Những kẻ ‘vô sản’ thay đổi cả thế giới

Uber, cung cấp dịch vụ vận tải lớn nhất thế giới, không sở hữu một chiếc xe nào. Facebook, nơi chia sẻ thông tin lớn nhất thế giới, chẳng tạo ra bất kỳ nội dung nào. Alibaba, nhà bán lẻ giá trị nhất thế giới thậm chí chẳng có lấy một kho hàng

Tan tầm, Nguyễn Trung Anh (Hà Nội), liếc vào đồng hồ nhìn thời gian. 5h chiều, giờ anh phải đến đón hai mẹ con đang ở nhà ngoại. Tuy nhiên, thay vì rời khỏi văn phòng, Trung Anh mở một ứng dụng trên điện thoại. Đó là Uber. Một đến hai lần click, một chiếc xe đã đến đón hai mẹ con chỉ sau vài phút. Dù giá gọi Uber thời điểm tan tầm cao hơn so với bình thường, nó vẫn rẻ hơn so với taxi.

“Ứng dụng này rất tiện lợi, chỉ cần vài thao tác quẹt là có thể gọi ngay một chiếc xe đến đón hai mẹ con. Vừa nhanh chóng, vừa đỡ bị mang tiếng đi về sớm”, Trung Anh chia sẻ.

Trung Anh không phải là người duy nhất tại Việt Nam dùng Uber. Hồi giữa tháng 4, giám đốc Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng cho biết đây là thị trường có số lượng chuyến xe tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu.

Điểm thú vị là dù đang làm mưa làm gió trên thế giới, khiến nhiều hãng taxi tức giận nhưng thực tế, Uber không hề sở hữu một chiếc xe nào. Hãng cũng không cần đăng ký kinh doanh vận tải mà chỉ đăng ký dưới dạng công ty công nghệ.

Uber không phải là trường hợp cá biệt. Ngày nay, chúng ta đang tham gia vào rất nhiều môi trường như vậy.

Hầu hết trong chúng ta đều có một tài khoản Facebook. Với 1 tỉ người dùng, Facebook là nơi chứa đựng vô vàn thông tin quý giá, những nội dung, những chia sẻ hấp dẫn. Tại Việt Nam, gần như tất cả 30 triệu người dùng Internet đều có tài khoản trên mạng xã hội này. Thế nhưng, cũng giống Uber, Facebook không tự tạo ra bất kỳ nội dung nào. Trang chia sẻ video Youtube cũng vậy.

Alibaba, nhà bán lẻ có giá trị lớn nhất thế giới, thậm chí còn chẳng sở hữu lấy một kho hàng. Airbnb, nơi cung cấp nhà cho thuê lớn nhất thế giới, cũng không sở hữu một căn nhà nào.

18

Giá trị những công ty này không hề nhỏ. Facebook có giá trị thị trường lên tới 247 tỉ USD, Alibaba khoảng 200 tỉ USD. Những start up mới ra đời như Uber cũng được định giá tới 50 tỉ USD, Airbnb có giá trị 25,5 tỉ USD. Thậm chí, một ứng dụng chuyên để chia sẻ ảnh như Instagram cũng được định giá tới 1 tỉ USD từ vài năm trước. Tất nhiên, Instagram cũng chẳng cần lấy một chiếc máy ảnh.

Những công ty “vô sản” lại có giá trị vô cùng lớn. Đâu là thứ để người ta định giá những Facebook, Youtube hay Uber, Instagram? Điểm chung chúng ta thấy được ở những công ty này đó là Internet và cộng đồng.

Kể từ sau cuộc cách mạng công nghiệp, thế giới đã phát triển ra những chuỗi cung ứng phức tạp, từ thiết kế tới sản xuất, từ phân phối tới nhập khẩu, từ bán buôn tới bán lẻ. Hàng tỉ thứ sản phẩm được tạo ra, vận chuyển, mua và bán tại mọi ngóc ngách của thế giới. Thế nhưng, ngày nay, với thời đại của Internet, đặc biệt là điện thoại di động, chúng ta đang chứng kiến những thành tựu quá khứ nhanh chóng bị thay thế bằng một thế lực mới.

Những Facebook, Twitter, WhatsApp, Airbnb, Uber, Instagram, Alibaba,… đang trở thành những công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử. Và lý do nhà đầu tư không ngừng đổ tiền vào đây chỉ có một – đó là những công ty này sở hữu những tài sản vô giá: Những nền tảng với hàng tỉ người dùng. Một cách đơn giản, những công ty này tạo ra nền tảng từ ý tưởng của mình, lôi kéo một cộng đồng càng lớn càng tốt. Mỗi người trong cộng đồng ấy sẽ là một “công nhân” đóng góp cho hệ thống. Với Facebook hay Twitter, họ đóng góp nội dung, với Instagram, đó là ảnh,…

Mô hình mới tinh giản hơn rất nhiều so với kiểu cũ. Chẳng hạn, tờ New York Times muốn ra một bài báo thì trước tiên phải đi mua… giấy, thuê phóng viên viết bài, biên tập, kiểm tra nội dung, in ấn và cuối cùng là xuất bản. Quá nhiều công đoạn và tốn kém. Trong khi đó, Facebook chỉ tạo ra nền tảng cho mọi người tự tạo ra nội dung.

Uber, thay vì bỏ tiền ra mua taxi, trả lương cho tài xế, bảo hành xe, đóng bảo hiểm,… chỉ tạo ra nền tảng để mọi người tự tham gia đóng góp xe và tạo ra chuyến đi.

Thậm chí, những doanh nghiệp thời đại mới đang từng bước lấn sân và ‘hủy diệt’ những ông chủ cũ. Trong khi ngành báo chí gặp khó khăn, các tờ báo lớn nhất thế giới như Wall Street Journal hay New Yorks Times liên tục cắt giảm nhân sự thì Facebook đang tính kết hợp với các nhà báo để nâng cao chất lượng nội dung trên mạng xã hội của mình. Twitter thì đang hướng tới việc tạo ra các nội dung trên TV.

Với cơ cấu tinh giản, những doanh nghiệp thời đại mới không còn bị gò bó bởi ngành nghề kinh doanh. Sẽ chẳng có gì khó khăn nếu Uber thêm vào dịch vụ cho thuê máy bay hay du thuyền bên cạnh ô tô.

Những “ông chủ” thời đại cũ buộc phải kháng cự. Nhiều đạo luật đã được đưa ra để siết chặt hoạt động của các công ty công nghệ mới. Chẳng hạn, những mô hình tác động trực tiếp như Uber thì bị cấm tại rất nhiều quốc gia. Ngay tại Mỹ, không phải bang nào cũng cho phép Uber hoạt động. Tại châu Âu, một cuộc biểu tình lớn của giới taxi đã diễn ra và kết thúc bằng bạo lực. Tại Việt Nam, nhiều hãng taxi truyền thống cũng liên tục lên tiếng chỉ trích đây là mô hình lừa đảo, trốn thuế.

Quá trình tăng vốn quá nhanh của Airbnb hay Uber, hay WhatsApp khiến phố Wall nghi ngờ rằng đang có một bong bóng trực chờ nổ trong ngành công nghệ. Nhưng sự thành công của Facebook cũng cho thấy, thế giới đang thay đổi rất nhanh và không sớm thì muộn, chúng ta cũng phải thích nghi với điều này.

Kỷ nguyên của Internet đang cho chúng ta thấy, những ý tưởng, những đoạn code mới là thứ đáng giá nhất. Và cuộc chiến kinh doanh trong tương lai, có lẽ sẽ chỉ gói gọn trong nền tảng và cộng đồng.

Vũ Văn (Theo Trí Thức trẻ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 2 phản hồi cho bài viết “Những kẻ ‘vô sản’ thay đổi cả thế giới”:

  1. oaoaoaoa viết:

    Vũ Văn (Theo Trí Thức trẻ) đã nhầm vì những ông chủ FB, Uber, Alibaba,…. là những người HỮU SẢN có TÀI SẢN TRÍ TUỆ, – những người mà chế độ cs thường gọi là giai cấp tiểu tư sản đó, những người trí thức đã từng bị cs làm Cm để “TRÍ ĐỊA HÀO ĐÀO TẬN GỘC TRỐC TẬN RỄ” đó. ( lưu ý :giai cấp TRÍ đứng đầu danh sách tiêu giệt của cm cs đó). Cái cm mà ngaỳ nay còn rất nhiều dân VN tung hô ăn mừng vào các quốc lễ của vn đó. Qua đó có thê thấy số phận VN đã như thế nào.Nếu dân VN ko thay đổi não trang thì sộ phận của họ vẫn thế thôi

  2. oaoaoaoa viết:

    Vũ Văn (Theo Trí Thức trẻ) đã nhầm vì những ông chủ FB, Uber, Alibaba,…. là những người HỮU SẢN có TÀI SẢN TRÍ TUỆ, – những người mà chế độ cs thường gọi là giai cấp tiểu tư sản đó, những người trí thức đã từng bị cs( nhân danh giai cấp VÔ SẢN) làm Cm để “TRÍ ĐỊA HÀO ĐÀO TẬN GỘC TRỐC TẬN RỄ” đó. ( lưu ý :giai cấp TRÍ đứng đầu danh sách tiêu giệt của cm cs đó). Cái cm mà ngaỳ nay còn rất nhiều dân VN tung hô ăn mừng vào các quốc lễ của vn đó. Qua đó có thê thấy số phận VN đã như thế nào.Nếu dân VN ko thay đổi não trang thì sộ phận của họ vẫn thế thôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề