Vụ kiện Biển Đông: “Mặt nạ” của Trung Quốc đang rơi dần

Cái gọi là “đường 9 đoạn” và “quyền lịch sử”- những cơ sở để Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, cùng các chiêu mánh của Bắc Kinh nhằm thực hiện tham vọng đó của mình đã bị Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vạch trần tại phiên tranh tụng đầu tiên về vụ kiện liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông ở Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA) ở La Haye (Hà Lan).

UNCLOS không đề cập không có nghĩa là thừa nhận “quyền lịch sử”?

Trước vị Chủ tọa cùng Hội đồng xét xử, người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines đã khẳng định sự tin tưởng tuyệt đối của Manila vào luật lệ và các thể chế do cộng đồng quốc tế tạo ra để điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia.

Đối với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh đó là bản “Hiến pháp của đại dương”, “là một trong số những thành tựu quan trọng nhất của thế giới trong việc tạo lập các quy định minh bạch về việc sử dụng biển hòa bình, tự do hàng hải, bảo vệ môi trường biển và có lẽ quan trọng hơn cả là xác định rõ ràng giới hạn các vùng hàng hải mà các quốc gia được quyền thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán”.

Trên cơ sở đó, ông del Rosario đã trình bày những luận điểm dựa trên UNCLOS 1982 và bằng chứng thực tế để bác bỏ các cơ sở yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông; đồng thời tố cáo Bắc Kinh coi thường và vi phạm UNCLOS, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines.

Dưới đây là trích lược nội dung phát biểu của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trước PCA:

“Kính thưa ngài Chủ tọa. Cho phép tôi được trân trọng khẳng định rõ ràng rằng: Trong đệ trình khiếu nại của mình, Philippines không yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc.

Chúng tôi đang có mặt ở đây vì chúng tôi muốn làm rõ các quyền lợi hàng hải của mình trong khu vực Biển Đông – một vấn đề thuộc về thẩm quyền của quý tòa. Đây là vấn đề quan trọng nhất không chỉ đối với Philippines mà còn đối với cả các quốc gia ven biển giáp với Biển Đông và thậm chí là cho tất cả các quốc gia tham gia vào UNCLOS. Luật sư của chúng tôi sẽ nói nhiều hơn nữa về việc áp dụng (giải thích) UNCLOS vào tranh chấp pháp lý này trong quá trình điều trần bằng miệng. Nhưng theo quan điểm khiêm tốn của một người ngoại đạo về luật như tôi, trung tâm của tranh chấp lý trong sự vụ này có thể được diễn giải như sau:

Đối với Philippines, các quyền lợi hàng hải của các quốc gia ven biển đối với vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và các quyền, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên (UNCLOS) trong các khu vực này, được thành lập, được xác định và bị giới hạn bởi những điều khoản minh bạch của Công ước. Những điều khoản rõ ràng đó không cho phép, trên thực tế là ngăn cản (các quốc gia thành viên) tuyên bố các quyền lợi rộng hơn, hay quyền chủ quyền, quyền tài phán, đối với các vùng biển xa hơn giới hạn của EEZ (vùng đặc quyền kinh tế) hay thềm lục địa. Đặc biệt, Công ước không công nhận, hay cho phép thực hiện cái gọi là “quyền lịch sử” trong khu vực vượt ra ngoài giới hạn của khu vực hàng hải được UNCLOS công nhận hay xác lập.

Đáng buồn thay, thưa ngài Chủ tọa, Trung Quốc lại chống lại quy định này bằng cả lời nói và hành động. Họ tuyên bố rằng họ được quyền thực thi các quyền chủ quyền và quyền tài phán, bao gồm cả quyền độc chiếm các nguồn tài nguyên biển và đáy biển, vượt xa các giới hạn được thiết lập trong Công ước, dựa trên cái gọi là “quyền lịch sử” đối với những khu vực này.

Cho dù là luận điệu “quyền lịch sử” vượt quá các giới hạn đó được thiết lập dựa trên cái mà Trung Quốc gọi là “đường 9 đoạn”, được hiểu như là yêu sách của Trung Quốc, hoặc cho dù là chúng có chứa đựng một phần lớn hơn hay hẹp hơn ở Biển Đông, thì sự thật không thể chối cãi và yếu tố trung tâm của vụ tranh chấp pháp lý giữa các bên chính là việc Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền dựa trên “quyền lịch sử” ở những khu vực biển vô cùng rộng lớn và đáy biển nằm vượt xa giới hạn các quyền lợi đối với EEZ của và thềm lục địa của họ theo Công ước.

Trong thực tế, thưa ngài Chủ tọa, Trung Quốc đã làm nhiều việc hơn nữa, chứ không chỉ đơn giản là tuyên bố cái gọi là “quyền lịch sử” nói trên. Họ đã hành động một cách mạnh mẽ để khẳng định yêu sách của mình, bằng cách khai thác các tài nguyên sinh vật và vi sinh vật ở trong những khu vực vượt ra ngoài các giới hạn của UNCLOS, thậm chí cách xa vùng EEZ hay thềm lục địa mà Trung Quốc có thể tuyên bố theo Công ước hàng trăm dặm, trong khi Công ước ngăn cản các quốc gia ven biển khác, bao gồm cả Philippines, khai thác các nguồn tài nguyên ở những khu vực tương tự – thậm chí trong nhiều trường hợp là cả ở những khu vực nằm trong vùng biển 200 hải lý của Philippines.

Các tranh chấp pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc về yêu sách của Trung Quốc và việc nước này thực thi cái gọi là “quyền lịch sử” là một vấn đề nằm trong Công ước, đặc biệt là Phần XV, bất chấp việc Trung Quốc đang tuyên bố rằng “quyền lịch sử” được công nhận theo Công ước, hoặc có thể được Công ước thừa nhận vì nó không bị Công ước loại trừ. Trung Quốc đã đưa cả 2 lập luận này vào trong các tuyên bố công khai của mình. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến mục đích giải thích hay áp dụng Công ước đối với tranh chấp này.

Câu hỏi được nêu ra ở đây là: Các quyền lợi hàng hải phải được điều chỉnh chặt chẽ bằng UNCLOS, do đó Công ước không cho phép (các quốc gia thành viên UNCLOS) đòi hỏi quyền lợi hàng hải dựa trên “các quyền lịch sử” là đúng? Hay là UNCLOS cho phép một quốc gia được đòi hỏi quyền lợi dựa trên “các quyền lịch sử”, hoặc là các quyền khác, thậm chí vượt ra ngoài những quy định của chính Công ước?”

Yêu cầu của Philippines

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng công khai đề đạt những yêu cầu của Manila đối với tòa án trong vụ việc này. Ông nói:

“Philippines hiểu rằng thẩm quyền của tòa án được thành lập theo UNCLOS này được giới hạn cho các khiếu nại liên quan đến luật biển. Vì vậy, chúng tôi đã có chuẩn bị đáp ứng những câu hỏi liên quan đến những vấn đề phát sinh trực tiếp theo Công ước. Trong những ngày điều trần tới, chúng tôi sẽ trình bày 5 luận điểm chính. Đó là:

– Thứ nhất, Trung Quốc không có quyền thực hiện những gì họ gọi là “quyền lịch sử” trên các vùng biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy và vượt ra ngoài giới hạn các quyền lợi của mình theo Công ước.

– Thứ hai, cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vin vào để xác định giới hạn yêu sách với “quyền lịch sử”, không có cơ sở nào theo luật quốc tế.

– Thứ ba, các thực thể (features) hàng hải khác nhau mà Trung Quốc dựa vào như là cơ sở để để khẳng định yêu sách ở Biển Đông không phải là đảo để mà có thể tạo ra quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho họ. Thay vào đó, một số thực thể đó là “bãi đá” theo ý nghĩa trong Điều 121, khoản 3; số khác bị ngập trong nước khi thủy triều lên; một số khác nữa bị ngập vĩnh viễn. Kết quả là, không thực thể nào có khả năng tạo ra quyền lợi vượt quá 12 hải lý và có một số còn không tạo ra bất cứ quyền lợi nào. Các hoạt động bồi đắp khai hoang quy mô lớn của Trung Quốc gần đây không thể thay đổi hợp pháp đặc điểm và bản chất tự nhiên nguyên gốc của những thực thể này.

– Thứ tư, Trung Quốc đã vi phạm Công ước khi can thiệp vào việc Philippines thực hiện các quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình.

– Thứ năm, Trung Quốc đã phá hoại môi trường biển trong khu vực đến mức không thể phục hồi được, vi phạm UNCLOS, qua việc phá hủy các rạn san hô ở biển Nam Trung Hoa (tên quốc tế gọi Biển Đông – NV), bao gồm cả các khu vực trong EEZ của Philippines, bởi các hoạt động đánh bắt liều lĩnh và mang tính hủy diệt, cũng như việc săn bắt các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng của họ”.

Ngoại trưởng Philippines cũng nhắc lại câu chuyện Trung Quốc đã chiếm đóng bãi Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa), để chứng tỏ Manila đã nỗ lực giải quyết tranh chấp với Trung Quốc hơn 2 thập niên một cách hòa bình, qua đàm phán ngoại giao, qua các cơ chế song phương, đa phương và khu vực nhưng đều không mang lại kết quả nào.

Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines trên Biển Đông năm 2012 là nguyên nhân trực tiếp khiến Manila khởi kiện Bắc Kinh

Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines trên Biển Đông năm 2012 là nguyên nhân trực tiếp khiến Manila khởi kiện Bắc Kinh

Việt Nam cử quan sát viên tới dự phiên tòa

Được biết, vụ kiện do Philippines khởi xướng liên quan đến tranh chấp Biển Đông của PCA đã thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia liên quan trực tiếp đến tranh chấp, cũng như cộng đồng quốc tế. Thông cáo hôm 7-7-2015 của PCA cũng cho biết, tòa cho phép Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, và Thái Lan, gửi phái đoàn nhỏ đến dự phiên tòa xem xét thẩm quyền xử vụ kiện do Philippines khởi xướng liên quan đến tranh chấp Biển Đông của PCA như quan sát viên.

Dự kiến, phiên nghe tranh luận của Philippines bắt đầu hôm 7-7 và có thể kết thúc vào ngày 13-7 tới.

Sở dĩ, cách đây hơn 2 năm, Philippines lựa chọn PCA để nộp đơn kiện theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là vì tòa án này được quyền xét xử các vụ kiện trong trường hợp bên bị kiện phản đối và từ chối theo kiện. Đây là điểm ưu việt trong trường hợp này của PCA so với Tòa án Công lý Quốc tế cũng ở La Haye, vì nếu Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện thì Tòa án Công lý Quốc tế không thể đưa ra phán quyết về chủ quyền lãnh thổ tranh chấp được.

Tuy nhiên, trong bản Tuyên bố về lập trường công bố cuối tháng 12-2014, Trung Quốc đã khẳng định “bản chất” vụ kiện của Philippines là chủ quyền và do đó vấn đề này vượt ra ngoài phạm vi thẩm quyền xét xử của PCA. Do đó, phiên tranh tụng đang diễn ra với phần điều trần của Philippines là để giải quyết vấn đề PCA có thẩm quyền để xét xử đơn kiện của Manila hay không.

Đây là lần đầu tiên các tranh chấp lãnh thổ phức tạp ở Biển Đông được xem xét theo cơ chế trọng tài, mặc dù Bắc Kinh đã chính thức từ chối tham gia.

Tuy nhiên, nếu phán quyết của PCA có lợi nhiều cho phía Philippines, thì theo giới quan sát, đây cũng chỉ là một “thắng lợi tinh thần” cho Manila, bởi Bắc Kinh nhất định sẽ bác bỏ và không thực hiện, trong khi UNCLOS 1982 không tạo ra bất kỳ cơ chế cho việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với chính phủ không thực hiện các quyết định của trọng tài quốc tế.

Trí Lê (Theo PetroTimes)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề