Có vui vì thu hút thêm nhiều dự án tỷ đô?

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang thể hiện vai trò ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế, nhưng cũng có hàng loạt vấn đề đáng quan tâm nổi lên.

Một năm thu hút FDI nổi trội

Kết thúc năm 2015, những người hoài nghi nhất cũng không thể phủ nhận được kết quả của các dự án FDI mang lại cho nền kinh tế Việt Nam.

Dự án Công ty Samsung Display Việt Nam từ số vốn đầu tư ban đầu 1 tỉ đô la Mỹ tại Bắc Ninh đã tăng thêm vốn lên 3 tỉ đô la Mỹ với mục tiêu sản xuất các loại màn hình.

Dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư  là 2,4 tỉ đô la Mỹ do Công ty Janakuasa Sdn. Bhd của Malaysia đầu tư tại tỉnh Trà Vinh để xây nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất khoảng 1.200 MW.

Dự án Công ty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương tổng vốn đầu tư là 1,2 tỉ đô la Mỹ do Cty cổ phần bất động sản Tiến Phước và Cty TNHH bất động sản Trần Thái liên doanh với nhà đầu tư Denver Power  Ltd của Vương quốc Anh đầu tư tại TP Hồ Chí Minh.

Nhà máy sản xuất giấy của công ty Cheng Loong Bình Dương có tổng vốn đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ của nhà đầu tư Samoa để sản xuất giấy công nghiệp và giấy tiêu dùng…

Những dự án hàng tỉ đô la Mỹ như trên cho thấy tình hình đăng ký vốn FDI đã dần sôi động trở lại. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 22,757 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,5% so với năm 2014.

Cũng trong năm 2015, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được ước tính 14,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,4% với năm 2014.

Trung bình giai đoạn 2011-2014, FDI giải ngân khoảng 11 tỉ đô la Mỹ thì trong năm 2015, FDI giải ngân tăng lên đến 14,5 tỉ đô la Mỹ.

Nguyên nhân của sự gia tăng này là do triển vọng kinh tế đang phục hồi, môi trường kinh doanh và tự do kinh tế đã có những cải thiện nhất định. Song, quan trọng hơn, xu thế của dòng vốn này thể hiện sự đón đầu các cơ hội từ rất nhiều hiệp định thương mại và đầu tư tự do mà Việt Nam đã ký kết và sắp sửa thực thi như TPP, FTA với EU, đồng thời trở thành thành viên chính thức của AEC từ cuối năm 2015.

Các nhà kinh tế nhận định, xu hướng này cũng phản ánh chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó Việt Nam được coi là điểm cuối, thay thế Trung Quốc trong tương lai gần.

FDI ngày càng lấn át trong nền kinh tế

Đó là những con số ấn tượng. Song, điều này lại đang tạo nên một số lo lắng rằng nền kinh tế sẽ bị phụ thuộc vào khu vực kinh tế này.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu của khu vực FDI trong năm 2015 đạt 115,1 tỉ đô la Mỹ, chiếm 70,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nhập khẩu của khu vực FDI năm 2015 đạt 97,9 tỉ đô la Mỹ, chiếm 59,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong năm 2015, khu vực FDI xuất siêu gần 17,15 tỉ đô la Mỹ.

Những con số trên cho thấy, khu vực doanh nghiệp này đã tận dụng rất tốt cơ hội Việt Nam hội nhập để vượt lên so với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Nhận định này cũng đúng với hàng loạt các tiêu chí khác. Tỷ trọng trong GDP của khu vực FDI đang ngày càng lấn tới, trong khi của khu vực doanh nghiệp nhà nước đang thoái lui, và của khu vực kinh tế ngoài nhà nước vẫn giẫm chân tại chỗ.

Nghiên cứu của chuyên gia Phạm Chi Lan cho thấy, tỷ trọng trong GDP của khu vực FDI đã tăng từ 13,3% năm 2000 lên 18,1% năm 2012. Trong khi đó, tỷ trọng trong GDP của khu vực DNNN lại giảm từ 38,5% xuống còn 32,6% trong khoảng thời gian trên; còn tỷ trọng của khu vực tư nhân trong nước vẫn là 48,2 % năm 2000, và 49,1% năm 2012.

Như vậy, đóng góp của khu vực FDI vào GDP gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Doanh nghiệp FDI cũng đang đóng góp lớn nhất vào cán cân thương mại của nền kinh tế. Có thể nói, một động lực quan trọng cho tăng trưởng nền kinh tế hiện nay là từ khu vực FDI.

Chuyển 9-10 tỉ đô ra ngoài mỗi năm

Các doanh nghiệp FDI có thể đóng góp vào tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng đánh đổi là nguồn lực trong nước có thể bị tiêu hao. Tăng trưởng GDP có thể cao, nhưng cái thực chất của một quốc gia có được chính là chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) và tiết kiệm (saving).

Nếu phần chênh lệch giữa GNI và GDP dương, có nghĩa Việt Nam có thu nhập sở hữu thuần với nước ngoài. Ngược lại, nếu phần chênh lệch này là âm có nghĩa Việt Nam phải chi trả sở hữu cho nước ngoài nhiều hơn phần thu được từ sở hữu của mình.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Trần Thọ Đạt và Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tỷ lệ GNI/GDP đã giảm xuống từ năm 2006 đến nay. Nếu như tỷ lệ này năm 2006 là 97,9% thì đến năm 2014 chỉ còn 95,1%.

Phần chênh lệch gia tăng giữa hai biến số chính là từ khu vực FDI (chi trả sở hữu thuần). Nếu quy theo đô la Mỹ thì năm 2013 luồng tiền chảy ra nước ngoài là 8,6 tỉ đô la Mỹ và năm 2014 là 9 tỉ đô la Mỹ, và nửa đầu năm 2015 là 4,2 tỷ đô la Mỹ.

“Tình hình này vẫn không có dấu hiệu thay đổi và luồng tiền chảy ra nước ngoài hàng năm vẫn không có dấu hiệu đổi”, nghiên cứu của hai tiến sĩ này nhận định.

Điều này phản ánh sức khỏe nền kinh tế là đáng ngại cả về quá trình tạo thành thu nhập từ sản xuất và phân phối lại thu nhập từ sở hữu.

Hai chuyên gia trên cho rằng, với những khung chính sách như hiện nay chủ yếu là hướng tới quản lý cầu, thì có thể gây ra những rủi ro trong thời gian tới do nguy cơ lạm phát có thể quay lại và thâm hụt thương mại ngày càng trầm trọng đối với khu vực kinh tế trong nước.

Hai vị chuyên gia khẳng định, khi xuất khẩu hoàn toàn do khu vực FDI chiếm lĩnh và vay nợ ngày một nhiều thì nguy cơ luồng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài sẽ ngày càng gia tăng.

Tiến sĩ Đạt cho rằng, mặc dù FDI đang có đóng góp và là động lực cho hồi phục tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng về dài hạn, khu vực này khó tạo được tăng trưởng cao và bền vững cho nền kinh tế.

Như vậy, nền tảng cốt lõi vẫn phải là thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, tạo môi trường tốt để nó phát triển, thay vì cứ duy trì phân biệt đối xử, bên cạnh thu hút vốn FDI.

Theo thesaigontimes.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề