Chuyên gia: Phương Tây chắc chắn có một kế hoạch giải cứu Ukraina
Đó là quan điểm của nhà phân tích chính trị Ukraina, giám đốc Trung tâm phát triển Đông âu Nikolai Vorobyev trong trang tài khoản của mình trên mạng xã hội “Facebook”
– Trong thế giới toàn cầu ngày nay, tôi rất ít khi đặt niềm tin vào tính chủ quan của một số quốc gia riêng lẻ, – ông viết. – Ngay cả những siêu cường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức luôn cần phải tìm một sự đồng thuận về một số vấn đề chính đã gây nhiều tranh cãi, chẳng hạn như biện pháp trừng phạt chống lại Liên bang Nga, điều phối các hoạt động chung chống lại IS (nhà nước Hồi giáo tự xưng), dỡ bỏ một phần của các lệnh cấm vận với Iran để đổi lấy sự cắt giảm chương trình vũ khí hạt nhân, thỏa thuận thương mại TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), mà sẽ liên kết các thị trường đến 50 nước ở châu Á và nhiều vấn đề toàn cầu khác.
Nói cách khác, địa chính trị hiện đại đó là lối chơi đồng đội và nghệ thuật của sự thỏa hiệp giữa các cầu thủ chủ chốt, những người thường xuyên có tầm nhìn đa diện đối với các sự kiện và biết cách làm thế nào để đối phó với chúng. Nhiều vấn đề tranh chấp được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế và (hoặc) các tổ chức liên chính phủ, mà các thành viên là tất cả các nền kinh tế mạnh nhất thế giới như: Liên Hiệp Quốc, NATO, OSCE, OPEC và v.v..
Nhưng bất chấp điều này, các quyết định cơ bản và gây tranh cãi nhất thường được thực hiện đằng sau cánh cửa đóng kín, thậm chí không có sự tham gia của báo chí và một số chính trị gia hàng đầu. Nhiều thứ vẫn được ẩn dấu trước con mắt của dân chúng và họ chỉ có thể phỏng đoán bằng cách phân tích dữ liệu trên bề mặt.
Với thực tế này, tôi thiên về khẳng định rằng phương Tây có một kế hoạch rõ ràng về Ukraina và toàn bộ khu vực. Điều này không có liên quan gì đến lý thuyết âm mưu, bởi vì chúng ta có thể suy đoán trên cơ sở các thông tin đã có “trên truyền thông “.
Trong trường hợp này, Ukraina đã rất may mắn, bởi vì sự mong muốn của phương Tây trùng lặp với những gì mà đại đa số người dân Ukraina mơ ước. Đấy là cuộc bầu cử công bằng và minh bạch, loại bỏ tham nhũng, chống sự độc quyền của các tài phiệt của đất nước, nâng cao tiêu chuẩn xã hội, quân đội và quốc phòng vững mạnh, sự tiến bộ dần dần đưa Ukraina xích lại gần với EU. Thật sự mà nói, cho đến nay Ukraina vẫn chưa có được bất kỳ sự bảo đảm nào về việc trở thành thành viên trong Liên minh châu Âu và NATO.
Tại sao tôi lại có những kết luận như vậy? Một lần nữa, tất cả đều thấy rõ: Nếu như phương Tây muốn bỏ mặc Ukraina rơi vào khu vực lợi ích, ảnh hưởng của Liên bang Nga, thì họ đã bỏ rơi Ukraina ngay từ những ngày đầu. Nếu Liên minh châu Âu muốn quay mặt đi, thì từ lâu đã gỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại nước Nga ngay sau khi lệnh ngừng bắn tại Donbas mới được công bố, với lý do là điện Kremlin đã thực hiện “Hiệp định Minsk”. Ngoài ra, đã không xuất hiện lộ trình “miễn thị thực” đối với Ukraina, mà cho đến bây giờ vì ghen tức mà một số nghị sĩ vẫn đánh lộn lẫn nhau trong Quốc hội Ukraina. Hơn nữa, nếu Phương tây muốn “buông bỏ” Ukraina thì làm gì có sự hỗ trợ tài chính từ IMF, Ngân hàng Thế giới, các quỹ tư nhân và nhà nước ở một số quốc gia.
Nếu để mặc Ukraina trong vòng “giám hộ” của điện Kremlin, thì làm gì có những chuyến thăm viếng mỗi tuần của các nghị sỹ Quốc hội Mỹ, của đoàn đại biểu EU và các quan chức cấp cao khác, mà ngoài các vấn đề với Ukraina, tôi tin rằng, họ bận rộn trước hàng núi các vẫn đề quốc tế khác!
Trong trường hợp này, Ukraina và lãnh đạo đã rất may mắn. Bởi vì phương Tây đang có xu hướng giúp đất nước phát triển. Với tình huống tương tự như ở Syria, Nga, Palestine, phần lớn công dân những nước này sẵn sàng đốt những lá cờ của EU và Mỹ, bởi vì tất cả sức mạnh tài chính và chính trị của phương Tây đã trút lên đầu họ. Tôi cho là sẽ không tiết lộ bí mật nếu như tôi nói rằng ở Washington và Brussels có những nhân vật “trùm sò” đang ngồi bàn tính. Từ các văn phòng cao ốc sẽ phát đi những lệnh đánh bom Iraq, Afghanistan, Nam Tư cũ, Libya, và đã làm hàng ngàn thường dân vô tội bị thiệt mạng. Biết làm sao được, bởi đó là những quy tắc của trò chơi “chính sách thực dụng”. Một khi vẫn tồn tại những “Viện nhà nước”, các liên minh khác nhau, thì chiến tranh sẽ vẫn tiếp diễn.
Tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng, ngày hôm nay, những bộ óc tiên tiến nhất trong các trung tâm khoa học trên thế giới và trong các trung tâm chính trị và tài chính đang “vắt óc” làm viêc để giải bài toán khủng hoảng ở Ukraina (và trong khu vực). Làm thế nào để đảm bảo cho Ukraina sẽ trở thành, nếu không phải là một phần của EU, thì ít nhất cũng thành một quốc gia thịnh vượng và có nền kinh tế ổn định, sao cho có thể thiết lập một quan hệ đối tác đáng tin cậy trong tương lai.
Về vấn đề này, sự đồng thuận và chính sách của phương Tây đang được thực thi trước mắt chúng ta!
Nhưng điều làm tôi lo ngại, đó là sự thiếu hiểu biết của nhiều chính trị gia Ukraina, họ không hiểu các quy tắc toàn cầu và lối chơi đồng đội. Trên lời nói, các nhà lãnh đạo của các đảng phái có thể đảm bảo với các đồng nghiệp từ Washington và Brussels về cam kết của mình với các giá trị phương Tây và mong muốn sẵn sàng vượt qua khủng hoảng. Nhưng trong thực tế, vì những lợi ích cá nhân và cách suy nghĩ “quê mùa” dẫn đến việc những bộ luật chủ đạo nhất có thể sẽ không được tuân thủ. Vì vậy, toàn bộ chương trình xây dựng cải tổ có nguy cơ gặp thất bại!
Nếu như họ có thể đề nghị một điều gì đó với phương Tây, dựa trên kinh nghiệm riêng, kiến thức, và trình độ, thì đó là một nhẽ khác. Nhưng than ôi, trên thực tế ngay một đề nghị xin xỏ gì đó cũng không thể thể hiện cho đến nơi đến chốn. Chắc chắn là, trên cả nước sẽ có một số sáng kiến hữu ích được thể hiện trong cuộc sống. Nhưng những sáng kiến đó sẽ nhạt nhòa trong bối cảnh của một bộ máy nhà nước tham nhũng và móc ngoặc sau cánh gà nhằm điều chỉnh cho lợi ích cá nhân.
Có lẽ, bây giờ tôi nói ra điều mà nhiều người Ukraina sẽ chỉ trích, đó là việc Victoria Nuland được mời ngồi trong Lô dành cho khách của Quốc hội và phát biểu mong muốn Quốc hội phải thông qua các sửa đổi của Hiến pháp trong “thỏa thuận Minsk”. Tôi rất vui mừng về điều này. Bởi vì, nếu Trợ lý Ngoại trưởng về châu Âu và Âu Á chịu đến khu vực hoang vắng này, thế tức là có ý nghĩa và có chiến lược. Bởi vì tôi có thể tự tin nói rằng Hoa Kỳ không bao giờ làm một điều gì không có ý nghĩa và không có mục đích cụ thể, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại. Xin lỗi, niềm tin vào Bà Nuland và tính chuyên nghiệp của bà đối với tôi cao gấp trăm lần so với tổng số tất cả đại biểu Quốc hội Ukraina cộng lại, kể cả Chính phủ.
Và nếu bây giờ các chính trị gia đang từ chối chế độ “miễn thị thực” chỉ vì không thống nhất được với các sửa đổi nhỏ trong Bộ luật Lao động, thì làm sao có thể tin tưởng họ trong những vấn đề nghiêm trọng hơn? Ví dụ, nếu phương Tây đồng ý đặt tại Ukraina hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD), ai sẽ là người sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc thực hiện một dự án toàn cầu như vậy? Theo quan điểm của phương Tây: chúng ta sẽ trình bày cho họ “kế hoạch hành động” như thế nào trước khi đệ đơn xin gia nhập NATO, nếu như các chính trị gia của chúng ta hầu như không thể đạt được thỏa hiệp trong các vấn đề thậm chí tương đối nhỏ của các bộ luật ?
Nói cách khác, phương Tây quan tâm đến sự phát triển của nền dân chủ, và không chỉ ở Ukraina. Trong khi đó nhiều chính trị gia chỉ đơn giản là lợi dụng thuật ngữ nhằm tư lợi cho bản thân. Dẫn đến kết quả là kế hoạch của các cầu thủ quốc tế cho việc phát triển khu vực có thể bị phá vỡ.
Tôi thường góp ý với các chính trị gia phương Tây rằng họ không gây được ảnh hưởng trực tiếp đối với các đồng nghiệp Ukraina, ngoài những đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu của IMF để trong 10-15 năm cả nước sẽ thấy những cải thiện thực sự và có thể trở thành một thành viên đầy đủ của Liên minh châu Âu và NATO. Ở đây, những định hướng này không gây được niềm hưng phấn cho các tầng lớp Elit. Nguyên nhân ở chỗ là nhiều đồng nghiệp Ukraina khăng khăng ôm lấy lợi ích cá nhân và tầm nhìn của họ chỉ bó hẹp trong vòng tròn với các đối tác địa phương quyen thuộc.
Liệu phương Tây có đủ sự kiên nhẫn và nguồn lực hay không, tôi không thể đánh giá được. Tôi chỉ biết một điều, trong chính trị một khi không thể thỏa thuận được với (hoặc dựa vào) đối tác của mình, và một khi tất cả các dự án đều không làm việc, thì họ phải tìm đến những đối tác khác “cởi mở” và đáng tin cậy, mặc dù ở những đối tác đó đang có vấn đề về dân chủ và nhân quyền. Đó là quy tắc “chính sách thực dụng” và không thể có những giải pháp khác.
Nguyễn Hoàng Lân, theo glavnoe.ua
Trả lời