói rằng: “Mọi người cần được thuyết phục để nhìn nhận lại về Mexico”.

Nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra, chỉ vài năm trước, hàng tá các công ty bỗng lũ lượt di chuyển về phía Nam bờ biển, khiến OffShore Group phải tăng thêm một phần ba số nhân công lên thành 17000 người. Điện thoại của công ty này thì không ngừng đổ chuông nhận các cuộc gọi đến.

Và ai đã mang đến cho họ cơ hội này? Đó là một đất nước ở phía bên kia đại dương: Trung Quốc.

Chào mừng đến với những âm hưởng mới nhất của nền kinh tế toàn cầu sau cuộc Đại Suy thoái, nơi mà nỗi buồn của quốc gia này sẽ là niềm vui của quốc gia khác. Chỉ mới một tháng trước thôi, hầu hết tất cả mọi người đều cho rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc là không có điểm dừng. Nhưng ngay sau đó, thị trường chứng khoán của nước này đã sụt giảm liên tục, gây nên sự hỗn loạn trong giới đầu tư và thổi bay ba nghìn tỷ đô tài sản quốc gia trước khi chính phủ kịp “nhấn phanh”.

Tấm màn che lấp tai họa kinh tế tiềm tàng này – nguyên nhân mọi chuyện không phải chỉ do Trung Quốc – bắt nguồn từ chính những nước như Mexico, Ấn Độ và các nước sẵn sàng đi theo mô hình kinh tế Trung Quốc, một mô hình với nhân công rẻ và môi trường kinh doanh cởi mở.

Thực vậy, việc “luân chuyển” này đã diễn ra từ lâu. Hal Sirkin, đối tác lâu năm của Tập đoàn Tư vấn Boston nhận xét: “Rất nhiều hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc như nước rửa bát, đồ gia dụng, TV, ô tô, đều đã được chuyển đến Mexico”. Trên thực tế, hầu hết tất cả các doanh nghiệp sản xuất ô tô mà chúng ta biết – từ General Motors và Ford đến những thương hiệu xa xỉ của Đức như Audi và BMW – đều đang mở rộng kinh doanh và xây dựng xưởng sản xuất tại Mexico. Ô tô và xe tải nhỏ đang nối đuôi nhau “rời khỏi” Mexico. Theo Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Mexico, chỉ trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 5, lượng xuất khẩu ô tô của đất nước này đã tăng 12% lên con số kỷ lục 1,16 triệu chiếc.

Giờ đây, chi phí sản xuất ngay cả ở Mỹ cũng gần như ngang bằng với Trung Quốc.

Sự gần gũi của Mexico với thị trường Mỹ là một thuận lợi lớn, cũng như hiệp định thương mại tự do đã giúp đất nước này xuất khẩu ô tô sang Châu Âu mà không phải chịu bất cứ loại thuế nào. Nhưng có một nhân tố lớn khác thường không được coi trọng, đó là sự dịch chuyển của chi phí lao động.

Một thập kỷ trước, chi phí nhân công tại Mexico cao gấp đôi so với Trung Quốc. Nhưng cùng với sự tăng trưởng của đất nước, tiền lương tại Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong suốt những năm qua, và giờ đây chi phí nhân công ở Mexico thấp hơn Trung Quốc ít nhất là 20%. Sirkin còn nhận thấy rằng ngay cả chi phí sản xuất tại Mỹ giờ đây cũng ngang bằng với Trung Quốc. Ông nhận định, mặc dù chi phí cho một lao động tại Mỹ cao gấp 3 lần tại Trung Quốc, nhưng bù lại, Mỹ có chi phí vận chuyển và năng lượng rẻ hơn rất nhiều.

Chi phí lao động tăng cao chỉ là một yếu tố nhỏ trong sự thay đổi ở Trung Quốc, một đất nước với mức tăng trưởng 2 con số từ một thập kỷ trước đến năm nay có nguy cơ chỉ còn dưới 7%.

