Liên minh Đảng Dân chủ Tự do của ông Shinzo Abe đã giành được 326 ghế trong tổng số 475 ghế, và giành ưu thế đa số tuyệt đối trong Hạ viện.
Theo Reuters, chiến thắng vang dội của Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc bầu cử ngày 14/12 đã đủ để đảm bảo rằng, ông Abe có thể tiếp tục chính sách thắt chặt kinh tế để giảm phát đồng thời sớm đạt được mục tiêu thúc đẩy an ninh trong nước.
Tỷ lệ cử tri đi bầu thấp
Tuy nhiên, Đảng Dân chủ Tự do (LPD) cũng chỉ giành được 291 ghế, thấp hơn 4 ghế so với trước cuộc bầu cử lần trước.
Trả lời phòng vấn truyền hình ngày 14/12, ông Abe nhấn mạnh: “Tôi tin rằng người dân Nhật Bản đã ủng hộ chính sách Abenomic của chúng tôi trong 2 năm qua. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng chúng tôi được phép thỏa mãn”.
Nhiều người dân Nhật Bản nghi ngờ chính sách kinh tế Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản cũng như khả năng điều hành đất nước của phe đối lập đã quyết định không tham gia bầu cử.
Điều này đã khiến tỷ lệ cử tri đi bầu rớt xuống mức thấp kỷ lục là 53,3%, thấp hơn 6% so với cuộc bầu cử năm 2012, khi ông Abe bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 của mình, một điều hiếm khi xảy ra tại Nhật Bản.
Nhiều nhà phân tích đang chờ đợi xem liệu ông Abe có thể tiếp tục thành công với các cuộc cải cách mang tên “Mũi tên thứ 3” của mình nhằm vào nhiều lĩnh vực rất nhạy cảm trong chính giới Nhật Bản như việc bãi bỏ những quy định liên quan đến thị trường lao động cũng như việc cải cách lĩnh vực nông nghiệp vốn đang nhận được sự bảo hộ rất lớn từ Chính phủ.
Ngoài ra, các nhà phân tích nhận định rằng ông Abe nhiều khả năng vẫn sẽ giữ nguyên nội các của mình.
Những thách thức về kinh tế, chính trị
Trước đó, những kỳ vọng về Abenomics đã bị giáng một đòn mạnh khi Nhật Bản tiếp tục trượt sâu vào suy thoái trong quý 3 sau khi Chính phủ Nhật Bản tăng thuế bán hàng vào tháng 4/2014. Việc tăng lương cho người lao động cũng không theo kịp đà lạm phát và nhiều số liệu chỉ ra rằng việc tăng trưởng kinh tế cũng rất mong manh.
Trước đó, tháng 11, Thủ tướng Abe đã quyết định hoãn việc tăng thuế lên 10% cho đến tháng 4/2017. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại về việc Nhật Bản có thể trang trải số nợ công khổng lồ của mình như thế nào.
“Từ giờ cho đến khi tăng thuế, chúng ta cần phải hồi sinh nền kinh tế trong nước và tìm ra con đường tái thiết tài chính”, nghị sỹ Đảng LDP Shinjiro Koizumi nói.
Tòa nhà Quốc hội Nhật Bản trong ngày bầu cử Hạ viện (Ảnh Reuters)
Ngoài ra, với thắng lợi áp đảo của Liên minh cầm quyền, ông Abe cũng có thể tiến tới việc thay đổi Hiếp pháp vì hòa bình của Nhật Bản để có thể đương đầu với Trung Quốc.
“Việc thay đổi Hiến pháp là một nguyện vọng từ lâu của Đảng cầm quyền và khả năng giành được sự chấp thuận là rất cao”, ông Abe tuyên bố, “Chúng ta cần tiếp tục những nỗ lực để thúc đẩy sự hiểu biết của người dân Nhật Bản về điều này”.
Các nhà phân tích nhận định, chiến thắng của Đảng LDP cầm quyền lần này sẽ mở đường cho ông Abe tiếp tục trở thành Thủ tướng Nhật Bản sau cuộc bầu cử vào tháng 9/2015.
Tuy nhiên, điều này cũng khó đảm bảo ông Abe có thể nắm quyền đến hết nhiệm kỳ thứ 2 của mình năm 2018 và trở thành một trong số hiếm hoi các nhà lãnh đạo Nhật Bản nắm quyền lâu đến vậy.
Mối lo Đảng LDP “độc quyền”
Chiến thắng của vang dội của đảng cầm quyền LDP khiến nhiều đảng phái khác tại Nhật Bản phải lo ngại.
Không như LDP, Đảng Dân chủ đối lập (DPJ) chỉ giành được có 73 ghế do người dân Nhật Bản vẫn “không quên” được những vụ bê bối trong nội bộ Đảng DPJ từ năm 2009-2012, khi DPJ cầm quyền khiến Đảng này phải thay tới 3 Thủ tướng chỉ trong vòng 3 năm.
Chủ tịch Đảng Banri Kaieda bắt tay những cử tri ủng hộ Đảng DPJ (Ảnh AP)
Rất nhiều thành viên Đảng DPJ đã chỉ trích Chủ tịch Đảng Banri Kaieda vì thiếu nhiệt huyết trong quá trình bầu cử. Sự thất bại của Đảng DJP đối lập đã khiến nhiều người lo ngại về sự “độc quyền” của Đảng cầm quyền.
Trong khi đó, Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) đã có được một “thắng lợi nho nhỏ” khi giành được 21 ghế, nhiều hơn gấp đôi so với trước cuộc bầu cử lần này. Điều này cho thấy nhiều cử tri đã bắt đầu đặt niềm tin với JCP và “quay lưng lại” với các đảng dân chủ./.
Nguồn: VOV
Trả lời