Ấn tượng của du khách là giao thông Việt Nam

Ai cũng biết rằng kỳ quan thế giới để lại ấn tượng sâu đậm nhất của Việt nam trong lòng du khách, chính là phương thức người Việt Nam ta tham gia giao thông. Mình chẳng muốn thêm vào cái ấn tượng ấy tý mắm muối nào nữa đâu, vì nó đã quá ấn tượng rồi. Nhưng mình muốn thêm tý nét chấm phá yêu đời cho phương tiện giao thông mà mình thích sử dụng trong những ngày này. Ấy là xe bus ( của Hà nội ). Thoạt nhìn cái phương tiện kềnh càng này trên những con phố bé tẹo và đông nghẹt xe cộ thì mình thấy cũng chả có cảm tình gì. Nhưng khi đã sử dụng dịch vụ của nó thì mình lại có cảm tình đặc biệt mới chết chứ.

Bất chấp những lời rên la của mẹ về việc hãy cẩn thận mất cắp trên xe bus nhé, bất chấp những cảnh cáo của bố rằng mấy tay lái xe bus rất chi là cẩu thả, ta chưa kịp lên hay xuống xe là xe đã lăn bánh làm khối ông già bà cả ngã gãy tay chân, mình cứ leo lên xe bus tuyến 09 ngao du về khu phố cổ của một thời thơ bé. Xe bus của Hà nội không quá đông ( chắc vì bây giờ đang mùa hè,sinh viên học sinh phần lớn đã nghỉ ) và rất mát mẻ với hệ thống điều hòa nhiệt độ. Các bác tài tuy đôi khi cũng cẩu thả và sốt ruột bấm còi ầm ĩ hoặc lượn lách nhưng nhìn chung các bác làm mình rất thán phục. Không dưới vài lần mình hoảng hốt giật mình khi những nơi tưởng chừng không thể vào cua vì đường quá hẹp và phương tiện cứ đua nhau lao tới, chen lách trước mũi xe mà các bác vẫn thực hiện vòng cua rất ngoạn mục. Và hơn hết là cả một cộng đồng hành khách rất nhanh chóng trở thành thân thiện với nhau dù chỉ cùng nhau đi chung một đoạn đường. Hôm nay, mình lại lên phố cổ. Chờ xe hơi lâu, gần 20 phút cơ đấy, may mà hôm nay không quá nóng như mấy hôm trước. Lên xe, mình ngồi ngay trên dãy ghế đầu.Đến bến đỗ tiếp theo, một bà cụ già níu vào cửa cố gắng bước lên. Anh phụ xe vội chạy tới dìu cụ lên rồi đỡ cụ ngồi vào chiếc ghế đối diện với mình. Cụ bảo, anh ơi tới Công viên Thống nhất anh bảo tôi nhé! Anh phụ xe trả lời, vâng ạ. Chừng chưa yên tâm lắm, cụ lại bảo, tôi già rồi các anh linh động cho tôi xuống cửa này nhé ( Xe bus HN quy định, lên xe cửa trước, xuống xe cửa sau ). Anh phụ xe lại nói, bà ơi, bà đừng lo. Cháu sẽ đưa bà đến tận cửa! Lại một bến đỗ nữa, lại có vài người lên. Một cụ ông chừng ngoài 70 nhưng vẫn còn tráng kiện nhanh nhẹn đứng vào chỗ trống bên cạnh mình.Anh phụ xe kêu to, nào thanh niên đứng lên đi, nhường chỗ, nhường chỗ! Cụ ông ngăn lại, thôi, tôi đi có mấy bến thôi, tôi thích đứng mà, rồi cụ vội thông báo tin tức, các anh có biết xe 01 chẹt một người chui gọn dưới gầm xe không ?. Cả xe nhao lên, chỗ nào, chỗ nào? Ở Xã đàn ấy. Bác tài góp chuyện, hình như từ hôm qua, mà cũng không bị thương nghiêm trọng gì. Ừ từ tối hôm qua. Xe đang cua mà, cứ cố tình lách qua. Mà mấy cái anh lái anh phụ dại quá, không trốn đi, còn đưa nó vào viện làm gì ( mình nghe sởn hết gai ốc !) để mấy thằng người nhà nó vào tận viện, nó đánh cho.Cả xe lại nhao lên, nó đánh thế nào, có sao không?. Ôi giời, không biết. Thế có gọi công an không? Chúng nó chạy mất tiêu luôn rồi còn đâu.

Tìm chúng nó khó gì, cứ tóm cái thằng đang nằm viện ấy… Mọi người bắt đầu bàn tán xem tình thế sẽ ra sao, nếu lái,phụ xe bị thương tích thì bọn côn đồ kia có bị truy tố không, có bị đi tù không. Câu chuyện lắng xuống khi cụ ông nghe điện thoại, rồi cụ lại loay hoay tìm số gọi điện cho ai đó. Giọng cụ cứ sang sảng. Ở bến tiếp theo, chị phụ nữ ngồi cạnh tôi xuống. Cụ ông nhìn quanh không thấy ai muốn ngồi, cụ bèn ngồi vào chỗ trống. Anh phụ xe nhìn cái điện thoại của cụ bảo, ôi, cái này bền lắm đấy. Cụ cười khoái chí, tôi về quê ăn giỗ, bọn trẻ nó cứ bảo điện thoại của ông đáng vứt đi được rồi, tôi tức quá cầm điện thoại ném luôn vào con chó, rơi xoảng xuống sân, thế mà chả sao, vẫn tốt như thường. Anh phụ xe phụ họa, cái này đời đầu đấy, lâu lắm rồi, ông thay đi còn lướt nét chứ. Cụ ông lại cười to, cái này đúng là đời đầu đấy, cái quảng cáo có con khỉ cướp điện thoại rồi trèo tót lên cây, sau bị truy rát quá nên vứt xuống đất ấy. Nhớ không.! Mình rụt rè hỏi, thế điện thoại của ông hãng nào ạ? Cụ bảo, không biết, rồi đưa cho anh phụ xe xem hộ. Anh phụ xe nhìn ngược xuôi, mờ hết rồi, không biết của hãng nào nữa. Nhìn dáng thì có vẻ của Nokia. Thế là cả xe mặc định cái điện thoại con khỉ cướp ấy của Nokia. Cụ ông lại kể, tôi ngày nào cũng lên Bờ hồ, đi dạo quanh hồ, rồi đi ăn một bát phở Thìn, uống cafe quán gần đấy rồi lại đi xe bus về nhà. Trước đây nhà tôi là cả khối nhà 6A Lê Thái Tổ, sau mới chuyển về đây. tôi ngày nào cũng về Bờ hồ cho đỡ nhớ! Mình cũng bùi ngùi, nhà mình cũng ở phố cổ, rồi cũng về đây, nhưng mình không biết rằng nếu không có công việc thì mình có hàng ngày lên Bờ hồ cho đỡ nhớ không ! Đến Công viên Thống nhất, anh phụ xe giúp bà cụ đến cửa sau xe để xuống. Anh nhắc bác tài, có người già xuống đấy! Xe lại chuyển bánh. Chợt cả xe lại nhao lên dồn về một phía nhìn xuống đường. Mấy cậu thanh niên khoái chí nói, gặp phải thằng không phải dạng vừa đâu rồi! Tôi nghển đầu nhìn qua cửa kính bên kia, dưới đường một cảnh sát giao thông áo vàng đang giữ một người đàn ông. Người đàn ông khua tay giải thích điều gì đó.
Càng gần về trung tâm, người xuống dần vợi hẳn xe đi, cụ ông ngồi cạnh tôi xuống ở bưu điện. Tôi về bến cuối cùng, thong dong về với phố Hàng của ngày thơ dại và thầm nghĩ, gần 30 năm xa Hà nội, sao xe bus với tôi vẫn thân thương như ngày nào còn chờ xe Bác cổ- Hà đông hay Yên phụ- Hà đông giữa bụi mù của đường Nguyễn Trãi đang xây dở.

Nguyễn Hồng Giang Hà nội 16/7/2015


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề