Việt kiều vẫn bị vòi tiền ở Tân Sơn Nhất

Nhiều hành khách, nhất là Việt kiều, khi làm thủ tục xuất nhập cảnh ở các phi trường quốc tế của Việt Nam than phiền bị vòi vĩnh, hạch sách… các kiểu, chỉ khi đưa tiền mới được “tha.”

Ðây là chuyện diễn ra hàng ngày suốt bao năm qua không hề thay đổi dù người ta thấy có những khẩu hiệu nhắc nhở cấm đoán nạn vòi vĩnh hối lộ để hải quan dễ dãi xét hành lý. Hoặc là kẹp tiền vào hộ chiếu và đi qua nhanh chóng, hoặc bị rầy rà kiếm chuyện nhiều khi là những rắc rối không đáng có.

Tờ Tuổi Trẻ dẫn lời ông Trần Hòa Phương, phó chủ nhiệm Ủy Ban Người Việt Nam ở Nước Ngoài thành phố Sài Gòn cho biết, bà con Việt kiều than phiền về tình trạng vòi vĩnh ở phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất ngày một trắng trợn. Tuy không có phúc trình chính thức về tình trạng “xin tiền” ở phi trường này, nhưng tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa ủy ban và bà con Việt kiều, vấn đề này đều được bà con nhắc đến.

Sáng 7 tháng 4, 2015, ông B.L. Việt kiều Mỹ làm thủ tục xuất cảnh trên chuyến bay JL 750 khởi hành từ Sài Gòn đi Nhật lúc 8 giờ 40. Tại cửa soi chiếu an ninh ngay sau quầy làm thủ tục lên máy bay, nhân viên hải quan sau khi soi các kiện hành lý đã cho dừng lại và yêu cầu ông B.L. báo cho biết trong kiện hành lý có những vật dụng gì.

Ông B.L. nói có đầu karaoke “Made in VietNam” của người thân tặng làm quà. Ngay sau đó, nhân viên hải quan đã yêu cầu ông phải xuất trình hóa đơn bán hàng để tính thuế 10% trên tổng giá trị hóa đơn.

Ngạc nhiên bởi đòi hỏi vô lý này, ông B.L. thắc mắc vì sao là hành lý mang theo người, hàng mua tại Việt Nam, ông không hề đòi hoàn thuế sao lại còn đòi phải có hóa đơn. Nếu vậy du khách sao dám mua hàng tại Việt Nam mang về nước? Mặc dù làm dữ, nhưng hải quan vẫn không cho qua, vì là Việt kiều, lại phải chuẩn bị cho chuyến bay dài, cũng không dám phản ảnh, khiếu nại vì sợ phiền toái, ông đành về Mỹ trong trạng thái không vui.

Tương tự, ông N.T.A., Việt kiều Úc kể, trong một lần từ Việt Nam trở về Úc, khi đang chờ kiểm tra soi chiếu hành lý tại phi trường Tân Sơn Nhất, ông cũng bị một nhân viên hải quan giữ lại, yêu cầu xuất hóa đơn của mấy đôi guốc gỗ. Ông A. cho rằng đây chỉ là quà tặng cho gia đình, không đáng bao nhiêu tiền. Thế nhưng nhân viên hải quan nhất quyết không cho đi, ông A bực tức vứt bỏ mấy đôi guốc gỗ lại mới được thông quan.

Ông Hòa Phương kể, có lần ông đi từ Mỹ về Việt Nam, quá cảnh tại Ðài Loan, chặng bay từ Ðài Loan về Sài Gòn cả máy bay xôn xao, bà con liên tục nhắc nhau “bỏ tiền vào hộ chiếu đi,” “không bỏ vào sẽ bị làm khó,” nhiều người còn khuyên cả ông nên chủ động làm theo, nếu không sẽ không được nhập cảnh.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ về các trường hợp này, ông Trần Ðức Minh, phó chi cục trưởng Chi Cục Hải Quan Tân Sơn Nhất cho biết, đang đi công tác, nhưng khẳng định “nếu đúng như báo chí phản ánh thì cơ quan này sẽ kiểm tra lại quy trình và nếu phát hiện sẽ ‘tìm biện pháp chấn chỉnh.’”

Thế nhưng để chống chế, một lãnh đạo phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, đã từng nghe phản ảnh về hiện tượng này. Nhưng từ sau khi công bố số điện thoại đường dây nóng vào cuối năm 2014, đến nay chưa nhận được khiếu nại liên quan chuyện vòi vĩnh trong phi trường.

Phi trường đã lắp đặt camera giám sát tại khu vực soi chiếu an ninh, chỉ khi nào nhận được khiếu nại, yêu cầu truy xuất mới có thể xem lại từng trường hợp từ băng ghi hình.

Tuổi trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề