Đối lập Syria ra nguyên tắc hòa đàm

Các chính trị gia đối lập và phiến quân Syria vừa có cuộc gặp để thống nhất các nguyên tắc tắc về đàm phán hòa bình với chính phủ.

Tuyên bố sau cuộc gặp được Reuters dẫn lời kêu gọi một “chế độ đa nguyên mới bao gồm mọi phe nhóm” ở Syria.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh Tổng thống Bashar al-Assad và phe cánh của ông sẽ không được đóng vai trò gì trong bất cứ giai đoạn chuyển giao nào.

Hiện chưa rõ liệu nhóm phiến quân hùng mạnh Ahrar al-Sham có ký vào tuyên bố chung này hay không.

Trước đó nhóm này phản đối việc một số nhân vật bị cho là thân chính phủ đã được giao những vị trí quan trọng, và rút khỏi cuộc gặp.

Tuy nhiên hãng tin Reuters nói cuối cùng họ cũng đã ký vào tuyên bố sau cuộc gặp kéo dài hai ngày.

Các nước lớn muốn đàm phán hòa bình giữa phe đối lập và chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad nhằm tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài bốn năm rưỡi qua bắt đầu ngày 1/1 tới.

Tổng thống Assad Bashar al-Assad nói không thể có đàm phán hòa bình khi Syria đang bị xâm chiếm bởi ‘khủng bố’

Trước đó, các nhóm đối lập muốn ông Assad phải từ chức trước khi có bất cứ cuộc đàm phán nào. Nhưng tuyên bố mới nói ông có thể ở lại cho đến khi một chính phủ chuyển giao được thành lập.

Ông Ibrahim Hamidi, chủ bút Syria của báo al-Hayat do Ả rập Saudi sở hữu, nói với BBC rằng điều này cho thấy “thay đổi lớn” trong phe đối lập.

Hơn 250.000 người đã thiệt mạng kể từ sau khi cuộc nổi dậy chống tổng thống Assad bắt đầu vào tháng Ba năm 2011. 11 triệu người khác buộc phải ly tán.

Hội nghị hai ngày diễn ra ở thủ đô của Saudi tập hợp đại biểu từ nhóm chính trị đối lập thân phương Tây, Liên Minh Quốc Gia; và Ủy ban điều phối quốc gia, vốn được chính quyền Damacus dung túng cho dù một số thành viên bị sách nhiễu và tạm giam.

Hầu hết các nhóm phiến quân, bao gồm cả nhóm Ahrar al-Sham, đều đã gửi đại biểu đến tham dự.

‘Cơ chế dân chủ cho mọi nhóm dân Syria’

Reuters trích đoạn tuyên bố chung nói các đại biểu đã ủng hộ “cơ chế dân chủ thông qua chế độ đa nguyên đại diện cho mọi nhóm người dân Syria”. Tuyên bố nêu rõ cơ chế sẽ bao gồm cả phụ nữ và sẽ không phân biệt tôn giáo, giáo phái hay sắc tộc khác nhau.

Các đại biểu cam kết giữ lại các tổ chức hành chính quốc gia nhưng cải tổ lại an ninh và quân đội.

Nước Nga – đồng minh trung thành của ông Assad – vốn đã tiến hành một đợi không kích hồi tháng Chín nhằm ủng hộ chính phủ của ông này, ủng hộ thực hiện Tuyên bố chung Geneva 2012, kêu gọi thành lập một chính quyền chuyển giao.

Bản đồ khu vực Syria do các nhóm đối lập nắm giữ

Nhưng tổng thống Assad nói ông sẽ không rời khỏi chức vụ trước khi diễn ra bầu cử. Ông vừa cảnh báo đàm phán hòa bình không thể diễn ra trong khi đất nước đang bị xâm chiếm bởi “khủng bố” – cụm từ ông dùng để miêu tả tất cả phe đối lập.

Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Nhóm Quốc Tế Ủng Hộ Syria, bao gồm Liên Đoàn Ả Rập, Liên Hiệp Châu Âu, Liên Hiệp Quốc và 17 quốc gia khác đang “nỗ lực để có thể có một cuộc gặp tại New York” vào ngày 18/12.

Người Kurd ở Syria, nhóm đang chiếm giữ phần lớn miền Bắc Syria, không được mời đến hội nghị tại Riyadh.

Họ tự tổ chức hội thảo riêng vào cùng thời gian này để bàn về tương lai của Syria.

BBC tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề