“Ba ơi” – bé Phan Nguyễn Ngọc Bảo cất tiếng gọi và nhảy chân sáo tới ôm cổ cha. Khu thăm gặp của phân trại 7 (Trại giam Thủ Đức) cũng rộn ràng lên bởi cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của hai cha con. Trong phút chốc, mọi ranh giới dường như biến mất, chỉ còn lại tiếng cười của đứa trẻ…
Phạm nhân Phan Quý Dũng đang thụ án 9 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Một tháng rồi, hai cha con anh mới gặp nhau. Ngày Dũng nhập trại, con trai mới được 1 tuổi. Sinh năm 1983, nhưng trông Dũng già hơn tuổi 32 của mình. Dấu ấn của những cuộc đập đá thâu đêm đã kịp hằn lên trên gương mặt, khóe mắt. Dũng nghỉ học từ lớp 5. Bạn bè cùng lứa nhiều người không có việc làm nên thường hay tụ tập ăn nhậu.
Nghe theo lời rủ rê của bạn xấu, Dũng dùng thử ma túy đá rồi nghiện lúc nào không hay. Không nghề nghiệp, gia đình khó khăn, để có tiền đập đá cùng bạn bè, Dũng đi mua ma túy về bán lại. Cứ như vậy, Dũng trượt dài trong ma túy cho tới ngày bị bắt.
Phạm nhân Phan Quý Dũng hạnh phúc bên vợ, con. |
Dũng trải lòng: “Cả đêm qua, tôi không ngủ mà cứ hồi hộp mong trời mau sáng để được gặp vợ con. Lần đầu tiên vợ đưa con đến thăm tôi trong trại, hai vợ chồng ôm nhau khóc còn con trai thì cứ đòi bố bế, đưa ra ngoài đi chơi. Nó còn nhỏ quá, chưa biết là ba đang ở tù”. Chị Kiều, vợ của Dũng cho biết, dù công việc bận tới đâu, hằng tháng, hai mẹ con vẫn cố gắng ra thăm anh.
“Hôm nay, hai mẹ con dậy từ 3 giờ sáng để đi ra Bến xe Miền Đông, ở đó có xe thăm thân chạy đến từng phân trại. Mặc dù dậy từ sáng sớm, đi quãng đường mấy trăm cây số nhưng bé Ngọc Bảo không hề biết mệt, vẫn chạy nhảy lăng xăng trong khuôn viên của khu nhà thăm nuôi. Được đi gặp ba, bé vui lắm” – chị Kiều kể.
Nhìn theo từng bước chân chạy nhảy của con, Dũng càng có thêm động lực để quyết tâm cải tạo tốt, sớm về với gia đình. Nói đến bố mẹ, giọng Dũng trở nên trầm buồn. Biết Dũng nghiện ma túy bị bắt và bị kết án 9 năm tù, bố anh đã bị sốc dẫn tới tai biến. Ngẫm nghĩ lại hành động của mình, anh chưa bao giờ hết hối hận. Nhờ cải tạo tốt, Dũng được nằm trong số gần 1.500 phạm nhân được xét giảm án năm nay. Dũng bảo rằng, khi nào được ra trại, Dũng sẽ đi xin việc ở xưởng vẽ vì rất thích những công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, tinh tế.
Mang án chung thân về tội giết người, cướp tài sản, phạm nhân Nguyễn Hoàng Lân (SN 1984) đang thụ án tại Phân trại 5 lại là một trường hợp khá đặc biệt, bởi Lân là một trong những người trẻ nhất đang thụ án chung thân của phân trại này.
Khi gặp Lân, chúng tôi khá bất ngờ về một thanh niên trông đậm người, ăn nói khá duyên và không có dáng vẻ của một kẻ cướp.
Là một quý tử trong một gia đình không trọn vẹn nhưng Lân có điều kiện hưởng cuộc sống tương đối đầy đủ vì mẹ làm kế toán cho một công ty nước ngoài, bố làm nha sĩ bên Mỹ. Lân bảo rằng, đáng lẽ Lân đã đi Mỹ cùng với bố, nhưng do bị hở van tim bẩm sinh, dù đã mổ từ bé nhưng khi đi khám sức khỏe vẫn không đủ điều kiện nên không được xuất cảnh.
Phạm nhân Nguyễn Hoàng Lân gặp vợ trong phòng hạnh phúc. |
Và như người ta vẫn bảo là “sướng quá hóa cuồng”, mới học đến lớp 11 Lân bỏ ngang đánh đu với đám bạn dân chơi. Khi tiền bố mẹ cho không đủ, cả đám rủ nhau đi cướp giật. 16 tuổi, Lân đã can án với 2 năm tù treo về tội “cướp tài sản”. Thời gian bị quản thúc tại địa phương, Lân vẫn chứng nào tật nấy, tiếp tục gây án cướp tài sản, bị phạt 3 năm tù, thụ án tại Trại giam Chí Hòa.
Năm 2009, ra tù, tưởng rằng sẽ tu chí làm ăn. Nhưng ngựa quen đường cũ, Lân lại nổi danh với nhiều vụ cướp tài sản của gái mại dâm trên địa bàn TP HCM năm 2010. Lân kể rằng, trước mỗi vụ cướp, Lân chuẩn bị hung khí gồm roi điện, băng keo, dây dù, bình xịt… rồi liên lạc với gái mại dâm hẹn đến khách sạn “quan hệ”. Khi đã vào phòng, Lân điện thoại cho đồng bọn đến để cùng khống chế nạn nhân bằng cách nhét khăn vào miệng, dùng băng keo quấn quanh miệng, dùng dây dù trói tay chân nạn nhân.
Chỉ trong nửa tháng (từ ngày 3/9/2010 đến ngày 17/9/2010), bằng thủ đoạn trên, Lân cùng đồng bọn thực hiện 4 vụ cướp tài sản, chiếm đoạt nhiều xe gắn máy, nữ trang, điện thoại di động với tổng trị giá hơn 137 triệu đồng. Riêng trong vụ cuối cùng, do nạn nhân Lê Thị Thảo Q. chống cự quyết liệt nên Lân dùng roi điện chích vào người làm chị Q. nằm im để đồng bọn tên Thuận siết mạnh tay vào cổ chị Q. buộc chị phải há miệng ra, nhờ vậy Lân mới có thể nhét khăn vào miệng chị Q. Sau đó, cả hai dùng băng keo quấn chặt miệng và tay chân nạn nhân. Rời khỏi khách sạn vài tiếng đồng hồ sau, Lân gọi điện cho nhân viên khách sạn lên phòng đánh thức chị Q., nhưng khi bảo vệ vào phòng thì phát hiện chị Q. đã chết do ngạt thở. Lân bảo rằng, lúc đó chỉ định dàn cảnh hòng cướp tài sản chứ không có ý định tước đoạt mạng sống của chị Q.
Kết quả của những chuyến “lướt hàng” đấy, Lân bị tuyên phạt chung thân về tội giết người, 12 năm tù tội cướp tài sản, tổng hợp hình phạt là chung thân.
Trong câu chuyện, nhắc tới bố mẹ, Lân bảo từ ngày vào đây, nhiều đêm nằm nghĩ lại chuyện đã qua mới thấy tiếc những tháng ngày sống lang bạt và hối hận về việc làm sai trái của mình, nhất là mỗi khi nghĩ tới cái chết của cô gái do mình gây ra. Giờ đây, có hai người phụ nữ khiến Lân luôn cảm thấy day dứt khi nghĩ tới là mẹ và vợ. Ba thì đã sang Mỹ lấy vợ mới, và đã có hai đứa con; chỉ có mẹ bao năm vẫn thui thủi một mình. “Năm 2010 em bị bắt, ngày bị tòa tuyên án chung thân, em choáng váng bởi bản án quá dài. Trong khi đó, mẹ em và vợ khóc ngất. Nhìn dáng mẹ liêu xiêu, thất thần ở phòng xử án mà em thấy hối hận vô cùng, một cảm giác hụt hẫng, không biết có ngày trở về nữa không. Lúc đó, em chỉ muốn nói lời xin lỗi tới gia đình nạn nhân và mẹ. Chỉ mong mọi người tha thứ”.
Nhưng Lân may mắn có người vợ chung tình. Thiếu tá Nguyễn Quốc Nam – cán bộ giáo dục Phân trại 5, kể rằng nhờ tích cực cải tạo nên Lân đã được xét cho thăm gặp vợ. Lân thụ án được 1 năm thì vợ chồng quyết định sinh con, giờ con trai Lân đã được 17 tháng, hiện vợ lại đang mang bầu đứa thứ 2. Đây không chỉ là động lực, niềm vui của gia đình mà còn là niềm vui chung của những người cán bộ. Các phạm nhân khác nhìn vào đó, cũng thấy có niềm tin và hy vọng.
Lân bảo, may mắn nhất của em lúc này là không bị gia đình bỏ rơi, tháng nào vợ cũng lên thăm. Vì con nhỏ nên thi thoảng vợ mới đưa con lên, mỗi lần được nhìn thấy con em vui lắm, chỉ muốn cải tạo thật tốt để mong được giảm án. Lân còn hồ hởi khoe với chúng tôi, bố và mẹ kế từ Mỹ về mới lên trại thăm em, mọi người trong gia đình vẫn dõi theo em từng bước, em hứa sẽ cố gắng cải tạo tốt để có cơ hội gặp mọi người nhiều hơn.
Vợ của Lân là Châu Thị Lệ Thu, vốn là bạn bè từ nhỏ, lớn lên cùng nhau. Khi Lân thi hành án chung thân, dù gia đình phản đối nhưng chị vẫn một lòng chung thủy với niềm tin sẽ có ngày Lân trở về. Khi Lân thụ án được hơn một năm, Thu quyết định sinh con, một quyết định đầy khó khăn nhưng được 2 gia đình ủng hộ nên em cũng yên tâm. Đứa con là sợi dây kết nối của tình yêu. Nhờ vậy, Lân ở trong trại cũng yên tâm cải tạo.
Phạm nhân Vũ Mạnh Chung và vợ trong phòng hạnh phúc. |
Vừa lấy vợ được hơn một năm, phạm nhân Vũ Mạnh Chung bị bắt, thụ án 7 năm về tội danh giết người, tại Phân trại số 5. Trong thời gian thụ án tại Trại giam Thủ Đức, hàng tháng, vợ anh – chị Phạm Thị Quế Mỹ vẫn khăn gói từ TP HCM ra thăm chồng. Hai người gặp nhau khi anh đi khám bệnh. Chị Mỹ chính là y sĩ trực tiếp thăm khám cho anh. Thời điểm đó, vợ anh Chung đã mất được 18 năm, trong khi chồng chị Mỹ cũng đã qua đời vì đột quị.
Thông cảm cho hoàn cảnh của nhau, cả hai tìm đến với nhau để nương tựa tuổi già. Nhưng niềm hạnh phúc của cuộc sống vợ chồng chưa được bao lâu thì anh bị bắt. Xúc động vì được gặp chồng trong 3 giờ tại phòng thăm gặp, chị Mỹ chia sẻ: “Anh Chung hiền lắm, chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ có ngày phải vào trại giam thăm anh ấy. Giờ chỉ mong anh ấy chấp hành cải tạo cho tốt để sớm được trở về đoàn tụ với gia đình. Anh ấy đã 53 tuổi rồi”.
Thiếu tá Lê Văn Lâm, cán bộ phụ trách nhà thăm gặp của Phân trại 7 cho biết, phòng hạnh phúc được phân trại triển khai từ năm 2006. Từ khi có phòng hạnh phúc, các phạm nhân đều cố gắng chấp hành nội quy của trại để hằng tháng được gặp vợ (chồng). “Trước đây nhiều phạm nhân trong quá trình thụ án, do không có điều kiện chia sẻ tình cảm vợ chồng nên đã bị vợ hoặc chồng bỏ rơi dẫn đến trầm uất, nên có những suy nghĩ tiêu cực “vào tù là mất hết”. Do vậy, việc xét thăm thân có ý nghĩa đặc biệt về tinh thần với số phạm nhân phải thụ án lâu năm khiến họ cảm thấy cuộc sống còn có ý nghĩa, qua đó vững tin chấp hành bản án” – Thiếu tá Lâm nói.
Giám thị trại giam Thủ Đức hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cho phạm nhân. |
Nhiều năm phụ trách nhà thăm gặp, dấu ấn đậm nhất đối với Thiếu tá Lê Văn Lâm và cán bộ của Phân trại 7 là mối tình đẹp và cái kết có hậu của phạm nhân Võ Đức Thiện ở TP HCM. Ngày nhập trại, Thiện và vợ (chị Thái Thị Hồng Phượng) vẫn chưa đăng ký kết hôn. Khi nghe tòa tuyên án chung thân, Thiện đã nghĩ cuộc đời mình chẳng còn gì. Thế nhưng, bằng tình yêu và sự chung thủy của vợ, dần dần, anh xóa bỏ được tâm lý bất cần, tích cực cải tạo. Kết quả của tình yêu ấy là chị Phượng đã sinh một bé trai kháu khỉnh, giống anh Thiện như đúc.
Đại tá Trần Văn Hạnh- Phó giám thị phụ trách Phân trại 5 cho biết, ở Phân trại 5 có gần 900 phạm nhân, trong đó hơn 400 phạm nhân có từ 2 tiền án trở lên. Trong quá trình cải tạo, dù ngoài đời là “anh hùng có số má” nhưng các phạm nhân đều chấp hành khá tốt. “Theo quy định, nếu phạm nhân có kết quả cải tạo tốt, không vi phạm nội quy thì mỗi tháng được xét thăm thân một lần. Qua theo dõi, sau mỗi lần thăm thân, các phạm nhân đều có sự chuyển biến tâm lý tích cực, nhiều phạm nhân đã được xét đặc xá và giảm án” – Đại tá Trần Văn Hạnh cho biết.
Theo an ninh thế giới
Trả lời