Voa – Trong bài diễn văn đọc trước quốc hội vào ngày mai, Tổng thống Hàn Quốc Park Guen Hye sẽ bênh vực cho phản ứng mạnh mẽ của bà đối với vụ thử nghiệm hạt nhân và vụ phóng hoả tiễn mới đây của Bắc Triều Tiên. Từ Seoul, thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Sau những hành động mới đây của Bắc Triều Tiên, bà Park Guen Hye hầu như đã hoàn toàn từ bỏ hy vọng thương thuyết với chính phủ của ông Kim Jong Un và đã cùng với hai nước đồng minh Hoa Kỳ và Nhật Bản tăng cường những nỗ lực để buộc Bắc Triều Tiên nhượng bộ.
Ông Bong Young Shik, một nhà phân tích an ninh của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, cho biết như sau.
“Rõ ràng là bản nhạc đã chấm dứt đối với chính phủ của Tổng thống Park Guen Hye và họ đã cho thấy rõ ý định là họ không còn muốn khiêu vũ với giới hữu trách Bắc Triều Tiên nữa.”
Chính phủ Hàn Quốc hôm qua đã bênh vực cho quyết định đóng cửa khu công nghiệp chung ở Bắc Triều Tiên hồi tuần trước. Họ nói rằng 70% thu nhập mà Bình Nhưỡng có được từ khu Kaesong được dùng để tài trợ cho chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Liên Hiệp Quốc đã cấm Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và kỹ thuật phi đạn đạn đạo và đã áp đặt 4 vòng chế tài đối với Bình Nhưỡng kể từ năm 2006.
Sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba vào năm 2013, Liên Hiệp Quốc đã ra lệnh cấm chuyển giao những khoản tiền lớn có thể được dùng cho những hoạt động bất hợp pháp của Bắc Triều Tiên.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình KBS của Hàn Quốc hôm chủ nhật, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hong Yong Pyo nói rằng tiền lương của 54.000 công nhân Bắc Triều Tiên và những chi phí liên quan tới việc điều hành khu Kaesong đã được chuyển trực tiếp bằng đô la Mỹ cho một cơ quan của chính phủ Bắc Triều Tiên có tên là Phòng 39.
Ông Hong nói rằng văn phòng do Đảng Lao động Triều Tiên điều hành này quản lý tất cả các vụ chuyển ngân ngoại tệ. Và trong trường hợp của khu công nghiệp Kaesong, văn phòng này chuyển khoảng 70% trong số chừng 120 triệu đô la kiếm được mỗi năm cho quân đội và các chương trình bị cấm khác.
Qua việc đóng cửa khu Kaesong, chính phủ của bà Park Guen Hye đã chấm dứt dự án hợp tác Liên Triều cuối cùng, vốn được khởi động cách nay hơn một thập niên để xây dựng niềm tin và giảm thiểu căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.
Các chương trình viện trợ khác của Hàn Quốc đã bị ngưng chỉ và các biện pháp chế tài được áp đặt đối với Bắc Triều Tiên vào năm 2010, sau khi Seoul tố cáo Bình Nhưỡng đánh chìm một chiến hạm của miền Nam, giết chết 46 binh sĩ hải quân.
Thôi dựa vào Trung Quốc
Seoul đã xích lại gần hơn với Washington qua việc xúc tiến cuộc thương lượng chính thức để bố trí hệ thống phòng thủ phi đạn tối tân thường được gọi tắt là THAAD.
Trong năm vừa qua có nhiều tin tức cho rằng Seoul đang âm thầm xem tới việc bố trí THAAD, nhưng Tổng thống Park Guen Hye chưa tán thành ý kiến này vì muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc.
Hai nhà lãnh đạo này đã ra sức tăng cường các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao trong vài năm qua. Trung Quốc giờ đây là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại giữa hai lân bang Á châu này đã vượt mức 200 tỉ đô la và nhiều hơn gấp đôi kim ngạch thương mại giữa Mỹ với Hàn Quốc.
Tổng thống Park cũng đến thăm Trung Quốc nhiều lần. Lần mới nhất là để dự những lễ hội mừng kỷ niệm 70 năm Thế chiến Thứ hai chấm dứt. Lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên chưa hề gặp gỡ nhà lãnh đạo của Trung Quốc.
Trung Quốc và Nga phản đối kế hoạch bố trí hệ thống THAAD ở Hàn Quốc vì điều đó có thể khích động thêm cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và vì ra đa có tầm hoạt động hơn 1.000 kilo mét của hệ thống này có thể được dùng để giám sát các cơ sở quân sự ở Nga và Trung Quốc.
Bắc Kinh kêu gọi các bên liên quan tới tình hình căng thẳng bán đảo Triều Tiên tự kiềm chế.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những hành vi gây hấn mới đây của Bắc Triều Tiên giúp cho nhà lãnh đạo của Hàn Quốc có lý do chính đáng để tăng cường những biện pháp quân sự.
Ông John Delury, một chuyên gia an ninh Đông Bắc Á của Đại học Yonsei ở Seoul, cho biết như sau.
“Đây chính là lúc mà Mỹ và Hàn Quốc có thể lợi dụng mối đe dọa của Bắc Triều Tiên để nói rằng chúng ta cứ đưa vấn đề này ra trước công chúng và xúc tiến kế hoạch của mình.”
Thay đổi chế độ
Chính phủ Hàn Quốc nói rằng 70% thu nhập mà Bình Nhưỡng có được từ khu Kaesong được dùng để tài trợ cho chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Tại quốc hội ở Seoul, một số nhà lập pháp thuộc đảng Saenuri của bà Park kêu gọi thực hiện những hành động cứng rắn hơn nữa.
Hôm nay, ông Won Yoo Cheol, lãnh tụ đảng Saenuri ở quốc hội, cho rằng Hàn Quốc nên có khả năng răn đe hạt nhân và nên bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ. Hoa Kỳ đã rút vũ khí hạt nhân chiến thuật ra khỏi Hàn Quốc vào năm 1991.
Bà Na Kyung Won, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện, hôm nay nói rằng đã tới lúc Seoul nên xem xét tới việc thay đổi chế độ ở Bắc Triều Tiên.
Chính phủ của Tổng thống Park Guen Hye cho rằng những biện pháp đó là cực đoan, nhưng nhà phân tích Bong Young Shik của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan muốn bà Park nói rõ trong bài diễn văn ngày mai là mục tiêu của việc gia tăng chế tài có phải là để làm cho chính phủ Kim Jong Un sụp đổ hay không và cái giá phải trả là gì.
“Tôi hy vọng là bài diễn văn của bà ấy sẽ bao gồm một sự giải thích rất cụ thể và có tính thuyết phục đối với câu hỏi là tại sao lại cần phải áp dụng những biện pháp hoàn toàn có tính chất cưỡng ép như vậy và tại sao chúng ta nên tin là chiến lược này rốt cuộc sẽ thành công, mặc dù chiến lược này có nhiều khía cạnh đáng lo ngại.”
Có tin cho hay Bắc Kinh không tán thành ý kiến của Washington là Liên Hiệp Quốc nên áp dụng những biện pháp chế tài mạnh mẽ hơn. Trung Quốc nói rằng làm như vậy có thể gây bất ổn trong khu vực.
Các nhà phân tích cho rằng nếu Trung Quốc không tán thành việc cắt đứt quan hệ thương mại và ngưng viện trợ cho đồng minh Bắc Triều Tiên của họ, các biện pháp chế tài quốc tế sẽ có tác dụng rất ít.
Trả lời