Giá dầu lao dốc có thể khiến Nga đi vào vết xe đổ của Liên Xô?

Đồng tiền và nền kinh tế Nga đang rơi tự do vì giá dầu tụt giảm. Hồi tháng 7, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán nền kinh tế Nga có thể sụt giảm GDP tới 3,4% trong năm nay – mức sụt giảm lớn nhất trong các nền kinh tế mới nổi.

Tình hình hiện đang có xu hướng xấu hơn. Anders Aslund, một chuyên gia Nga tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington nghĩ khả năng kinh tế Nga có thể sụt giảm tới 6%. Con số này bằng với mức dự báo của Ngân hàng Trung ương Nga trong tình huống giá dầu rơi xuống mức 40 USD mỗi thùng, tức gần bằng mức hiện nay.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga đã đạt mức đều đặn 7% trong giai đoạn từ 1999 tới 2008, chủ yếu nhờ giá dầu và khí đốt cao. Trong khi đó lực lượng lao động tại quốc gia này ngày càng giảm, các ngành công nghiệp không có tính cạnh tranh, bên cạnh một số yếu tố khác về quản lý nhà nước.

IMF hiện đặt mức dự báo tăng trưởng dài hạn của Nga là 1,5%. Nhưng Aslund cho rằng con số thực chỉ khoảng 1%. Việc Nga có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp ảnh hưởng xấu tới nước này. Dầu khí trước đây cho phép Tổng thống Nga Vladimir Putin củng cố sức mạnh nước Nga trên thế giới. Việc mất đi chỗ dựa kinh tế sẽ có thể làm rối loạn trật tự địa chính trị thế giới, dù hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy việc này đang diễn ra.

Nước Nga của ông Putin đang gặp khủng hoảng kinh tế vì giá dầu giảm. (Ảnh: IB Times)

Nước Nga của ông Putin đang gặp khủng hoảng kinh tế vì giá dầu giảm. (Ảnh: IB Times)

Một số chuyên gia cho thấy có những dấu hiệu đang diễn ra ở Nga giống với các sự kiện từng làm Liên Xô sụp đổ. Cho tới những năm 1970, dầu và khí đốt không có vị trí thống trị trong nền kinh tế Liên Xô. Thay vào đó là những thứ thuộc về một quốc gia có nền công nghiệp và kỹ thuật mạnh, như nhận xét của Thane Gustafson trong cuốn Wheel of Fortune: the Battle for Oil and Power in Russia (Vòng xoay may mắn: Cuộc chiến vì dầu khí và quyền lực ở Nga).

Nhưng thời kỳ phát triển mạnh của Liên Xô không kéo dài. Hoạt động công – nông nghiệp trì trệ không thể duy trì mức sống cho một lượng dân đô thị đang ngày càng tăng lên. Ngành công nghiệp quốc phòng tạo nhiều gánh nặng và hoạt động sản xuất không cạnh tranh đã khiến sự sụp đổ của Liên Xô là không thể tránh khỏi, như nhận xét của Yegor Gaidar, kiến trúc sư của hoạt động chuyển đổi kinh tế Nga dưới thời Boris Yeltsin.

Hoạt động tăng giá dầu trong những năm 1970 đã giúp Liên Xô tránh khỏi sụp đổ, nhưng lại biến đất nước này thành quốc gia phụ thuộc vào dầu khí. Hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt giúp Nga có tiền để mua lương thực nhập khẩu từ phương Tây.

Ông Gaida, người qua đời hồi năm 2009, nói sự sụp đổ của Liên Xô bắt đầu sau khi Saudi Arabia đưa ra quyết định ngừng hỗ trợ giá dầu vào năm 1985. Sau đó, Saudi tăng cường hoạt động sản xuất dầu. Tình trạng sụt giảm giá dầu đã khiến Liên Xô không còn nguồn tiền từ xuất khẩu.
kinh tế Nga sụp đổ như Liên Xô

Liên Xô từng sụp đổ vì phụ thuộc vào dầu mỏ. (Ảnh: Valdaiclub)

Liên Xô từng sụp đổ vì phụ thuộc vào dầu mỏ. (Ảnh: Valdaiclub)

Buộc phải vay tiền từ phương Tây để chi trả cho hoạt động nhập khẩu lương thực, Liên Xô dần mất đi các đòn bẩy chiến lược, đầu tiên là trên khu vực Đông Âu và sau đó là các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết. Với việc tình trạng lạm phát phi mã và nạn đói có nguy cơ hình thành vào năm 1991, Liên Xô đã sụp đổ.

Tất nhiên, nước Nga ngày nay chẳng phải Liên Xô trước đây. Không giống Liên Xô, Nga hiện là một nền kinh tế thị trường, dù vẫn có sự hiện diện lớn của nhà nước. Chính sách kinh tế vĩ mô của Nga được đánh giá khá tốt. Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Nga đã từ bỏ chính sách khống chế tỷ giá, khiến cho hoạt động lạm phát tăng lên và tiêu chuẩn sống của người dân bị bóp lại. Tuy nhiên Nga cũng giảm bớt hoạt động nhập khẩu.

Hoạt động cấm vận của phương Tây áp lên Nga, sau cuộc sáp nhập bán đảo Crimea và cáo buộc Kremlin can thiệp vào tình hình Ukraina, đã khiến Nga không thể vay mượn nước ngoài. Điều này giúp giữ nguyên cán cân thanh toán và dự trữ ngoại tệ của Nga, qua đó ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế như đã xảy ra ở Liên Xô vào năm 1991 và Nga trong năm 1998.

Tuy nhiên điểm chung lớn nhất giữa Nga và Liên Xô là việc dựa quá nhiều vào giá dầu khí. Nga đã vướng phải “căn bệnh Hà Lan”, tức xu hướng thu lợi dễ dàng từ khai thác nguồn khoáng sản tự nhiên sẽ khiến các ngành công nghiệp kém hiệu quả, bóp chặt hoạt động sản xuất.
kinh tế Nga sụp đổ như Liên Xô

Nga đã chi rất nhiều tiền để tổ chức Olympic Sochi. (Ảnh: Bloomberg)

Nga đã chi rất nhiều tiền để tổ chức Olympic Sochi. (Ảnh: Bloomberg)

Nguồn tiền từ khai thác khoáng sản tự nhiên, với doanh thu tới từ việc bán dầu khí, than, khoáng sản và các sản phẩm lâm nghiệp, hiện chiếm 18% GDP của Nga – mức cao nhất trong nhóm các thị trường mới nổi và vượt hơn hẳn so với các nước giàu nhờ xuất khẩu dầu như Canada và Na Uy. Nga đã dùng tiền thu từ khoáng sản để hiện đại hóa quân đội, mở rộng phúc lợi nhà nước và đầu tư vào các dự án lớn như Olympic Sochi.

Trong khi đó, việc doanh nghiệp nhà nước mở rộng quy mô đã đảo ngược những gì nhóm doanh nghiệp tư nhân làm được ở Nga. Ông Aslund dẫn ví dụ minh họa là vụ công ty dầu khí nhà nước Rosneft mua lại đối thủ cạnh tranh, công ty tư nhân TNK-BP, với giá 55 tỷ USD hồi năm 2013.

Ngày hôm nay, giá trị Rosneft còn nhỏ hơn cả TNK-BP trước kia. Hoạt động cấm vận của phương Tây sẽ tiếp tục gây khó khăn cho Nga và trong bối cảnh nhiều nước Tây Âu tìm nguồn dầu khí tin cậy hơn ngoài Nga, nguồn thu từ xuất khẩu sẽ còn bị bóp nghẹt nữa.

Được biết cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, người nay là Thủ tướng, từng tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế Nga, tránh lệ thuộc vào dầu khí. Nhưng như các chuyên gia Clifford Gaddy và Barry Ickes viết trong một cuốn sách sắp ra mắt, ngay cả các nỗ lực đa dạng hóa ấy cũng dựa trên nguồn tiền hỗ trợ do dầu khí tạo ra.

Hương Giang (Theo Wall Street Journal, VN Tin Nhanh)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề