Đích thân Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sẽ công bố những thay đổi về tỷ giá “trong vài ngày tới”…
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo trên vào ngày 3/2, ông Jesus Faria, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư Venezuela, nói: “Chúng tôi phải thực hiện những điều chỉnh quan trọng đối với hệ thống tỷ giá hối đoái. Rõ ràng, hệ thống tỷ giá hiện nay đã kiệt sức. Chính sách cần phải thích nghi với thực tế”.
Kể từ khi đưa ra tỷ giá cố định của đồng nội tệ Bolivar so với đồng USD vào năm 2003 đến nay, Chính phủ Venezuela đã 5 lần cải tổ hệ thống tỷ giá, nhưng không lần nào thành công. Gần đây nhất, vào tháng 2/2015, Caracas đưa ra một loại tỷ giá USD chính thức “mềm” hơn cho người đi du lịch nước ngoài và công ty xuất khẩu.
Tuy nhiên, do thực thi kém và tỷ giá chính thức bất hợp lý, các biện pháp như vậy không thể ngăn chặn được sự phát triển ngày càng mạnh của thị trường giao dịch USD “chợ đen”.
Ông Faria cho biết, lần cải tổ này sẽ khác vì quy mô và vai trò lớn hơn của các lực lượng thị trường trong việc thiết lập tỷ giá.
Theo lời vị quan chức này, đích thân Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sẽ công bố những thay đổi về tỷ giá “trong vài ngày tới”.
Hiện Venezuela có 4 tỷ giá hối đoái khác nhau, dao động từ 6,3 Bolivar đổi 1 USD dành cho các nhà nhập khẩu thực phẩm và thuốc men, cho tới 1.000 Bolivar 1 USD trên thị trường “chợ đen”.
Tỷ giá mới và các cơ chế điều chỉnh tỷ giá vẫn đang được thảo luận, Bộ trưởng Faria cho hay. “Vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt trong nội các đối với vấn đề này”, ông nói.
Một động thái phá giá đồng nội tệ sẽ giúp làm giảm thâm hụt ngân sách của Venezuela, thông qua đem về cho quốc khố nước này lượng nội tệ lớn hơn trên mỗi USD thu về từ xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, việc phá giá đồng Bolivar cũng sẽ khiến lạm phát tăng vọt thông qua cung tiền lớn hơn trong nền kinh tế.
Việc phân bổ ngoại tệ tùy tiện theo tỷ giá ưu đãi cho các công ty quốc doanh đã dẫn tới thất thoát hàng tỷ USD trong thời gian 2012-2013, ông Faria cho hay.
Cải tổ hệ thống tiền tệ là một phần trong gói cải cách mà Chính phủ Venezuela đang chuẩn bị để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Các biện pháp quản lý kinh tế sai lầm và giá dầu giảm sâu được cho là những nguyên nhân chính khiến kinh tế Venezuela lâm khủng hoảng.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Venezuela sẽ giảm 8% trong năm nay, trong khi tỷ lệ lạm phát sẽ lên tới 720%.
Một cải cách khác mà Venezuela dự định tiến hành là tăng giá xăng từ mức rẻ nhất thế giới hiện nay, và trao vai trò lớn hơn cho khu vực kinh tế tư nhân – ông Faria tiết lộ.
Các công ty tư nhân “đóng một vai trò căn bản trong phát triển các lực lượng năng suất của đất nước. Họ rất quan trọng”, ông nói.
Trước đây, Tổng thống Maduro luôn đổ lỗi các công ty tư nhân đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này, cáo buộc họ “mở một cuộc chính tranh kinh tế” nhằm vào Chính phủ của ông.
Bộ trưởng Faria cũng cho biết để bù đắp khoảng hụt thu ngân sách từ dầu lửa, Venezuela sẽ tìm kiếm các khoản vay mới từ các nước đồng minh thay vì từ IMF. Trong 1 thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho Venezuela vay khoảng 50 tỷ USD, và số nợ này đang được trả hàng tháng bằng dầu lửa.
Trả lời