Sự phát triển chóng mặt của Uber tại Việt Nam đã trở thành ví dụ điển hình cho thành công của mô hình kinh tế chia sẻ.
Những đổi mới trong mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam đang trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng và những nhà quản lý, những người hoạch định kinh tế. Làm thế nào để phát huy những hiệu quả của loại hình kinh tế này tại Việt Nam và làm cách nào để quản lý cách thức hoạt động của nó?
Câu hỏi này đã được Tiến sĩ Võ Chí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế TW và ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia – hai khách mời trong chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này – giải đáp.
Mô hình kinh tế chia sẻ đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam, rõ nét nhất trong lĩnh vực vận tải, điển hình là dịch vụ taxi Uber . Theo ông Khuất Việt Hùng, đây là một ví dụ khi xuất hiện cơ hội để người cung ứng và người có nhu cầu kết nối với nhau một cách nhanh chóng, chính xác hơn.
Cho rằng sự xuất hiện của Uber là khởi đầu của những đổi mới mạnh mẽ của nền kinh tế tại Việt Nam, Tiến sĩ Võ Chí Thành nói: “Chúng ta đang chứng kiến những sự thay đổi rất mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam và câu chuyện về Uber cho thấy sức mạnh, tầm ảnh hưởng của công nghệ thông tin hiện nay đã tạo nên một cuộc cách mạng mới trong kết nối giữa những người cung ứng dịch vụ, hàng hóa với những người tiêu dùng. Như vậy, nó đáp ứng một điều các nhà hoạch định kinh tế luôn mong mỏi: nguồn lực được phân bổ hiệu quả nhất và có ích nhất”.
Bên cạnh đó, Uber cũng đặt ra một vấn đề rất quan trọng trong kinh doanh, đó là cạnh tranh. Trên thực tế, trước áp lực cạnh tranh của Uber, rất nhiều hình thức khác cạnh tranh với Uber cũng ra đời. Một điểm khác đáng quan tâm, đó là Việt Nam liệu có mở cửa đối với loại hình kinh doanh xuyên biên giới này hay không vì loại hình kinh doanh này cần có sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ, nhất là trong việc thu thuế.
Trong số các công ty dịch vụ chia sẻ khởi nghiệp trên Internet, Uber được xem là một “hiện tượng”. Bắt đầu vận hành vào năm 2009 ở San Francisco nhưng sau 5 năm, Uber đã có doanh thu hơn 1 tỷ USD và hiện nay được định giá trên thị trường là 40 tỷ USD. Uber đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam, bắt đầu tại TP.HCM và thu hút đông đảo người tiêu dùng.
Uber hay Grab Taxi đang là minh chứng rõ nét nhất cho mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.
BizLive
Trả lời