Khoanh tay trước tai nạn thảm khốc, chụp ảnh đăng Facebook
Tai nạn thảm khốc trên cầu vượt Thái Hà (Hà Nội) tối 8/11 khiến nhiều người thương vong, ngay thời điểm tai nạn xảy ra thông tin đã tràn ngập trên Facebook nhưng lại có rất ít người tham gia cứu nạn

Chia sẻ của bạn T.H.T – người vừa là nhân chứng vừa là một trong những người tham gia ứng cứu người bị nạn cho thấy thêm một góc nhìn đau lòng khác về vụ tai nạn kinh hoàng này.

Theo thông tin chia sẻ của T.H.T trên mạng xã hội, thời điểm xảy ra vụ tai nạn “taxi điên”tông hàng loạt xe máy, có rất nhiều người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn nhưng có rất ít người tham gia cứu nạn, còn lại thì thờ ơ, thấy người bị nạn mà không cứu, chỉ bàn tán và chụp ảnh rồi lảng đi.

Hiện trường vụ tai nạn taxi “điên” tông hàng loạt xe máy, nhiều người thương vong.

T.H.T viết: “Trong tất cả quá trình đấy, người bu lại rất đông, nhưng mình để ý được duy nhất ngoài mình còn 2 bạn gái, một anh đeo kính đi xe Ford, và một bạn sinh viên đeo cặp chéo là không hề cầm điện thoại trên tay để lao vào giúp đỡ. Còn lại thì bàn tán và chụp ảnh và lảng đi khi được nhờ.

Nhất là một cậu trai mặt non choẹt, tay xăm kín thốt lên rằng “em đau tay” khi bác sỹ nhờ cậu ta nhấc cái người gãy 2 chân kia ra khỏi đầu xe taxi, dù cậu trai này là kẻ nhiệt tình đứng ngó nghiêng nhất, nhưng chắc cậu ta vẫn nghe rõ được lời của mình “Đồ hèn, tránh ra”…

Những chia sẻ này lại một lần nữa khiến xã hội dấy lên câu hỏi: phải chăng người dân đang dần vô cảm với chính đồng loại của mình? Vụ việc này gợi nhớ đến cái chết oan uổng của 4 người trên chiếc xe hơi chở gia đình một bác sỹ ở Long An trong một vụ tai nạn giao thông hồi tháng 9 năm ngoái.

Theo đó, rạng sáng ngày 22/9/2014, gia đình bác sỹ Đặng Chí Đông Giang (50 tuổi, Long An) gồm 3 người cùng tài xế từ Long An đi TP.HCM. Khi đến quốc lộ 62 (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) thì xe ô tô chở gia đình bác sỹ Giang bị mất lái, rơi xuống ruộng sâu.

Thông tin từ các nhân chứng là người địa phương tại khu vực xảy ra tai nạn cho biết, họ đã cố gắng dừng các xe chạy qua đường để họ giúp đỡ cứu những người gặp nạn, tuy nhiên các xe đã không dừng lại. Phải 30 phút sau khi tai nạn xảy ra mới có xe chịu dừng cùng những người dân địa phương phá kính ô tô đưa các nạn nhân ra ngoài.

Lúc này, cả 4 người trên xe gồm vợ chồng bác sỹ Giang, em gái và tài xế đều bị chết ngạt. Nhân chứng cho rằng, nếu chiếc xe đầu tiên chịu dừng lại thì có thể vợ chồng bác sỹ Giang đã được cứu vì lúc đó đuôi xe vẫn còn nổi trên mặt nước.

Trả lời trên báo chí, luật sư Phạm Hoài Nam, Giám đốc Hãng luật Bến Nghé – Sài Gòn chia sẻ, trong cuộc sống hiện nay luôn có những tấm gương xả thân cứu người bị nạn, được xã hội tôn vinh nhưng cũng có một số người có tâm lý sợ bị liên luỵ hoặc vướng phải những rắc rối không đáng có nên mặc dù họ có khả năng cứu và giúp đỡ người bị nạn nhưng vẫn làm ngơ, vô cảm. Hành vi không cứu giúp người bị nạn rất dễ bị xã hội lên án nhưng để quy trách nhiệm pháp lý, nhất là quy tội đối với họ lại là vấn đề không đơn giản…

Điều 8 Luật Giao thông Đường bộ quy định: Nghiêm cấm hành vi khi có điều kiện mà không cứu giúp người bị tai nạn giao thông.Về trách nhiệm hình sự tại Điều 102 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Nguồn nguooiduatin.vn

 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề