Với mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của sản xuất trong nước; tạo cơ hội thúc đẩy thương mại, dịch vụ, đầu tư; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu…
Với mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của sản xuất trong nước; tạo cơ hội thúc đẩy thương mại, dịch vụ, đầu tư; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu…, từ nhiều năm nay, quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với những đối tác quốc tế được Việt Nam thực hiện một cách chủ động và bài bản.
Vì vậy, không ngạc nhiên khi Việt Nam đang trở thành một ưu tiên trong chiến lược thúc đẩy tự do thương mại của nhiều quốc gia và các không gian kinh tế.
Hơn một tuần sau khi FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) được ký kết, chính phủ Hàn Quốc hôm 5/6 cũng nhanh chóng hiện thực hóa những lợi ích từ dỡ bỏ rào cản thuế quan với Việt Nam khi đệ trình dự luật phê chuẩn FTA song phương lên Quốc hội. Trong khi đó, FTA giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) dự kiến được ký trong tháng này và TPP cũng đi dần tới đích cuối. Những sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận những thị trường lớn nhất toàn cầu. Đặc biệt, hầu hết các FTA đều quy định mức thuế suất vô cùng hấp dẫn cho những mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế như các mặt hàng nông thủy sản, dệt may sẽ giúp kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá và tiếp tục là động lực tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á.
Sau hơn 2 năm tích cực đàm phán, FTA Việt Nam – EUEA đã được ký kết hôm 29/5 mở ra cơ hội để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường có số dân lên tới hơn 175 triệu người. Với việc EUEA sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực có thể sẽ tăng khoảng 18 – 20%/năm.
Trong khi đó, cũng kết thúc sau hơn 2 năm đàm phán, FTA Việt – Hàn được ký chính thức hôm 5/5 vừa qua cũng tạo nên cú hích cho ngành nông nghiệp. Việc Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan gần 500 mặt hàng sẽ tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cá, hoa quả nhiệt đới. Dù gạo không được hưởng ưu đãi nhưng lần đầu tiên, Hàn Quốc mở cửa thị trường cho những sản phẩm nhạy cảm cao như tỏi, gừng, mật ong, tôm… đã tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam so với các đối thủ khác. Ngoài ra, trong bối cảnh nông sản Việt Nam đang vất vả tìm chỗ đứng trên sân nhà, việc Hàn Quốc áp dụng mức thuế ưu đãi cho dứa, xoài và một số hoa quả nhiệt đới khác trong 10 năm sẽ góp phần giảm đáng kể tình trạng “được mùa mất giá” của người nông dân trồng các loại nông sản này.
Ngoài ra, các vòng đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU được bắt đầu từ tháng 6/2012 và chuẩn bị về đích trong tháng này sẽ giúp hàng hóa Việt Nam tăng khả năng tiếp cận thị trường truyền thống quan trọng bậc nhất. Với 27 quốc gia thành viên, EU luôn là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam. Việc ký kết FTA sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU khi rất nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm thuế như may mặc, giày da và đặc biệt là các mặt hàng nông sản…
Trong bối cảnh khu vực ghi nhận gần 280 FTA được đàm phán và ký kết giữa các nền kinh tế, các FTA đã, sẽ được ký kết và sắp được thực hiện sẽ giúp các DN Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để trở thành mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn trong khu vực. Tất nhiên, để tận dụng thành công những cơ hội này, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng, các địa phương và cộng đồng DN trong nước.
Trí Lê (Theo Kinh tế & Đô thị)
- Nhiều cái thua lớn hơn bóng đá
- Doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam: Những con đường phải đi mới đến
- Tôi không muốn Việt Nam có một Cty thứ hai giống Bkav. Còn bạn thì sao?
- Gia nhập các Hiệp định Thương mại: Người Việt còn tin dùng hàng Việt?
- Doanh nghiệp Việt khó đặt chân vào chuỗi cung ứng của Samsung
- Lý giải khả năng “đánh đâu thắng đó” của Vincom
Trả lời