Đầu tư thâu tóm ngược đang là lựa chọn của rất nhiều ông chủ lớn người Việt khi gần đây, thị trường được chứng kiến những vụ thâu tóm tập đoàn nước ngoài một cách ngoạn mục của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt.
Năm 2015, thương vụ mua lại trị giá hàng tỷ USD – do một công ty Việt Nam mua lại công ty nước ngoài, đã khiến cả thế giới sửng sốt: Công ty chuyên về đầu tư SAPA Thale tại nước Đức đã mua lại tòa nhà quản lý WHE của tập đoàn Schunk Group, là một trong những tập đoàn về công nghệ cơ khí lớn nhất của nước Đức.
Hợp đồng mua bán Tòa nhà quản lý WHE của Tập đoàn Schunk Group được ký kết giữa ông Rainer Witzel, Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn Schunk Group và ông Mai Vũ Minh, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty SAPA Thale. Thương vụ mua bán này được xem là một trong những thương vụ mua bán lớn của doanh nghiệp Việt ở nước ngoài và đầu tiên tại châu Âu.
Thương vụ thứ hai phải kể đến là của ông Trần Đình Trường, tỷ phú gốc Việt trở thành chủ của chuỗi khách sạn Opera, khách sạn Carter, cũng như khách sạn sang trọng Lafayette ở Buffalo, New York. Vị tỷ phú này đã qua đời ở tuổi 81, để lại khối tài sản hơn 1 tỷ USD và hơn thế, là dấu ấn khó phai của một người Việt trong ngành kinh doanh khách sạn hạng sang ở ngay lòng quốc gia “sang” nhất thế giới.
Giữa năm 2015, báo chí Mỹ nhắc khá nhiều tới vị tỷ phú Hoàng Kiều lọt vào top 100 người giàu nhất nước Mỹ do Forbes bình chọn. Theo một thống kê, vị tỷ phú gốc Việt này đứng thứ 4 trong số các tỷ phú nhập cư vào Mỹ đã trở thành chủ một công ty chuyên về huyết tương có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Công ty này đạt lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, lên 28 triệu USD, trong khi doanh thu cũng tăng hơn 80% lên 88 triệu USD. Thương hiệu rượu vang Hoàng Kiều Winery của ông lừng danh toàn cầu vì độ “xa xỉ, sang trọng”. Ông Hoàng Kiều được biết sở hữu tổng tài sản khoảng hơn 3,7 tỷ USD.
Một vụ “xuất đầu lộ diện” của ông chủ Việt tuy không mất quá nhiều tiền, nhưng lại mang đến cho ông tài sản vô giá là chức thị trưởng thị trần Buford, ở Wyoming (Mỹ). Đó là trường hợp doanh nhân Phạm Đình Nguyên, người đã sở hữu thị trấn này với mức giá 900.000 USD trong một cuộc bán đấu giá vào ngày 5/4/2012.
Ông Phạm Đình Nguyên mua thị trấn nhỏ của Mỹ để đẩy thương hiệu café Phin Deli sang Mỹ.
Buford là một thị trấn nhỏ thuộc bang Wyoming, miền trung nước Mỹ. Thị trấn Buford ở độ cao 2.438 m so với mực nước biển, nằm trên đường nối từ New York đến San Francisco, nằm giữa Cheyenne, thủ phủ của bang Wyoming, và thành phố Laramie. Thị trấn nhỏ tưởng chừng bỏ hoang này với chỉ một cư dân duy nhất, nhưng theo ông Nguyên, lại là mảnh đất vàng cho một chuyên gia Marketing như ông tung tẩy.
Một ví dụ là nhờ Buford, Cà phê Phin Deli của doanh nhân Phạm Đình Nguyên đã có điểm tựa để sang trang mới – gắn tên mình vào một thị trấn và theo đó một thương hiệu Việt nghiễm nhiên xuất hiện, quản bá ngay trên đất Mỹ.
Tất cả những thương vụ nói trên đã chứng minh rằng: Trong M&A, không phải người đi săn – cá mập luôn phải là “cá lớn”.
Hơn thế, ai bảo doanh nghiệp Việt không lớn, không đủ tiềm lực hoặc không chủ động, từ những hiện tượng mang tính tạo xu thế kể trên?
Theo Trí thức trẻ
Trả lời