Doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam: Những con đường phải đi mới đến

Vào khoảng giữa tháng 8, dư luận nước nhà xôn xao khi có tin hãng Samsung, sau khi đã vừa mới bỏ thêm 3 tỷ đô la vào các khu công nghiệp Bắc Ninh, có ý định trở thành một công ty Việt Nam. Chẳng biết ý định của Samsung là nghiêm túc đến đâu, nhưng nó cũng đáng để chúng ta tự suy nghĩ đâu là hạt nhân hợp lý của ý tưỏng có vẻ kỳ dị đó.

Chuyện vui hiện đại

Vào khoảng giữa tháng 8, dư luận nước nhà xôn xao khi có tin hãng Samsung, sau khi đã vừa mới bỏ thêm 3 tỷ đô la vào các khu công nghiệp Bắc Ninh, có ý định trở thành một công ty Việt Nam. Chẳng biét ý định của Samsung là nghiêm túc đến đâu, nhưng nó cũng đáng để chúng ta tự suy nghĩ đâu là hạt nhân hợp lý của ý tưỏng có vẻ kỳ dị đó.

Thực tế là trong khoảng 10 năm qua, Việt Nam là một quốc gia đã có những thay đổi lớn lao trong cách ứng xử đối với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là đối với các doanh nghiệp công nghệ cao. Mặc dù tại các cuộc họp của các cơ quan chức năng và chính phủ Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài lúc nào cũng đầy dẫy những lời phàn nàn về cơ chế quản lý cồng kềnh nhiêu khê, chậm đổi mới của bộ máy hành chính, nhưng kêu thì cứ kêu, còn trong đời thường các hãng công nghệ cao vẫn cứ hiện diện đầy đủ tại đây: từ Samung, Lg của Hàn Quốc, đến Nokia hay Intel, Wintek… của Mỹ cùng vô số các công ty của Nhật Bản hay Israel…. Tức là các hãng công nghệ cao đang thắng lớn ở Việt Nam, và họ nghĩ rằng còn có thể thắng lớn hơn nữa (?) nếu là công ty Việt ?

Vậy nếu là một doanh nghiệp công nghệ cao Việt, bạn sẽ gặp phải những khó khăn gì? Có thể điểm ra ba khó khăn cơ bản.

Đầu tiên, các doanh nghiệp Việt khó tiếp cận công nghệ cao và không có đủ nhân lực cho các hoạt động R&D, cội nguồn sức mạnh của các hoạt động công nghệ cao. Khó khăn này rất khó vượt qua trong một thời gian ngắn do chúng ta chưa đủ trình độ để tham gia vào việc mua bán công nghệ cao, từ nắm bắt xu hướng thế giới đến lựa chọn công nghệ phù hợp với khả năng của mình trên thị trường, trong khi ‘sinh viên công nghệ Việt Nam ra trường phải đào tạo lại, hoặc chọn những chương trình đào tạo riêng với nhân lực Việt Nam trước khi họ bắt đầu công việc’, như nhận định của báo Mỹ Cnet mới đây. Không có công nghệ mới và không tham gia được vào nghiên cứu khoa học để phát minh và ứng dụng công nghệ mới thì khó có thể có doanh nghiệp công nghệ cao được.

Tiếp đó, các thủ tục hành chính rất là phiên hà, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế. Theo kết quả cuộc Khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2014 do VCCI tiến hành, công bố ngày 11/8 thì 32% doanh nghiệp có bôi trơn ngành thuế. Trên thực tế thì con số này có thể còn cao hơn rất nhiều.

Trong khi đó các khoản phí vô cớ ở Việt Nam cũng rất nhiều, không theo quy tắc nào cả từ đóng góp cho thiếu nhi ngày răm trung thu, nộp quỹ an ninh khu vực cho đến cả việc hỗ trợ, ở một đôi nơi, chống nóng ngày hè cho cán bộ phường… Đến nỗi Chủ tịch Quốc Hội trong phiên họp Uỷ ban Thường vụ mới đây cũng phải ngán ngẩm mà kêu lên với con số khoảng 1.000 loại phí đang tồn tại. Đấy là chưa kể đôi khi còn bị bêu tên nhầm rằng không đóng thuế như Tổng cục thuế vừa làm hồi cuối tháng 7 mới đây đối với hàng chục đơn vị, điều tác hại lớn đến thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp.

Cuối cùng, chính sách đối với doanh nghiệp lớn lại thường hay thay đổi, ví dụ như trường hợp Viettel hồi đầu tháng 8 phải xin Bộ Thông tin và Truyền thông đừng liệt mình vào dạng doanh nghiệp thống lĩnh thị trường vì với quy định mới như vậy, giá thành các dịch vụ của Viettel sẽ luôn phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước khi triển khai. Điều này làm Viettel không ứng phó nổi với các doanh nghiệp khác về giá khi đáng ra, theo thông lệ quốc tế, mọi doanh nghiệp đều bình đẳng với nhau trong việc làm ăn. Vậy nên khó cho những doanh nghiệp nào muốn trở thành lớn ở Việt Nam. Mà không lớn lên được thì làm doanh nghiệp thế nào được!

Tuy nhiên, ba khó khăn này thực ra lại không phải là khó khăn gì đáng kể so với doanh nghiệp công nghệ cao quốc tế: họ đã có công nghệ và có nhân lực làm R&D; họ gặp khó khăn nhỏ với hệ thống tài chính thuế nhưng lại có thuận lợi lớn là hệ thống này cò con, quen ăn nhỏ, có tâm lý sợ Tây nên không khó để vượt qua nếu họ ứng xử biết điều như những người khác và, nhất là, hệ thống này rất kém năng lực khi triển khai các thủ tục đối phó với việc chuyển giá và thanh toán quốc tế; và cuối cùng họ có cam kết ưu đãi của chính quyền khi đâu tư vào Việt Nam nên không dễ gì mà đưa ra được những quy định ngẫu hứng cho họ.

Trong khi đó làm doanh nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam bạn cũng có ít nhất ba lợi điểm nên được lưu tâm.

Dễ thấy nhất, đó là lương cho người làm công nghệ cao ở Việt Nam còn khá thấp, khoảng trung bình 160 USD, chỉ mới bằng khoảng 1/3 của Trung Quốc trong khi tuổi trung bình, 29 tuổi, lại trẻ hơn Trung Quốc tới 8 năm. Làm công nghệ cao quan trọng nhất là tuổi phải trẻ, để làm các thao tác chính xác cũng như dễ thích nghi với sự biến đổi nhanh của công nghệ, mà lại được thêm lương thấp thì nhất!

Thứ hai, khái niệm công nghệ cao ở Việt Nam cũng khá là cởi mở khi có những doanh nghiệp nước ngoài, được cho là công nghệ cao, ở khu công nghiệp công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần đào tạo công nhân 5 ngày là đủ để tham gia sản xuất. Với nhãn hiệu doanh nghiệp công nghệ cao và bạn lại ‘biết điều’ nữa, một việc mà đã là doanh nghiệp Việt thì phải biết mà nếu có không biết thì cũng sẽ được biết rất nhanh, thì việc dành được những ưu đãi quan trọng cho việc hình thành và phát triển sản xuất khá là có triển vọng.

Cuối cùng là số lượng những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết rất lớn, khoảng hơn một chục, cùng với triển vọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sắp hoàn thành thì doanh nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam có lợi thế lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, hiện nay ở Việt Nam lại có rất ít doanh nghiệp có thể tham gia được vào những lĩnh vực công nghệ cao, còn nói chung thì doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự hiểu được tham gia các hiệp định thương mại tư do để làm gì và cá nhân họ có thể tận dụng được những gì từ đó. Và chính phủ hiện đang phải hết sức cố gắng hỗ trợ cho những ai tham gia vào triển khai các hoạt động của các hiệp định

Cho nên, nếu bạn là doanh nghiệp cao ở Việt Nam bạn sẽ gặp ba khó khăn cơ bản để có thể khởi nghiệp và đứng lên thành một doanh nghiệp, nhưng khi đã đứng lên được thì triển vong phát triển tiếp tục là có không ít. Vì thế chăng mà một công ty nước ngoài đã thành danh trên thế giới mà cỏ trở thành một công ty Việt Nam thì sự tiếp tục lớn mạnh của họ âu cũng là lẽ binh thường.

Còn sự quan tâm của chúng ta lại không phải là việc một doanh nghiệp nước ngoài nào đó một ngày đẹp trời trở thành doanh nghiệp Việt Nam, mà là làm thế nào để người Việt có thể khởi nghiệp gây dựng các công ty công nghệ cao, lao vào cùng chia xẻ những lợi nhuận lớn lao có được mà các doanh nghiệp công nghệ cao sẽ đem lại cho những ai và những quốc gia nào sở hữu chúng.

Và để làm điều này thì hình như những khó khăn cho việc khởi nghiệp lúc này là vô cùng lớn, gần như không thể nào vượt qua được. Có phải vi thế chăng mà trong một cuộc nghiên cứu, lại nghiên cứu, của Mặt trận Tổ Quốc về mức độ hài lòng của người dân đối với nền kinh tế kết quả công bố cuối tháng 7 cho biết chỉ có 19% số người được hỏi tin rằng nền kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt. Các số liệu thống kê cũng cho biết là số lượng các doanh nghiệp bị giải thể trong 6 tháng đầu năm là rất nhiều, tuy đã có xu hướng chững lại.

Và những biện pháp để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp đã có nhiều, nhưng hình như vẫn đang nằm ở tầm cấp cố gắng tạo thêm những thuận lợi và ưu đãi. Trong khi đó các chính sách lại vẫn không loại bỏ đươc nhửng rào cản lớn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao, trong việc hình thành và vận hành theo những chuẩn mực thông thường của nền kinh tế thị trường.

Và câu hỏi người ta phải tự đặt ra là những ưu đãi, từ các chính sách trong nước đến các quy định của các hiệp định thương mại tự do, sẽ để làm gì khi không có hoặc không có đủ các doanh nghiệp hợp chuẩn đê mà tận dụng những ưu đãi đó ? Cũng như là câu hỏi căn bản nhất sẽ phải được đưa ra: vì căn nguyên gì mà lại khó loại bỏ những rào cản đã không còn phù hợp đến như thế ?

Hỏi tức là trả lời, và người Việt đang cố trả lời…

Vậy nên khi bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế gạo cội của nước ta, mới đây có kể câu chuyện là người nước ngoài thường nói đùa với nhau rằng Việt Nam là nước không giống ai vì… không cần phát triển, thì có lẽ đây cũng chẳng đơn thuần là câu chuyện đùa những lúc trà dư tửu hậu…nữa rồi !
Hình như chúng ta đã chẳng định đi đến đâu nữa, chúng ta vẫn tin rằng, như ông cụ ngồi ven đường, vẫn có một con đường lúc nào cũng ở đây cho chúng ta đi chỉ cần chúng ta kiên định với con đường đã chọn. Có điều, công nghệ cao là những con đường mới, không có sẵn cho ai và cho quốc gia nào.

 Trí Lê (Theo Tầm Nhìn)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề