Ukraine: “Quân cờ” để Nga mặc cả với EU và NATO?

Chuyên gia khoa học chính trị Edward W. Walker thuộc Đại học California, Berkeley cho rằng, mục tiêu cuối cùng của Nga không phải là Ukraine mà là Liên minh châu Âu (EU) và NATO.

Theo tờ Business Insider (BI) của Mỹ, điện Kremlin đã khẳng định rõ ràng rằng sẽ theo đuổi mục tiêu chiến lược ở Ukraine bằng tất cả các biện pháp có thể. Nga cũng khẳng định có sức chịu đựng cao đối với các rủi ro có thể xảy ra và sẵn sàng đương đầu với phương Tây.

Không ai biết được Nga thực sự đang có mục tiêu gì và sẽ sử dụng chiến thuật gì để đạt được những mục tiêu đó.

Tuy nhiên, ông Walker cho rằng, “xung đột đóng băng” không phải là mục tiêu cuối cùng của Moscow bởi nó sẽ không thể khiến Kiev bỏ ý định gia nhập châu Âu. Thậm chí, tình trạng đó có thể trở thành một cơ hội cho Kiev ổn định lại tình hình kinh tế, chính trị và tăng cường quân sự cũng như cho phương Tây thời gian cần thiết để hỗ trợ Ukraine gia nhập EU.

“Xung đột đóng băng” có thể trở thành cái cớ đế giúp Moscow can thiệp vào miền Đông Ukraine với lý do giúp khu vực này khôi phục kinh tế. Về lâu dài, việc này không thể ngăn NATO tăng cường các căn cứ quân sự bao quanh Nga.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Nga tăng cường hỗ trợ cho ly khai ở miền Đông Ukraine trong thời gian gần đây theo như cáo buộc của Kiev là vì Nga muốn ly khai hoàn thành một số mục tiêu chiến lược trước mùa Đông, đặc biệt là sân bay Donetsk, hay là vì sắp tới các tuyến đường sẽ không sử dụng được nữa khi bị tuyết bao phủ.

Tuy nhiên, ông Walker khẳng định, mục tiêu chính của động thái này là nhằm đảm bảo rằng cuộc xung đột sẽ không bị đóng băng.

18

Đoàn xe quân sự mà Kiev cáo buộc là của Nga chuyển cho quân ly khai đang tiến vào Donetsk hôm 8/11.

Ông Walker nhận định, điện Kremlin đang cố đạt được các mục tiêu lớn hơn nhiều ở Ukraine như thay đổi chính phủ hay thay đổi chế độ theo hướng thân Nga; làm suy yếu và làm mất ổn định vĩnh viễn Ukraine, giúp ly khai kiểm soát thêm lãnh thổ, để nhắm tới mục tiêu cuối cùng là phương Tây.

Ông Walker cho rằng, trong khi không có mấy dấu hiệu cho thấy các bên có liên quan tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn hôm 5/9 thì theo cáo buộc của Ukraine, Nga vẫn đang tiếp tục đưa quân và các thiết bị quân sự sang cho quân ly khai ở miền Đông. Ukraine đang mất dần từng chút một các phần lãnh thổ vào tay ly khai. Quân ly khai đã chiếm được nhiều điểm kiểm soát chính dọc theo quốc lộ Bakhmutka về phía tây của Luhansk.

19

Nga không hề muốn “xung đột đóng băng” ở miền Đông Ukraine?

Xây dựng một đường đất liền kết nối tới Crimea cũng có thể đang là mục tiêu của Moscow. Các cuộc giao tranh đẫm máu để giành lấy thành phố cảng Mariupol sẽ là điều không tránh khỏi nếu Moscow thực sự muốn làm như vậy.

Hiện tại, theo Phát ngôn viên của quân đội Ukraine, ông Andriy Lysenko, quân ly khai đang tăng cường lực lượng tại các vị trí xung quanh thành phố cảng Mariupol ở phía đông nam. Nếu kiểm soát được thành phố này, ly khai không chỉ nối liền được Crimea với biên giới nước Nga mà còn dễ dàng chiếm thêm các phần lãnh thổ đông nam của Ukraine.

Ngoài ra, Nga cũng có thể đang muốn có một thỏa thuận chính thức với Kiev để bảo đảm một số mục tiêu chiến lược của Moscow như Kiev sẽ không gia nhập NATO hay EU; Kiev phải thừa nhận Crimea đã sáp nhập Nga; Kiev phải chấp nhận mất chủ quyền ở miền đông Ukraine.

Để đạt được điều đó, điện Kremlin sẽ gia tăng áp lực cho đến khi các lực lượng Ukraine “kiệt quệ” và Kiev nhận ra rằng Ukraine không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải theo đuổi kế hoạch hòa bình theo các điều kiện của điện Kremlin.

20

Mỹ, Đức đang bất đồng về việc áp đặt trừng phạt đối với Nga?

Và cuối cùng, theo nhận định của ông Walker, có lẽ mục tiêu chính trong các chính sách của Moscow không phải là Kiev mà là Washington và Brussels. Có thể Nga đang muốn dùng Ukraine để làm suy yếu, phá hủy NATO, EU hoặc cả hai.

Điện Kremlin đang muốn giải quyết dứt điểm cuộc đấu tranh địa chính trị cố hữu với phương Tây bằng cách gây áp lực tối đa không chỉ đối với Kiev mà còn với phương Tây, bao gồm cả áp lực quân sự trong những tháng năm tới. Nga sẽ hỗ trợ các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, tiến hành các chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” để tạo ra một điều kiện lớn nhằm mặc cả với phương Tây về cấu trúc an ninh tổng thể của châu Âu.

Trong thời gian gần đây, Nga đã tăng bất thường tần suất và số lượng máy bay quân sự xâm nhập vào không phận của châu Âu bất chấp sự phản đối của NATO.

Ít nhất, cho đến nay, Nga đã khiến nội bộ EU bị chia rẽ vì các kế hoạch trừng phạt đối với Moscow và khiến các nước Baltic mất không ít lòng tin về sự bảo vệ của NATO.

Trong khi các ngoại trưởng châu Âu cho biết sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới chống lại nước Nga thì Thủ tướng Đức Angela Merkel phản đối và khẳng định châu Âu không có kế hoạch tăng thêm lệnh trừng phạt đối với Nga. Bà cho rằng điều đó chỉ làm phức tạp thêm tình hình hiện nay.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…

Nguồn: Infomet/ Business Insider


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề