Ở một đất nước mà nạn đói luôn rình rập như Triều Tiên, thành phần “tinh hoa 1%” chỉ ưa áo quần hiệu Zara hay H&M. Họ uống cappucchino để thể hiện sự sành điệu. Họ phẫu thuật cắt mí mắt cho đẹp kiểu Tây.
Người giàu mới được khoe da
Nếu muốn liếc trộm xem “tinh hoa 1%” xứ Triều Tiên ăn xài ra sao, bạn cứ việc đến “Pyonghattan”, khu thượng lưu ở Bình Nhưỡng tương tự như Manhattan ở New York. Tất nhiên, nó không dành cho phần đông người Triều Tiên với những cái túi lép kẹp.
Báo Washington Post ngày 15.5 dẫn lời Lee Seo-hyeon, một cô gái 24 tuổi từng thường xuyên đến phòng gym ở “Pyonghattan” nói: “Bình thường, chúng tôi phải ăn mặc nết na truyền thống theo kiểu Triều Tiên, thế nên mọi người thích đến phòng gym để có thể khoe cơ thể, khoe tí da tí thịt”. Theo lời Lee thì các “cư dân nữ” ở khu tập thể dục cao cấp này thích diện quần áo thể thao hiệu Elle, còn nam thì chuộng Nike.
Đó là một phu phức hợp bao gồm một nhà hàng cực kỳ xa xỉ. Chỉ nhìn các biển quảng cáo ở đây đã biết nó không dành cho tầng lớp giàu nhì Triều Tiên trở xuống, chẳng hạn mẩu quảng cáo điểm tổ chức đám cưới có giá 500 USD/giờ. Ở tiệm cà phê gần đó, hầu hết thức uống có giá từ 4-9 USD/ly.
Andray Abrahamian, một công dân Anh đang tổ chức chương trình huấn luyện kỹ năng tài chính ở Triều Tiên, nhận xét: “Đó là một nơi rất sành điệu. Khi anh ở đó, anh có cảm tưởng chẳng khác gì những nơi khác trên thế giới”. Sau một buổi tập bóng quần trong khu thể thao phức hợp ở đây, ông cho biết cái giá chẳng rẻ tí nào với cả một người Anh như ông.
“Thầy tiền” là ai?
Đến đây người ta tự hỏi tiền đâu mà người Triều Tiên bị cấm vận kinh tế dài dài ăn xài trong những khu xa xỉ như thế này. Ngay cả ở thủ đô Bình Nhưỡng, lương chính thức của người dân cũng chỉ trung bình tầm 10 USD/tháng.
Nhưng giới thương nhân có đủ, thậm chí dư tiền để “vung” ở “Pyonghattan”. Tầng lớp đó gọi là “thầy tiền”- những người nổi lên khi Triều Tiên bắt đầu hướng về nền kinh tế thị trường (dù không chính thức) từ cách đây chừng 15 năm. Đến thời lãnh đạo của ông Kim Jong-un, hướng đi đó mở ra rất rộng dù nó vẫn chưa bao giờ được công nhận chính thức.
Báo Washington Post dẫn lời ông Andrei Lankov, một sử gia người Nga chuyên nghiên cứu về Triều Tiên nhận định: “Ông Kim Jong-un là một người ủng hộ chính sách thị trường mạnh mẽ… Nhiều doanh nhân mà tôi có dịp nói chuyện đều tiết lộ rằng họ chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ”.
Nhưng những doanh nhân ấy là ai? Theo Washington Post, đó thường là các quan chức, không có “ghế” trong chính phủ thì cũng phải có máu mặt trong quân đội. Họ thường điều hành các doanh nghiệp nhà nước ở nước ngoài hoặc phụ trách kêu gọi đầu tư vào Triều Tiên. Nhân tiện, họ cũng làm thêm nghề buôn bán tay trái “phụ thêm” vào mức lương 10 USD. Họ buôn tất cả những gì có cơ hội, từ ti vi màn hình phẳng tới bất động sản.
Cùng với “tín hiệu xanh” phát đi từ lãnh đạo Kim, các dịch vụ giải trí, thương mại cực kỳ xa xỉ mọc lên để phục vụ tầng lớp này và con cháu của họ.
Đĩa thịt bò 48 USD
Washington Post cho biết trong chuyến đi đến Triều Tiên vừa qua (có lẽ là để đưa tin về đại hội đảng Lao động), 3 phóng viên của báo này đã đi ăn ở một nhà hàng Đức gần tòa tháp Juche Tower, nơi một phần bò bít tết với khoai tây nướng có giá 48 USD. Thử liếc qua các bàn bên cạnh, các phóng viên thấy hầu hết người Triều Tiên chọn cơm trộn truyền thống, món có giá rẻ hơn nhiều: 7 USD. Nhưng cứ thử đem 7 USD mà so với lương tháng 10 USD thì sẽ thấy nó “rẻ” cỡ nào.
Ở khu phức hợp mang tên Sunrise có một nhà hàng nướng, nơi một nhóm người Triều Tiên đang vui vẻ thưởng thức món bò với giá 50 USD/ phần, mỗi người được tặng kèm theo một chai rượu soju.
Còn tại siêu thị dành cho tầng lớp 1%, thịt bò Úc, cá hồi Na Uy và đủ loại thực phẩm nhập cao cấp đều có cả, tất nhiên là với cái giá “trên trời” với 99% cư dân Triều Tiên.
Còn một dấu hiệu khác cho thấy nhu cầu của giới thượng lưu rất cao: ở đất nước mà lãnh đạo Kim còn vừa cảnh báo người dân coi chừng phải ăn rễ cây mà sống vì nạn đói rình rập, có 5 hoặc 6 hãng taxi. Cảnh dắt thú cưng được trau chuốt tỉ mỉ đi trên phố cũng không phải là hiếm ở “Pyonghattan”.
Các “quý bà quý cô” giàu sang ở Bình Nhưỡng nay đã chuyển sang khuynh hướng chọn diện áo quần màu sáng theo phong cách của đệ nhất phu nhân Ri Sol Ju.
Còn nữa: hiện khoảng 3 triệu trong số 25 triệu người dân Triều Tiên sở hữu điện thoại di động, trong đó bao gồm điện thoại thông minh Arirang.
Người dân Triều Tiên nay cũng không khó làm đẹp như trước nữa. Dịch vụ cắt mắt thành 2 mí hay sửa mũi đều sẵn có. Một “pha” cắt mí mang đơn giá từ 50-200 USD, tùy thuộc vào mức độ nổi tiếng của bác sĩ.
Vào trong Bình Nhưỡng hào nhoáng
Nhưng Bình Nhưỡng hào nhoáng thực sự hào nhoáng đến đâu? Một ví dụ dễ thấy nhất là phi vụ nở rộ nhà cao tầng ở trung tâm Bình Nhưỡng. Từ xa, trông khu vực gần quảng trường Kim Nhật Thành cực kỳ ấn tượng. Nhưng thử đi vào bên trong các “tòa nhà ấn tượng” sẽ thấy từng mảng gạch bong ra, đèn điện thì khi tối khi sáng. Thế nên hầu hết các cư dân sống trong các tòa nhà cao tầng đó chỉ chọn mua tầng thấp. Có ai muốn chịu cảnh lết bộ lên tầng thứ 20?
Nhưng ông Kim vẫn tỏ ra rất quyết tâm để làm Bình Nhưỡng hào nhoáng còn hào nhoáng hơn nữa. Ông đã ra lệnh xây dựng trên con đường Ryomyong “những tòa nhà chọc trời lộng lẫy”, bao gồm cả một tòa 70 tầng được thiết kế thân thiện với môi trường.
Tất nhiên, dù thang máy của “tòa nhà chọc trời lộng lẫy” đó có điện để hoạt động thường xuyên được hay không, tòa nhà đó cũng không dành cho 99% cư dân Triều Tiên. Chỉ 1% trong số họ, những người giàu mới có cơ hội.
Theo thanhnien.com.vn
Trả lời