Đa cấp biến tướng ở Việt Nam: “Đó là một dạng Mafia”

Không chỉ thế, đại biểu Quốc hội còn cho rằng việc đa cấp lợi dụng nhân đạo, từ thiện để lừa đảo người dân vừa thiếu đạo đức, vừa mất nhân cách…

Mới đây, trao đổi với phóng viên về mạng lưới kinh doanh đa cấp ở Việt Nam, luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng đa cấp hiện đang diễn ra với nhiều hình thức phức tạp.

“Kể cả đầu tư, kể cả mua hàng, bây giờ cả lĩnh vực từ thiện cũng làm dưới dạng kinh doanh đa cấp. Đó là sự phát triển không bình thường”, ông Thuận nói.

“Đó là một dạng Mafia”

Cựu quan chức Quốc hội này dẫn chứng, mới đây những người nghèo, kể cả những người tàn tật cũng bị “dụ” mỗi người đóng khoảng 2 triệu đồng cho một chương trình từ thiện, nhưng sau đó hỏi ra thì số tiền này đóng vào là bị mất.

“Không thể để người dân, nhất là những người nghèo bị lừa một cách trắng trợn như vậy được!” – ông Thuận nhấn mạnh.

Ông nêu quan điểm: “Tôi thấy đài báo đưa tin tôi cũng hoang mang. Nhưng tôi không hiểu vấn đề quản lý nhà nước như thế nào. Chẳng lẽ chỉ để cho dư luận lên tiếng hay sao?”.


Luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. (Ảnh: Internet)

Luật sư Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. (Ảnh: Internet)

Theo ông Thuận, sở dĩ, đa cấp biến tướng vẫn tồn tại được trước hết là do tinh thần trách nhiệm yếu kém của một số cơ quan quản lý Nhà nước.

“Đài báo lên tiếng, phê phán rất nặng nhưng không thấy những người thuộc các cấp chính quyền Nhà nước đứng ra tố cáo chuyện đó hoặc có cách hành xử như thế nào.

Phải làm rõ có hay không chuyện bỏ buông, ai muốn làm gì thì làm. Mới đây tôi thấy một vị Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có phát biểu về vấn đề này.

Nhưng tôi thấy vị đó phát biểu rất nguyên tắc chứ chưa thấy ý kiến về việc cùng chung tay quản lý đa cấp như thế nào”, ông Thuận cho biết.

Trước thực trạng này, ông Thuận kiến nghị, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội phải có trách nhiệm, phải vào cuộc.

“Nếu những tổ chức có dấu hiệu lừa đảo có thể len lỏi, mua chuộc, lôi kéo cả các đoàn thể, chính quyền, vậy vai trò, trách nhiệm của bộ máy Nhà nước và đoàn thể ở đâu? Họ làm cái gì?

Tôi nghĩ họ bị mua chuộc bởi vật chất và đó là một dạng Mafia”, ông Thuận khẳng định.

Kịch liệt phản đối kinh doanh đa cấp lợi dụng từ thiện

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, trong những năm qua, không ít người lao động bị lừa gạt bởi hình thức kinh doanh đa cấp, gây ảnh hưởng tới kinh tế cũng như tinh thần của họ.

“Vừa qua kinh doanh đa cấp còn lợi dụng nhân đạo, từ thiện để lừa đảo người dân.

Đó là hiện tượng vừa thiếu đạo đức, vừa mất nhân cách vừa vi phạm phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam. Tôi kịch liệt lên án hành động này”, ông Phương nhận xét.

Ông Phương phân tích, mạng lưới đa cấp không chỉ lừa đảo người giàu, người có nhiều tiền mà còn đẩy những người nghèo vào tình cảnh khốn khổ phải đi vay tiền, thậm chí vay nặng lãi để nộp tiền cho họ.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình (Ảnh: internet)
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình (Ảnh: internet)

“Tại nghị trường cũng đã có một số đại biểu Quốc hội nêu vấn đề này và đưa ra một số giải pháp để giải quyết thực trạng trên.

Dù báo chí đã vào cuộc quyết liệt, xã hội lên án mạnh mẽ, nhưng theo tôi được biết, Chính phủ, Quốc hội chưa có nghị quyết hoặc ý kiến chỉ đạo một cách quyết liệt về vấn đề này”, ông Phương cho biết.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của kinh doanh đa cấp hiện nay, ông Phương đề xuất, Chính phủ nên có văn bản, nghị quyết để điều chỉnh; các cơ quan chức năng cũng nên vào cuộc điều tra, cần thiết thì phải xử lý hình sự để răn đe.

“Các cơ quan chức năng trên cơ sở phản ánh của báo chí, dư luận phải vào cuộc, nắm rõ tình hình, làm rõ bản chất lừa đảo của bọn kinh doanh đa cấp, có hình thức xử lý răn đe các đối tượng mang tính lừa đảo”, ông Phương nói thêm.

Để người dân không tham gia vào mạng lưới đa cấp, theo đại biểu Quốc hội này, chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ, có sự kiểm soát, ngăn chặn khi có đối tượng, tổ chức nào đó đến địa phương mình tổ chức các hoạt động về kinh doanh đa cấp.

Ngoài ra, đại biểu này cho rằng cũng cần phải tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của kinh doanh đa cấp để người dân có khả năng đề kháng, không mắc phải.

Theo ông Phương việc đa cấp len lỏi vào các tổ chức chính trị, xã hội, lợi dụng uy tín của các đơn vị này để đạt được mục đích, là thực trạng đáng quan ngại.

“Cần phải hết sức đề cao cảnh giác và tập trung ngăn chặn ngay vấn đề này”, ông Phương nhấn mạnh.

Nguồn Trí thức trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề