GS Văn Như Cương: Bỏ thi học sinh giỏi là việc nên làm

Theo cá nhân tôi, những quy định đổi mới cho bậc tiểu học hiện nay có mặt được, mặt chưa được. Chẳng hạn, như quy định bỏ chấm điểm ở cấp tiểu học và thay vào đó là những lời nhận xét của giáo viên có lẽ là quyết định hơi vội vàng.

Bộ GD&ĐT lập luận rằng, sở dĩ bỏ chấm điểm là bởi tránh gây tâm lý ức chế với học sinh, vì nếu chấm điểm học sinh sẽ ganh đua nhau. Nếu vì lý do này mà phải bỏ chấm điểm thì thật vô lý. Bởi bên cạnh mặt “tiêu cực” của chấm điểm là những ưu điểm vượt trội, đó là lý do hầu hết các nước đều áp dụng phương pháp cho điểm học sinh.

Ganh đua một cách lành mạnh trong học sinh cũng là một yếu tố tâm lý hết sức cần thiết. Chúng ta thấy ngay trong các cuộc chơi cũng cần phân thắng bại. Phải có yếu tố kích thích mới có thể rèn luyện cho học sinh hăng hái hơn, mưu mẹo hơn. Tất cả mọi cuộc thi về mặt trí tuệ, thể lực cũng thế bao giờ cũng có phân loại, kích thích, điều này là rất cần thiết với tâm lý trẻ em. Vậy thì, tại sao lại chỉ chú ý tới mặt tiêu cực của chấm điểm mà không chú ý đến mặt tích cực này?

Việc cho điểm thực chất là phân loại học sinh, phân loại thô hay mịn. Ở nước ta cho điểm 10, nhưng ở Nga chỉ cho điểm 5 và ở một số nước khác như Trung Quốc cho thang điểm tới 100 để phân rõ trình độ của từng học sinh. Nếu để phân loại học sinh áp dụng theo Thông tư mới là không cho điểm thì học sinh sẽ được phân loại chỉ có đạt và không đạt. Như vậy, cô nói em đạt hoặc không đạt, phê phán chi tiết thế nào ở cô liệu có khách quan?

Việc không chấm điểm cứ nói là tránh gây áp lực, tránh học thêm nhưng lập luận như vậy là thiếu cơ sở. Tôi đã hỏi ý kiến một số phụ huynh họ trả lời rằng, bỏ chấm điểm không làm tình trạng học thêm, dạy thêm bớt đi, thậm chí còn tăng bởi cùng giải pháp không chấm điểm học sinh lại không được ra bài tập về nhà thì phụ huynh làm sao biết trình độ con mình đang ở đâu? Như vậy tốt nhất cứ cho con học thêm.

Đối với quyết định bỏ các kỳ thi học sinh giỏi tôi cho rằng, quyết định như vậy cũng là tốt. Vì thực chất thi học sinh giỏi một cách tự nhiên là tốt nhưng giờ phát sinh ra tiêu cực, sinh ra học thêm, lập đội tuyển, bồi dưỡng… Tạm thời ngừng thi học sinh giỏi để nói không với bệnh thành tích là điều cần làm và nên làm lúc này.

Theo Đại Đoàn Kết.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề