Ngăn chặn trốn thuế kiểu Mỹ

Không ít người đặt câu hỏi tại sao trong phần dữ liệu của Công ty luật Mossack Fonseca lại có ít tên tuổi người Mỹ đến thế.

“Tôi sẽ nộp cho bên luật pháp mọi tài liệu cần thiết để họ kiểm tra xem những gì tôi đã làm là đúng đắn và không hề có vấn đề gì trong phần khai thuế của tôi năm 2007 và 2008
Tổng thống Argentina Mauricio Macri phải lên tiếng hứa nộp giấy tờ vào ngày 8-4 để chứng minh mình không làm sai dù có tên trong hai công ty bình phong ở Bahamas và Panama
Tạp chí Fusion, một trong những tờ báo ở Mỹ có tham gia chiến dịch giải mã “Tài liệu Panama”, thật ra có kiểm đếm được 211 cá nhân địa chỉ tại Mỹ có đăng ký công ty bình phong qua Công ty luật Mossack Fonseca. Nhưng cũng cần biết rằng điều đó không có nghĩa những cá nhân này là công dân Mỹ. Chưa kể việc có thể người Mỹ không làm ăn nhiều với Công ty luật Mossack Fonseca và còn những công ty luật dạng này như Công ty Morgan & Morgan – một đối thủ cạnh tranh lớn của Mossack Fonseca – mà các nhà báo chưa tìm được dữ liệu.
Nhưng các cá nhân, công ty Mỹ dính líu vào Công ty luật Mossack Fonseca có ý đồ trốn thuế hay không? Tờ Miami Herald của Mỹ cho rằng là có và đường dây rửa tiền liên quan đến người ở bang Florida.
Con số trên được cho là ít xét theo những con số cả ngàn ở các nước châu Âu. Và xét theo quy mô trốn thuế ở Mỹ khiến thất thoát lên đến gần 150 tỉ USD mỗi năm, theo một báo cáo của Thượng viện Mỹ về vấn đề này.
Câu hỏi đặt ra là tại sao? Câu trả lời là có nhiều nguyên nhân.
Luật Mỹ nghiêm

Từ năm 2009, Panama đã nằm trong danh sách đen các “thiên đường tài chính” của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Rồi đến năm 2011, sau nhiều tháng bị sức ép, chính quyền tổng thống Ricardo Martinelli đã phải nhượng bộ ký với phía Mỹ một hiệp ước tài chính cực kỳ khắc nghiệt cho Panama. Hiệp ước này cho phép giới chức Mỹ có được thông tin liên quan các tài khoản bên Panama khi điều tra các vụ việc không vi phạm luật pháp Panama. Thỏa thuận đó tạo ra hiệu ứng tức thì: nhiều ngân hàng đã quyết định “không làm ăn” với công dân Mỹ!
Một lý do khác được cho là khiến dân Mỹ ít nhờ đến “thiên đường thuế” như dân châu Âu là mức khấu trừ bắt buộc ở Mỹ thấp hơn, chỉ 24% so với mức trung bình 34% của các nước OECD (số liệu năm 2010). Đó là chưa kể có thể sử dụng các khoản giảm trừ như tiền nuôi con, học hành…
Luật về chống trốn thuế ở Mỹ cũng khá cứng rắn và đã được thực thi nhiều năm qua với việc áp dụng luật Fatca (đạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản nước ngoài, được phê chuẩn năm 2010).
Một khi bên luật pháp Mỹ nhúng tay vào thì các ngân hàng phải hợp tác; nổi tiếng như ngân hàng Thụy Sĩ UBS cũng phải chấp nhận phá vỡ nguyên tắc bảo mật tài khoản để cung cấp tên họ khách hàng người Mỹ của mình khi bị yêu cầu từ tư pháp Mỹ.
Ở Mỹ, các ngân hàng giờ đây đều phải báo cho bên thuế vụ mọi trường hợp cá nhân có tài khoản hơn 50.000 USD. Theo thông tin trên trang web của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS), bất kỳ công dân Mỹ nào có tài khoản ở nước ngoài hơn 10.000 USD đều phải khai báo hằng năm. Chưa hết, bất kỳ công ty nào dù chỉ có một công dân Mỹ là thành viên sáng lập thì cũng phải đóng thuế cho Mỹ.
Ông Pascal Saint-Amans – giám đốc trung tâm chính trị và điều hành tài chính của Tổ chức OECD – tiết lộ thêm: “Người Mỹ ít có tên trong “Tài liệu Panama” vì Công ty luật Mossack Fonseca đã nằm trong tầm ngắm của Bộ Tài chính Mỹ”.
Ngoài ra, có thể nói thêm rằng ngay trên lãnh thổ Mỹ cũng có thể lách thuế dưới dạng công ty TNHH một thành viên (có khi không có cổ đông người Mỹ hoặc không có hoạt động kinh doanh gì trên lãnh thổ Mỹ) đóng đô ở một số bang dễ dãi như Delaware, Wyoming và Nevada.
Nhưng mới hồi cuối tháng 3 vừa rồi, chính quyền Tổng thống Obama đã thể hiện quyết tâm chấm dứt chính sách thuế dễ dãi đó ở các bang trên. Ông Saint-Amans cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện kẽ hở đó từ năm 2010 và đã thúc đẩy để chính quyền Mỹ thay đổi. Những người hưởng lợi đích thực từ các công ty TNHH một thành viên ở bang Delaware hay ở tất cả những nơi khác trên đất Mỹ sẽ phải lộ diện. Người Mỹ đâu thể để xảy ra tình cảnh dở khóc dở cười kiểu một bên chống trốn thuế rất quyết liệt còn một bên lại cho phép hành vi đó ở một số bang”.
Giới lập pháp Mỹ cũng vừa đề nghị Bộ Tài chính nước này mở cuộc điều tra xem có hay không sự dính líu của Mỹ hoặc bất kỳ thực thể nào liên quan tới Mỹ với Công ty Mossack Fonseca. Trong lá thư gửi Bộ trưởng Tài chính Jack Lew, các thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Sherrod Brown nhấn mạnh Bộ Tài chính Mỹ cần phải có kết quả điều tra nhằm bảo vệ sự minh bạch của hệ thống tài chính Mỹ và thực thi các điều luật về chống rửa tiền và bảo trợ khủng bố.
Panama quy phục
Trong khi đó, chính quyền Panama có vẻ xuống nước sau khi tuyên bố sẽ tăng cường đàm phán với OECD về chia sẻ thông tin thuế. Tổng thống Panama Juan Carlos Varela phát đi lời “kêu gọi các quốc gia OECD trở lại bàn đàm phán để tìm thỏa thuận”.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn khác, Phó tổng thống kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Panama Isabel De Saint Malo cũng đã hứa chính phủ của bà sẽ thiết lập cơ chế đối thoại cấp kỹ thuật với OECD về trao đổi thông tin. Bà đồng thời tái khẳng định lập trường không khoan nhượng đối với những hành vi sai trái và các hoạt động tài chính mờ ám, đồng thời nhấn mạnh cam kết tăng cường sự minh bạch trong dịch vụ tài chính, lĩnh vực đóng góp tới 7% GDP Panama.
Tuy vậy, bà cho rằng Panama cần cẩn trọng với những cải cách trong thời gian tới nhằm đảm bảo mối liên hệ giữa hệ thống ngân hàng cũng như các công ty luật của nước này với các khách hàng thế giới khác.
Bên cạnh đó, bà De Saint Malo cho biết thêm quốc gia Trung Mỹ cũng sẽ đẩy mạnh chia sẻ thông tin với Pháp sau khi Paris cảnh báo đưa Panama trở lại danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác trong cuộc chiến chống vấn nạn trốn thuế. Cách đây hai tháng, Panama đã được đưa ra khỏi danh sách “các nước chưa đủ nỗ lực chống rửa tiền và cung cấp tài chính cho khủng bố”.
Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ Pierre Moscovici cho rằng EU cần phải sẵn sàng đối phó bằng những biện pháp trừng phạt thích đáng với các quốc gia không sẵn sàng hợp tác. Hiện Panama đã bị EU liệt vào danh sách các nước không hợp tác trong vấn đề thuế quan.
Thủ tướng Anh thừa nhận
Thủ tướng David Cameron cuối cùng đã thừa nhận được hưởng lợi từ một quỹ đầu tư mà cha ông (đã mất năm 2010) lập ra tại Bahamas. Trả lời Đài truyền hình ITV, ông Cameron xác nhận có mối liên hệ trực tiếp với Quỹ đầu tư Blairmore Investment Trust (BIT) mà cha ông đã lập ở nước ngoài để tránh đóng thuế (suốt 30 năm) cho nước Anh như “Tài liệu Panama” cho biết.
Ông Cameron thừa nhận từng góp 30.000 bảng vào BIT. Trước khi trở thành thủ tướng hồi năm 2010, ông đã bán cổ phần của mình với giá 31.500 bảng. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ Anh cũng khẳng định không biết liệu số tiền 300.000 bảng được thừa kế từ người cha quá cố có phải được hưởng lợi từ “thiên đường thuế” hay không.

DŨNG NGUYÊN (tuoitre.vn)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề