Châu Âu – Turkmenistan với bài toán an ninh năng lượng

Cuối năm 2014, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố hủy bỏ kế hoạch Dòng chảy Phương Nam, đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Châu Âu. Đất nước có thể được hưởng lợi từ việc hủy bỏ này là Turkmenistan.

Là quốc gia nắm giữ gần 10% lượng dự trữ khí đốt của thế giới, và là nơi có mỏ khí đốt lớn thứ hai trên thế giới, Turkmenistan chắc chắn có đủ khí để cung cấp cho nhiều thị trường hơn. Sau nhiều tranh chấp khí đốt với Nga, và sự suy yếu chung trong quan hệ địa chính trị, an ninh năng lượng Châu Âu sẽ càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ Trung Á.

Tháng 11-2014, Turkmenistan ký thỏa thuận khung với Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho Dự án Đường ống Vận chuyển khí đốt tự nhiên Trans Anatolian (TANAP), sẽ hoàn thành vào năm 2018. Dự án đề xuất vận chuyển 16 tỷ m3 khí/năm từ giếng dầu Shah Deniz II của Azerbaijan II ở biển Caspian tới Châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đạt công suất 31 tỷ m3 trước năm 2026.

Nhưng có rất nhiều thách thức về vai trò của Ashgabat trong dự án, một trong những trọng điểm liên quan đến các tranh chấp dai dẳng về tình trạng pháp lý của vùng biển Caspian. Các quốc gia ven biển Caspian, trong đó có Nga, Turkmenistan, Kazakhstan, Azerbaijan và Iran, vẫn chưa quyết định về tình trạng của Caspian: là biển hay hồ, để từ đó xác định mức độ tiếp cận của mỗi quốc gia đối với vùng nước ở đây cũng như các nguồn tài nguyên phong phú chứa bên trong.

Hiện tại, Iran và Nga phản đối đường ống chạy qua biển Caspian, cho rằng sẽ gây ra các vấn đề về môi trường.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, tại sao Turkmenistan cần thị trường Châu Âu trong khi một trong những đối tác quan trọng của quốc gia Trung Á này là Trung Quốc.

Ashgabat là nhà cung cấp khí đốt nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc, và Bắc Kinh có kế hoạch nhập khẩu khoảng 65 tỷ m3 từ Turkmenistan vào năm 2020. Bắc Kinh giúp tài trợ phần lớn các cơ sở hạ tầng khí đốt của Ashgabat, trong đó có 4 tỷ USD đầu tư phát triển công nghiệp của khu vực Bagtyyarlyk, và hỗ trợ kinh phí xây 4 đường ống vận chuyển khí chính từ Turkmenistan sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu đa dạng hóa thị trường của Turkmenistan bắt đầu vào năm 2014 khi đối mặt với Nga – quốc gia hiện đồng ý xây dựng đường ống “Sức mạnh của Siberia” từ Đông Siberia sang Trung Quốc.

Quá phụ thuộc vào thị trường của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không phải là lợi ích của Ashgabat. Có thông tin về một số lo ngại về việc chính quyền Ashgabat không hoàn toàn hài lòng với một số điều kiện trong Thỏa thuận thị phần (PSA) ký với Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC). Tìm kliemes thị trường mới đặc biệt quan trọng đối với Turkmenistan khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga (Gazprom) vừa tuyên bố ngừng mua khí đốt sau khi hợp đồng hiện tại kết thúc. Vào tháng 8-2014, Iran cũng cho biết không cần phải mua khí đốt từ Turkmenistan.

Và Châu Âu là lựa chọn hứa hẹn trong bối cảnh Turkmenistan đang gặp khó khăn như hiện nay.

Tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ

Có rất nhiều thách thức đối với Turkmenistan khi tham gia TANAP. Câu hỏi về tình trạng biển Caspian là yếu tố quan trọng. Turkmenistan không thể làm bất cứ điều gì mà không có sự thỏa thuận của 4 quốc gia khác.

Do đó, một lựa chọn khác mà Turkmenistan có thể thực hiện là vận chuyển khí đốt qua Iran đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đang giữ đòn bẩy về chính trị dầu mỏ sau khi Moscow bày tỏ mong muốn xây dựng một hệ thống đường ống thay thế Dòng chảy Phương Nam đi qua Biển Đen sang Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù Cty dầu mỏ quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (Botas) và Gazprom ký một biên bản ghi nhớ về một dự án như vậy, Ankara nhấn mạnh, TANAP vẫn là ưu tiên số 1.

Nguồn: Báo Đà Nẵng


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề