Cười là một việc dũng cảm

Sau một tuần bàng hoàng, Charlie Hebdo – tờ tạp chí biếm họa Pháp vừa đi vào lịch sử đau thương của báo chí – đã trở lại ngày 14-1 vừa qua và theo thông báo, đã phát hành số đặc biệt với 3 triệu bản tại 25 nước, bằng 16 ngôn ngữ. Trong đó, bức ở bìa vẽ nhà tiên tri Mohammed cầm trên tay tấm bảng có dòng chữ “Tôi là Charlie”. Lời tựa của bức vẽ là “Tha thứ tất cả”. Theo Ban biên tập, thông điệp mà số báo muốn chuyển tải đến bạn đọc là hòa giải, tránh hận thù hay bài ngoại.

Xin chưa vội bình luận về điều này trong khuôn khổ một bài viết ngắn. Chỉ trộm nghĩ từ câu chuyện của Charlie Hebdo: Cười (hiểu theo nghĩa châm biếm) là một việc làm cần nhiều trí tuệ. Và nhiều dũng cảm.

Nhìn tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, những nhà châm biếm vĩ đại đều ít nhiều gặp rắc rối vì dám cười! Sinh thời, vì đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, và quyền con người mà nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin từng bị bỏ tù, bị tấn công thù địch. Charlie Chaplin, dù là Vua Hề sáng chói, những năm cuối đời vẫn bị tẩy chay ở chính nước Mỹ – quốc gia đã đưa ông lên đỉnh vinh quang. Năm 1952, khi rời Mỹ để đi Anh quảng bá phim, Chaplin bị cấm trở lại vì “quan điểm chính trị và đạo đức”. Sau này lệnh cấm được bãi bỏ, nhưng ông không trở lại.

Cá nhân tôi, trong số những nhân vật CƯỜI lỗi lạc, tôi ưa thích Đông Phương Sóc hơn cả. Sử cũ Trung Quốc ghi lại, ông là một học giả nổi tiếng ở tỉnh Sơn Đông, cùng thời với Tư Mã Thiên và dưới thời Hán Vũ Đế Lưu Triệt. Ông là một người kì trí đa mưu, tinh thông văn sử, thường dùng những câu chuyện hài hước để châm biếm, đả kích bọn quan tham ô lại; thậm chí đến cả bậc đế vương cũng chẳng từ. Đông Phương Sóc thậm chí còn dùng tài biện luận siêu phàm của mình để thức tỉnh Hán Vũ Đế và khéo léo che chở cho một số trung thần bị các thế lực đen tối ở hậu cung hãm hại.

Một lần, Sóc cố tình uống trộm rượu “trường sinh” của Hán Vũ Đế, rồi khi bị hạch tội (loại tội này thừa sức bị tru di tam tộc) đã cười lớn mà rằng: “Nếu thần chết dưới lưỡi đao của bệ hạ hôm nay thì cái rượu ấy sao có thể coi là rượu bất tử? Người làm sao không chết được? Nếu chỉ vì cái thứ rượu tiên giả hiệu này mà bệ hạ giết thần thì chẳng phải thiên hạ sẽ chê cười ư”? Hán Vũ Đế tỉnh ngộ, từ đó cũng không mê muội tin tưởng những kẻ dâng rượu tiên “dởm”.

Cũng phải nói thêm rằng tuy được sống trọn tuổi trời bên cạnh đế vương và luôn được Hán Vũ Đế tôn trọng, nhưng suốt đời Đông Phương Sóc không được giữ một chức vụ quan trọng nào. Và cũng không phải ai cũng có thể “nghe ra” sự thật, nhất là sự thật khó nghe về chính bản thân mình như Hán Vũ Đế.

Cẩm Hà


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề