Tờ Mirror của Anh vừa thống kê 10 vụ án nổi tiếng nhất trong lịch sử hơn 90 năm của Interpol (Cảnh sát hình sự quốc tế), trong đó vụ án “Kẻ sát nhân bikini” xếp vị trí đầu bảng, là người gốc Việt.
“Kẻ sát nhân bikini”, “Kẻ đào tẩu” hay “Người rắn” là biệt danh của Charles Sobhraj, một trong những sát thủ nguy hiểm nhất, nổi tiếng nhất thế giới những năm 70 của thế kỷ trước.
Vào tù như cơm bữa
Sobhraj chào đời ngày 6/4/1944 tại Sài Gòn, con ngoài giá thú của một phụ nữ Việt với một người đàn ông làm nghề thợ may Ấn Độ. Ngay từ khi mới lọt lòng, Sobhraj đã không biết mặt cha vì người cha sở khanh đã “bỏ của chạy lấy người”.
Mẹ Sobhraj đã đi bước nữa, kết hôn với một sỹ quan người Pháp và cả hai mẹ con chuyển về Pháp sinh sống.
Chưa đầy 19 tuổi, Sobhraj đã “xộ khám” ba năm tại nhà tù Poissy khét tiếng vì trộm cắp. Ra tù được một thời gian, Charles Sobhraj làm quen với một cô gái con nhà lành tên là Chantal, nhưng gia đình không đồng ý vì vẻ bề ngoài càn rỡ.
Do không cai được chứng ăn cắp vặt nên Sobhraj lại bị bắt, thêm 8 tháng tù giam nữa. Mãn hạn tù, Sobhraj thuyết phục được bố mẹ Chantal và một đám cưới đơn giản được tổ chức.
Ngay sau khi kết hôn, cặp đôi dùng giấy tờ giả đến nhiều nước Đông Âu, cướp tiền của những người quen biết trước khi xuất hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.
Những năm 70, Sobhraj môi giới buôn bán ôtô trộm cắp nên kiếm được bộn tiền. Sobhraj còn đam mê cờ bạc và thua rất nhiều nên đi cướp tại một cửa hàng kim hoàn tại New Delhi. Sobhraj bị cảnh sát Bombay bắt, tống giam tại nhà tù Tihar Jail.
Tại đây, Sobhraj đã lên kế hoạch vượt ngục bằng cách giả vờ đau ruột thừa, nhờ vợ hỗ trợ để trốn viện bằng cách đánh thuốc mê lính gác. Vụ vượt ngục này bị phát giác nhưng nhờ bảo lãnh của nhà vợ cả hai đã thoát tù và tiếp tục trốn khỏi Ấn Độ.
Tại Afghanistan, Sobhraj không chỉ lừa đảo mà còn cướp giật, lại rơi vào tay cảnh sát và tiếp tục trốn tù, dùng hàng chục hộ chiếu đánh cắp và sử dụng tên giả đi lại các nước trong khu vực.
Tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Sobhraj gặp lại em trai cùng mẹ khác cha, cả hai thực hiện nhiều vụ trộm cắp. Trong khi em trai bị kết án 18 năm tù khổ sai tại Thổ Nhĩ Kỳ thì Sobhraj trốn thoát, tiếp tục phiêu bạt sang khu vực Viễn Đông.
Trong thời gian này Sobhraj gặp một phụ nữ Canada gốc Pháp tên là Marie LeClerc, sau trở thành đồng phạm thân cận nhất.
Sau đó, Sobhraj thành lập công ty gia đình, tìm được một đứa trẻ lang thang người Pháp để nuôi phục vụ cho mục đích lừa đảo bằng cách tiêm thuốc độc nên lúc nào đứa trẻ cũng ốm yếu, dặt dẹo.
Ngoài ra, Sobhraj cuỗm sạch hộ chiếu lẫn tiền bạc của hai thanh niên trẻ Yannick và Jacques; sau đó giả vờ tốt bụng cho ăn, ở nhờ, trước khi kết nạp vào công ty gia đình.
Chưa hết, Sobhraj còn thu nạp một người Ấn Độ tên là Ajay Chowdhury, đây là một người đàn ông máu lạnh, sau trở thành cánh tay đắc lực của Sobhraj.
Thiêu cháy nạn nhân
Giai đoạn 1974 – 1976 là các phi vụ trộm cướp, buôn lậu và giết người. Nạn nhân đầu tiên của Sobhraj là Jennie Bollivar từ Mỹ đến Thái Lan, muốn tìm hiểu về Phật giáo.
Rất nhiều lý giải về cái chết bí ẩn của Bollivar, thậm chí có giả thiết cho rằng Bollivar bị giết vì từ chối gia nhập băng nhóm của Sobhraj. Xác Bollivar được tìm thấy trên bãi biển gần Vịnh Thái Lan trong trạng thái mặc bikini, bị dìm chết.
Nạn nhân tiếp theo là Vitali Hakim, bị giết tại Pattaya trong tình trạng cháy đen và có dấu hiệu bị đánh đập nhưng theo cảnh sát thì nạn nhân bị thiêu sống bằng xăng.
Tháng 12/1975, bạn gái của Vitali là Charmayne Carrou đến Thái Lan tìm người yêu và vô tình rơi vào vòng xoáy tử thần của Sobhraj. Carrou cũng chết thương tâm như Bollivar.
Danh sách nạn nhân của Sobhraj lên tới 12 người, như hai khách du lịch Connie Jo Brinzich, người Mỹ và bạn trai Laurent Ormond Carriere; hai sinh viên người Canada, Henk Bintanja và vợ sắp cưới Cornelia Cocky Hemker khi đến du lịch lại Hồng Kông; hai du khách người Mỹ đến Nepal là Laddie DuParr và Annabella Tremont, tất cả đều bị đâm chết và thiêu cháy.
Kiếm hàng triệu USD nhờ… đời tư giang hồ
Ngày 17/9/2003, Sobhraj tình cờ bị một nhà báo phát hiện trên một đường phố ở thủ đô Kathmandu (Nepal), và bị bắt tại sòng bạc của khách sạn Yak & Yeti. Động cơ Sobhraj quay lại Nepal vẫn chưa được sáng tỏ.
Sobhraj bị tòa án Kathmandu kết án tù chung thân ngày 20/8/2004 vì tội giết Brinzich và Carriere năm 1975. Xác hai nạn nhân được phát hiện tại một cánh đồng ở ngoại ô Kathmandu trong tình trạng cháy đen.
Nhưng Sobhraj bác bỏ cáo buộc trên với lý do hắn không ở Nepal vào thời điểm hai nạn nhân trên bị giết. Tuy nhiên, án tù vẫn được tuyên.
Điểm đặc biệt khiến vụ án được xếp đầu bảng, thậm chí còn được xem là nổi tiếng nhất trong lịch sử Interpol là do từ một tên tội phạm nguy hiểm, Sobhraj bỗng dưng trở nên giàu có với cuộc sống sung túc ngay trong tù.
Sobhraj nhận hàng triệu USD tiền bản quyền từ các nhà xuất bản hoặc hãng phim khi người ta dựa vào cuộc đời của y để làm cốt truyện.
Theo ông Advocate Bishwa Lal Shrestha, cựu điều tra viên cao cấp thuộc Interpol, Sobhraj đang thuê một đại lý làm nhiệm vụ thương thảo với những ai muốn phỏng vấn, viết truyện, chụp hình, hay cần bản quyền làm phim.
Tháng 3/2002, một hãng phim Ấn Độ tuyên bố sẽ làm một bộ phim về Sobhraj với hợp đồng lên tới 15 triệu USD.
Mặc dù năm 2005 đã bị tòa phúc thẩm Patan, Nepal tuyên án nhưng Sobhraj một mực kháng án.
Cuối năm 2007, luật sư của Sobhraj đã xin Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy can thiệp với chính quyền Nepal để được giúp đỡ, song điều này không thể giúp Sobhraj thoát khỏi tù tội.
Năm 2008, Sobhraj một lần nữa lại gây sốc dư luận khi tuyên bố đính hôn với một phụ nữ người Nepal mới 23 tuổi tên là Nihita Biswas; mặc dù cô gái này biết rõ lý lịch của vị hôn thê đáng tuổi bố mình.
Cách đây 7 năm, thông qua Nihita Biswas, Sobhraj còn tuyên bố chưa bao giờ bị tuyên án tội giết người nên dư luận không được gọi y là kẻ giết người hàng loạt. Tất cả những điều này khiến tiếng tăm Sobhraj lại càng nổi.
Trí Lê (Theo Giao Thông)
Trả lời