Theo một cách hiểu khác, đất nước này đang phải chịu đựng những dư chấn từ cuộc chiến đầu tư sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Theo số liệu từ McKinsey & Company, những khoản tiền đó đã giúp Trung Quốc, và có thể là cả thế giới sống sót, nhưng đổi lại là sự tăng lên gấp 4 lần tổng số nợ của đất nước này. Một lượng lớn tiền đã được sử dụng để xây lên những thành phố ma với những căn hộ bỏ hoang.

Michael Pettis, một nhà kinh tế học tại Bắc Kinh nhận định: “Không một đất nước lớn nào từng bị “biến dạng” nhiều đến vậy”. Sự suy thoái không thể tránh khỏi đã lan qua cả các lĩnh vực như xây dựng, thép và vật liệu xây dựng, khiến cho giá nhiên liệu thô, bao gồm cả dầu mỏ, sụt giảm nghiêm trọng do nhu cầu đối với các sản phẩm xây dựng không còn được như trước nữa. Geoffrey Barker, quản lý của Quỹ Counterpoint Asian Macro Fund ở Hồng Kông nhận xét: “Nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng dễ bị tổn thương”.

Tất cả những điều trên lại thành ra có lợi cho người tiêu dùng ở Châu Âu, Mỹ, Mexico và kể cả Colombia, những nước mà Sirkin đã đề cập là những kẻ chiến thắng trong ván bài của nền kinh tế toàn cầu.

Ngay cả Ấn Độ cũng ngày càng xuất ít hàng hóa sang Trung Quốc, nhưng nền kinh tế của Ấn Độ thì đang có những bước tiến triển nhanh chóng nhờ vào cuộc cải cách kinh tế theo định hướng thị trường của thủ tướng Narendra Modi. Ngân hàng thế giới dự báo rằng Ấn Độ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng ở mức 8% vào năm 2017, cao hơn cả tốc độ dự tính của Trung Quốc.

Ấn Độ cũng có thể đi theo con đường chi phí sản xuất giá rẻ của Trung Quốc, dĩ nhiên là với giả định đất nước này có thể giải quyết được các vấn đề về hạ tầng điện lực và vận tải nghèo nàn, những vấn đề chính trong chương trình nghị sự của Modi.

Các nước Châu Á lân cận như Philippines, Việt Nam, và Đài Loan lại dường như không phải chịu những ảnh hưởng trực tiếp từ sự suy thoái của Trung Quốc. Những mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc của các nước này chủ yếu là linh kiện điện tử, để rồi những linh kiện này sẽ được xuất khẩu ngược lại dưới hình thức là máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử khác. Vì vậy những nước trên không bị phụ thuộc vào sự thay đổi của người tiêu dùng Trung Quốc.

Còn với thế giới, dường như việc suy thoái này lại có một ý nghĩa thực tiễn. Ý nghĩa ở chỗ: Greenpeace đã có báo cáo về việc tiêu thụ than ở Trung Quốc đã giảm 8% trong 4 tháng đầu năm, giúp giảm thiểu 5% lượng khí thải cacbon, gần tương đương với lượng CO2 thải ra ở Anh trong cùng khoảng thời gian đó.

Đó là lý do để ăn mừng, mặc dù “tai họa” ở Trung Quốc không phải là tốt cho tất cả các nước.

Hai nhà kinh tế học Tao Wang và Donna Kwok của công ty dịch vụ tài chính Thụy Sĩ (UBS) đã cảnh báo rằng kim ngạch xuất khẩu của Châu Âu và Nhật Bản sẽ giảm mạnh trong năm nay, cũng giống như tình trạng xuất khẩu của Mỹ và Hàn Quốc vào năm ngoái. Tuy nhiên, tất cả sự suy giảm này có thể sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn nếu Trung Quốc cải tổ nền kinh tế thành công.

Thực vậy, Pettis lý luận rằng việc Trung Quốc có hay không trở thành động cơ cho sự tăng trưởng của thế giới phụ huộc một phần vào thói quen tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Nếu người tiêu dùng chịu mở hầu bao và dừng việc tiết kiệm quá mức, khoảng 30% thu nhập hộ gia đình so với 5% ở Mỹ, thì số tiền đó sẽ là nhiên liệu thúc đẩy sản xuất toàn cầu, và mọi người sẽ đều có cơ hội để trở nên giàu có hơn.

Vũ Văn (Theo Cafebiz)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề