Châu Âu không có chiến lược nào để kiềm tỏa Putin và Nga?
Mới đây, chuyên gia nổi tiếng Vladislav Inozemtsev của Nga đã bày tỏ những ý kiến của mình về tình hình hiện tại ở Nga và các mối quan hệ của nước này kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014.

Theo ông Inozemtsev, về mặt địa lý Ukraina luôn là một “vùng biên ngoại” và chịu sự ảnh hưởng của cả châu Âu và Nga. Vì lý do đó, khi đất nước xảy ra bạo động và kinh tế sụp đổ, “nó sẽ là vấn đề đối với cả Nga và châu Âu trong nhiều năm và thậm chí là nhiều thập kỷ tới”, ông nói.

Ngược lại, ông Inozemtsev nói, Nga chưa bao giờ phải gặp vấn đề như Ukraina bởi nước này coi mình là “trung tâm của thế giới”. Vì vậy nếu châu Âu thành công trong việc thu hút Ukraina về phía mình cùng với Moldova và Belarus, “điều đó sẽ rất có lợi cho họ, khiến Liên minh Châu Âu được hoàn thiện và người Ukraina có học vấn cao, có gốc gác từ châu Âu và theo đạo Thiên Chúa có nhiều cơ hội hơn”, ông nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko gặp gỡ tại Minsk vào năm ngoái.

Vì vậy, Brussels nên giúp đỡ để Ukraina gia nhập EU thay vì chỉ cung cấp cho Kiev tài chính để hỗ trợ kinh tế. Ông Inozemtsev nói rằng thể chế chính phủ vững mạnh ở các nước như Ba Lan và Bulgaria đã giúp họ trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu lần lượt vào các năm 2004 và 2007.

Nếu bộ khung pháp lý ở Ukraina không được củng cố, ông Inozemtsev tin rằng nguồn đầu tư của nước này sẽ chỉ giới hạn ở một số ngân hàng phương Tây và các tập đoàn quốc tế. “Tôi rất lo, bởi Ukraina sẽ chưa thể trở thành nền kinh tế đứng đầu về tính minh bạch”, ông giải thích.

Trong khi đó, ông Inozemtsev cho rằng sự liên kết về lịch sử của Moscow với Kiev có từ thế kỷ thứ 10 đã buộc chính sách đối ngoại của Moscow là phải khiến Ukraina yếu đi.

“Một trong những vấn đề lớn đó là, ông Putin luôn cảm thấy rằng toàn bộ Liên Xô cũ là một phần của Nga”, ông Inozemtsev phê phán. “Giành lấy Ukraina cũng tức là giành lấy một phần của Nga. Moscow cho rằng nếu mất Kiev, đó sẽ là dấu chấm hết đối với những tham vọng có từ lâu đời của Nga”.

Ông Inozemtsev cho rằng Putin rất nguy hiểm bởi “sự táo bạo về tư tưởng của mình. Ông đã từng sẵn sàng thỏa hiệp với phương Tây vào năm 2005, nhưng giờ đây lại lạnh nhạt với họ”.

“Ông Putin dường như cảm thấy rằng mình có thể làm những gì ông muốn, tuy nhiên có vẻ ông ta đang bắt đầu tự hỏi chuyện gì đang xảy ra ở Donbass”, ông Inozemtsev nói. Theo ông, sở dĩ Tổng thống Nga sáp nhập Crimea là vì đó là điều ông Putin có thể làm được, và ông nghĩ rằng phương Tây sẽ không áp đặt biện pháp mạnh mà không ngờ rằng Nga sẽ bị áp đặt cấm vận.

Ông Inozemtsev cũng chỉ trích Liên minh Châu Âu khi cho rằng khối này không có một chiến lược cụ thể để đương đầu với Putin hoặc những người kế nhiệm.

Cuộc xung đột ở miền Đông Ukraina đang tạm thời lắng xuống.

“Anh không thể chỉ chống đối Putin, ông ta rất khó đoán và có những tính toán riêng”, ông Inozemtsev nói. “Anh không nên có quan hệ trực tiếp với Putin mà hãy để kệ ông ta, chờ đợi và giảm thiểu hậu quả từ những động thái của Putin”.

Ông Inozemtsev tin chắc rằng Nga sẽ vẫn có thái độ thù địch với Kiev ngay cả khi ông Putin hết nhiệm kỳ Tổng thống của mình.

Ukraina và Nga vẫn có thể làm lành quan hệ của mình trong nhiều năm tới. Theo ông Inozemtsev, bước đầu tiên là cả hai bên phải ngừng tuyên truyền không đúng về nhau. Ông nói rằng thế hệ trẻ người Nga biết suy nghĩ thực tế, do vậy “nếu việc tuyên truyền bị hủy bỏ, tình hình sẽ không thay đổi”.

Một giải pháp khác mà ông Inozemtsev đưa ra, đó là Nga phải tôn trọng Ukraina “như một chính thể độc lập và có chủ quyền”. “Nga coi mình là một nước lớn và không chịu lắng nghe lời khuyên từ các nước khác. Nga và Ukraina có chung chiều dài lịch sử và họ nên hợp tác và học hỏi từ nhau”.

Ông Inozemtsev kết luận: “Nếu có một giải pháp chính trị có thể tái lập quan hệ giữa Nga và Ukraina, rất có thể nó sẽ xuất hiện trong vài năm tới”.

Nội dung được hoàn thành qua tham khảo nguồn tin từ Kyiv Post, một tờ báo tiếng Anh của Ukraina. 

Theo infonet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề