AIIB & TPP: Cuộc đọ sức Trung – Mỹ

I/ Trong cuộc viếng thăm Indonesia năm 2013, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 2/10 đã đề xuất với Tổng thống nước chủ nhà lúc bấy giờ việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), nhằm phát triển khu vực châu Á chiếm tới 60% dân số thế giới (3,77 tỷ người); bao phủ 26 triệu km2, bằng 30% tổng diện tích thế giới; có nhu cầu về vốn để phát triển cơ sở hạ tầng cao; có GDP bằng 60% GDP toàn cầu; có tiềm năng và triển vọng phát triển mạnh mẽ, ước đoán đến năm 2050 có GDP bình quân đầu người là 40.000 USD, tương đương với tiêu chuẩn châu Âu hiện nay.

AIIB đặt trụ sở tại Bắc Kinh, có vốn pháp định là 100 tỷ USD và vốn đăng ký ban đầu là 50 tỷ USD. Ngân hàng này có 35 thành viên sáng lập, sau lại có thêm 23 nước xin tham gia, nâng tổng số thành viên lên 58 nước. Trong số các nước thành viên sáng lập có 28 nước, gồm: tất cả các nước ASEAN; hai nước có nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ; các nước nhiều dầu mỏ là Qatar, Saudi Arabia, Kuwait, Kazakhstan; các nước thành viên không thuộc khu vực này là Pháp, Đức, Italy, Luxamburg, New Zealand, Thuỵ Sỹ và Anh. Các nước đã nộp đơn còn bao gồm các thành viên khối OECD khác như Australia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Áo, Ba Lan, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, bốn nước Bắc Âu, Brazil, Nga, vùng lãnh thổ Hong Kong, Bỉ; Canada và Ukraina đang cân nhắc việc gia nhập. Riêng Triều Tiên và vùng lãnh thổ Đài Loan bị Trung Quốc từ chối.

Trong AIIB, Trung Quốc chiếm vị thế áp đảo vì đóng góp tới 30% vốn (nắm giữ 26% quyền biểu quyết), thứ hai là Ấn Độ (8%), Nga (6,5%), Đức (4,5%), Pháp (3,4%), Brazil (3,2%). Nếu so sánh AIIB với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì WB có 118 thành viên và 223 tỷ USD, trong đó Mỹ đóng góp 16% vốn; ADB có 67 thành viên và 175 tỷ USD vốn, phần lớn do Nhật Bản và Mỹ đóng góp. Nhưng ngay từ bây giờ, người ta đã không loại trừ khả năng AIIB về lâu dài sẽ qua mặt ADB và thậm chí còn trở thành đối thủ ngang tầm với WB đang bị Nhật và Mỹ chi phối. Các nhà phân tích thế giới còn cho rằng, trong việc lập AIIB, Bắc Kinh còn muốn thực hiện một tham vọng sâu xa hơn là làm cho được “con đường tơ lụa mới” kết nối châu Á với châu Âu, châu Phi và Trung Đông và thực hiện dự án “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, theo đó Trung Quốc sẽ nổi lên là một đối thủ cạnh tranh về nhiều mặt với Mỹ trên toàn cầu.

II/ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), là một kế hoạch hội nhập kinh tế do Mỹ đề xướng, bao gồm 12 quốc gia trong vùng lòng chảo Thái Bình Dương, trong đó có ba nước ở Mỹ La tinh là Peru, Chile và Mexico. Khối nước này chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu và Washington coi TPP là một công cụ phục vụ cho chính sách xoay trục của Mỹ sang vùng châu Á – Thái Bình dương rộng lớn, đông dân, giàu tài nguyên, giàu tiềm năng và cũng đang phát triển năng động nhất trong thế kỷ hiện nay.

Cùng với TPP, Mỹ đang thương lượng với châu Âu về Hiệp định thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây dương, gọi tắt là (TTIP). TPP và TTIP có thể là nguồn gốc cho việc thiết lập các quy định về thương mại, đầu tư và sở hữu trí tuệ toàn cầu từ 50 năm đến 100 năm. Chính quyền Obama đang đẩy nhanh cả hai hiệp định này cùng một lúc cho thấy tầm quan trọng về lâu dài của việc kết hợp hai hiệp định này và tham vọng của người đứng đầu Nhà trắng hiện nay là muốn để lại cho hậu thế một di sản chính trị của mình. Thậm chí, một khi TPP được ký kết, nó cũng đặt nền móng cho một trật tự thương mại quốc tế mới với các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, các khoản trợ giá bị hạn chế và các quy định được thống nhất, điều mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các thể chế tiền thân của nó không làm được trong 50 năm.

Trung Quốc theo dõi rất chặt chẽ các vòng đàm phán của TPP nhưng chưa thể thở phào nhẹ nhõm vì nhiều thách thức đang đặt ra với Bắc Kinh, trong đó có hai thách thức lớn nhất:
Một là, Trung Quốc sẽ mất cơ hội tham gia vào việc định hình các quy tắc thương mại mới thay thế các quy tắc của WTO, vì Mỹ đã tham gia vào việc xây dựng các luật mới này thông qua đàm phán TPP, TTIP và Hiệp định thương mại trong lĩnh vực dịch vụ (TISA).

Hai là, đàm phán TPP sẽ dẫn tới làn sóng chuyển dịch ồ ạt về thương mại và đầu tư tại châu Á – Thái Bình dương. Do giá lao động tại Trung Quốc tăng cao, nguồn đầu tư nước ngoài chuyển tới các quốc gia đang phát triển, thay vì vào Trung Quốc như trước đây.

Từ sự phân tích trên đây, người ta nghĩ ngay tới một cuộc đọ sức nữa trên các lĩnh vực khác sắp diễn ra quyết liệt ở châu Á – Thái Bình dương giữa Trung Quốc và Mỹ thông qua hai định chế AIIB và TPP do hai nước lớn này đứng đầu.

Hồ Đức Minh (Tin Tức)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề