Chia sẻ với tờ Financial Times, ông Frank Haun, Tổng giám đốc KMW, nhà máy sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard cho Bundeswehr (quân đội Đức) tại Munich cho hay: “Các quốc gia thành viên ở phía đông Liên minh châu Âu (EU) và NATO, đang đặc biệt quan tâm tới việc nâng cấp và thiết lập năng lực chiến đấu. NATO nhận thức được rõ những thiếu hụt trong khả năng phòng thủ thông thường”.
Còn theo giới chuyên gia, cuộc chiến tại miền đông Ukraina giữa quân chính phủ Kiev và phe nổi dậy thân Nga được xem là nguyên nhân khiến giới hoạch định chính sách quay trở lại xây dựng phương án phòng thủ trước các cuộc tấn công trên mặt đất.
Theo thông tin nội bộ được Rheinmetall công bố hồi tháng này, nửa đầu năm nay, doanh thu của công ty đã tăng thêm 18% đạt 1 tỷ euro và con số thua lỗ đã giảm từ 52 triệu euro xuống còn 27 triệu euro. Theo dự đoán, doanh thu của công ty trong năm 2015 sẽ đạt 2,4 tỷ euro. Đối với Rheinmetall, một công ty quốc phòng tại Düsseldorf chuyên cung cấp đại bác, đạn pháo và hệ thống hỏa lực cho xe tăng Leopard, cuộc khủng hoảng ở Ukraina đã mở ra cơ hội làm ăn lớn cho công ty.
Trong khi đó, doanh thu của KMW giảm từ 790 triệu euro vào năm 2013 xuống còn 750 triệu euro hồi năm 2014. Tuy nhiên, công ty KMW thường giấu kín doanh số và không cập nhật số liệu thường xuyên để công bố trước dư luận.
Trong những năm gần đây, toàn bộ các nhà thầu quốc phòng của Đức đều chịu cảnh sụt giảm doanh thu do EU cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Đức hiện bị xếp đứng sau các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới như Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Lo sợ Nga
Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Ursula von der Leyen cho hay mối ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực quốc phòng của Đức là tìm ra phương án phản ứng trước các cuộc “chiến tranh lai của Nga”.
Chính cuộc chiến ở Ukraina đã nhắc nhở Đức cùng các quốc gia NATO tái thiết lực lượng bộ binh, không chỉ tập trung vào việc đầu tư trang bị thêm xe tăng mà còn các xe bọc thép để tăng khả năng triển khai quân nhanh chóng.
Khi được hỏi những thiết bị nào đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các khách hàng, Tổng giám đốc KMW cho hay: “Đơn giản đây là những thiết bị ngăn đối phương tiến hành một cuộc chiến truyền thống. Chúng là các xe tăng chiến đấu, xe bọc thép chở quân, pháo hạng nặng và xe bọc thép bánh hơi hạng nặng”.
Đức, quốc gia điều động số quân nhân đông nhất tham gia lực lượng phản ứng nhanh của NATO, cũng đã phải ngừng chương trình cho dòng xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 về nghỉ hưu.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đức, nước này đang chi 22 triệu USD để tăng số lượng xe tăng Leopard 2 phục vụ trong quân đội từ 225 chiếc lên thành 328 chiếc. Phiên bản nâng cấp này có trọng lượng lên tới 64 tấn và cao 2,6 m, được quân đội Canada huy động chiến đấu tại chiến trường Afghanistan trong thời gian gần đây.
Hồi năm ngoái, Bộ Quốc phòng Đức đã đồng thuận mua thêm 131 xe bọc thép Boxer với giá 620 triệu euro. Boxer là sản phẩm hợp tác giữa hai công ty Rheinmetall và KMW. Hai công ty này cũng đang hợp tác sản xuất Puma, dòng xe bọc thép hạng nhẹ làm nhiệm vụ vận chuyển bộ binh ra chiến trường.
Trước khi cuộc khủng hoảng ở Ukraina bùng nổ, quân đội Đức đã đặt mua 350 chiếc Puma. Khi cuộc chiến ở Ukraina ngày càng cam go, giới chính trị gia Đức đã kêu gọi tăng số lượng đặt mua xe bọc thép Puma.
Hồi tháng Năm, trong buổi lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ Hai, Nga đã cho phô diễn hàng loạt thiết bị quân sự hiện đại của nước này. Đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của xe tăng Armata T-14, dòng xe tăng được giới chức Bộ Quốc phòng Nga mô tả là “khủng” nhất thế giới, có khả năng bắn cả tên lửa chống tăng và đạn pháo.
Nhà nghiên cứu quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Royal United Services ở Lodon, ông Henrik Heidenkamp nhận định: “Những gì đang diễn ra ở Ukraina và các chính sách mà Nga đang thi hành đã buộc giới hoạch định chính sách của Đức suy nghĩ nhiều hơn về việc làm thế nào để tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng quốc gia”.
Ngoài Đức, Ba Lan và các nước vùng Baltic đều thông báo tăng mức chi tiêu quốc phòng trong năm 2015. Ngay cả Thụy Điển, quốc gia nằm ngoài khối NATO, cũng tăng ngân sách quốc phòng đồng thời tăng cường khả năng hợp tác quân sự với NATO.
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc phòng nhận định dù cách hành xử của Nga khiến các quốc gia láng giềng hoang mang nhưng nguồn tài chính ngân sách quốc phòng của phương Tây không phải lúc nào cũng dồi dào để đề phòng trước các mối đe dọa từ Moscow.
Ngay cả Đức cũng đang đẩy mạnh hợp tác giữa các công ty quốc phòng quốc gia với đối tác châu Âu. Trong bản báo cáo chiến lược được công bố hồi tháng trước, Berlin cảnh báo ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu “vẫn đang bị chia rẽ sâu sắc”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Financial Times (FT), tờ báo về kinh doanh quốc tế, được xuất bản hàng ngày tại London và 23 thành phố trên toàn thế giới. Lượng phát hành trên toàn cầu của FT đạt 390.121 bản. Tính cả trang web FT.com, trung bình một ngày có 1,9 triệu lượt đọc FT trên thế giới.
Nguồn infonet
Trả lời