Báo Nga lại bình luận về hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ

Hợp tác thương mại quân sự Việt-Mỹ sẽ diễn ra một cách từ từ và có sự cân bằng với các đối tác truyền thống chứ không phải là một sự thay thế mới hoàn toàn.

Trong đầu tháng 7, chuyến thăm lịch sử Washington của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mở ra nhiều hy vọng và dự đoán rằng sẽ giúp thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác quân sự song phương lên một tầm cao mới.

Thậm chí, một số tờ báo ở Nga đã bày tỏ lo lắng rằng động thái này có thể mở đường cho sự thay thế các vũ khí cũ của Nga bằng những vũ khí hiện đại của Mỹ tại Việt Nam.

​Tuy nhiên, tờ Top War của Nga gần đây dẫn lời các chuyên gia trấn an lo ngại trên khi cho rằng tương lai của hợp tác thương mại quân sự Việt-Mỹ sẽ diễn ra một cách từ từ và có sự cân bằng với các đối tác truyền thống chứ không phải là một sự thay thế mới hoàn toàn.

Top War dẫn lời Carl Thayer, chuyên gia về vấn đề châu Á và là một giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales tại Học viện Quốc phòng Úc cho rằng, sự tăng cường quan hệ với Mỹ là một phần của chiến lược đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại, nhưng không phải là từ bỏ các mối quan hệ cũ.

Việt Nam nằm ở vị trí khá chiến lược khiến mình trở thành quốc gia hấp dẫn đối với nhiều nước lớn. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam không có ý định muốn nằm trong quỹ đạo của một bên nào và luôn chủ trương duy trì lập trường ba không: “không tham gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, không dựa vào nước này để chống nước khác”.

Xuất phát từ quan điểm này, bên cạnh việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp với các đối tác truyền thống như Nga, Nhật Bản, Trung Quốc.

Các hợp đồng mua tàu ngầm Kilo, tàu tuần tra, hệ thống tên lửa tích hợp cho các tàu ngầm của Nga, việc Việt Nam bày tỏ quan tâm về việc mua hệ thống tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos của Ấn Độ-Nga hợp tác sản xuất là bằng chứng cho thấy Moscow vẫn là đối tác vũ khí hàng đầu của Việt Nam, Giáo sư Thayer nói thêm.

Gregory Pauling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng, hệ thống xuất khẩu vũ khí của Mỹ rất phức tạp đối với các nước như Việt Nam vốn chưa có kinh nghiệm có liên quan (chưa từng mua vũ khí của Mỹ hay của bất kỳ quốc gia NATO khác). Do đó, Việt Nam cũng cần có thời gian tìm hiểu để lựa chọn các loại vũ khí phù hợp với mình.

Ông Carl Thayer, chuyên gia về vấn đề châu Á và là một giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales tại Học viện Quốc phòng Úc.

Ông Carl Thayer, chuyên gia về vấn đề châu Á và là một giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales tại Học viện Quốc phòng Úc.

Theo ý kiến của ông, hợp đồng đầu tiên có thể liên quan tới nỗ lực bổ sung năng lực cho lực lượng Cảnh sát biển. Lượng Cảnh sát biển Việt Nam lớn thứ ba sau Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng trang bị chỉ ngang với Philippines và Malaysia.

Đại diện của “Lockheed Martin” và “Boeing” gần đây đã đến thăm Hà Nội, thúc đẩy đồn đoán cho rằng họ đang tìm kiếm hợp đồng bán hệ thống radar và thiết bị truyền thông tin duyên hải cho Việt Nam.

Giáo sư Thayer còn thấy triển vọng Việt Nam sẽ mua một loạt các hệ thống quân sự của Mỹ, từ máy bay trực thăng tuần tra P-3 Orion đến hệ thống điều khiển thông tin chiến đấu.

Ông Pauling cũng tin rằng giai đoạn mua sắm thứ hai có thể là máy bay và tàu thuyền. Ông cũng nhắc lại rằng hai năm trước, Việt Nam đã mua radar của Israel.

Tuy nhiên, Pauling nhận định rằng ngay cả khi Mỹ có thể cung cấp các hệ thống vũ khí chất lượng cao với giá cả phải chăng, thì Việt Nam cũng cần lưu ý tới những khó khăn liên quan đến các tiêu chuẩn mới về hậu cần và đào tạo do vũ khí nhiều nguồn gốc khác nhau sẽ rất khó kết hợp.

“Những vấn đề này có thể nhìn thấy rất rõ ràng ở láng giềng như Malaysia, nơi trang bị cả hai sản phẩm của Nga và NATO. Điều này rất không hiệu quả và tốn kém để duy trì”, ông nói.

Tuy nhiên theo giáo sư Thayer, những nỗ lực thúc đẩy hợp tác quân sự với Mỹ là cần thiết để cân bằng với sự vượt trội của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh đến nay vẫn chưa không công khai lên án triển vọng Mỹ cung cấp vũ khí cho Việt Nam có thể dẫn đến một thực tế rằng sự hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Việt Nam và Mỹ có thể đi đến một cấp độ cao hơn.

“Có thể là, ngoài việc mua các sản phẩm hoàn chỉnh, Việt Nam còn có kế hoạch hợp tác với các ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cho mục đích nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất”, Giáo sư Thayer nói thêm.

Cả giáo sư Thayer và ông Pauling đều tin rằng hợp đồng đầu tiên được ký kết không sớm hơn năm 2016.

Trí Lê (Theo Báo Giáo dục)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề